THA THỨ BAO NHIÊU LÀ ĐỦ
THA THỨ BAO NHIÊU LÀ ĐỦ
Chúng ta luôn nói rằng yêu nhau đồng nghĩa với việc chấp nhận, bao dung và thứ tha cho nhau. Thế nhưng, một khi lòng vị tha trở nên mù quáng, thì tình yêu liệu có được vững bền? Rốt cuộc sự tha thứ trong tình yêu, bao nhiêu mới là đủ?
Trong một mối quan hệ yêu đương, hầu như cặp đôi nào cũng có đôi lần cãi vã. Có người vì quá mỏi mệt nên lựa chọn rời đi, một đoạn tình cứ thế được thay thế bởi sự im lặng trầm mặc. Cũng có kẻ vì còn yêu nên chấp nhận thứ tha, như một thỏa thuận ngầm giữa đôi bên, cả hai trở thành những người “mất trí nhớ có chọn lọc” khi xóa bỏ mọi lỗi lầm của đối phương để có thể yêu lại từ đầu.
Con người thường có xu hướng trân trọng và tìm cách níu giữ những thứ mà mình luôn khao khát. Nói cách khác, chúng ta lựa chọn tha thứ, chấp nhận làm lại là vì còn yêu thương, còn cần nhau. Khi ấy, nỗi đau dù có lớn đến đâu cũng được tình yêu lấp đầy. Yêu nhau là vậy, đâu phải chỉ vừa gặp chút khó khăn mà đã nản lòng và lựa chọn buông tay, khiến hạt giống tình cảm chưa kịp đơm hoa kết trái đã phải vội vã úa tàn.
Vốn dĩ trên thế gian này, đâu ai nhất nhất đúng cả một đời. Cỗ máy được lập trình sẵn còn có đôi lần mắc lỗi, huống hồ là người trần mắt thịt như chúng ta. Nếu những lỗi lầm ấy không quá nghiêm trọng, hãy chọn tha thứ cho những điều đã qua và cùng nhau cố gắng vì hiện tại, để tình yêu càng thêm chín chắn và trưởng thành hơn. Tha thứ cũng là một cách để lòng mình thanh thản, và để trái tim thôi bị dày vò, dằn xé bởi sự đau đớn.
Thế nhưng, tha thứ bao nhiêu lần là đủ? Có thể tha thứ cho người đã phản bội lòng tin của mình hết lần này đến lần khác hay không? Có lẽ đây chính là câu hỏi lớn nhất trong lòng của những ai đã từng bị tổn thương nhưng con tim vẫn lì lợm vấn vương không dứt.
Trước đây, tôi từng nuôi một chú chó. Bản tính tăng động và nghịch ngợm khiến nó thường xuyên cắn đứt giày dép của tôi. Tuy nhiên, vì yêu thương nó nên tôi cứ mãi mủi lòng, không nỡ quát mắng, chỉ nhỏ nhẹ vài câu rồi thôi. Kết quả, càng ngày nó càng cắn phá nhiều đồ đạc trong nhà hơn. Dường như nó còn cho rằng tôi đã ngầm đồng ý với những hành động ấy bởi chẳng hề có một lời trách cứ nào cả.
Nói cách khác, khi được bao dung và thứ tha quá nhiều, một người có thể trở nên “lờn mặt”, nghĩa là không còn phân vân, do dự khi làm chuyện có lỗi với đối phương. Bởi họ biết rằng dù mình có cư xử tệ đến mấy thì chỉ cần xuống nước xin lỗi dăm ba câu, người kia lại cảm thấy yếu lòng và chấp nhận bỏ qua ngay ấy mà!
Có phải bạn luôn tự huyễn hoặc bản thân rằng chỉ cần vị tha, thậm chí yêu quý cả những khiếm khuyết của nửa kia thì họ sẽ cảm động trước tấm chân tình này và từ bỏ mọi thói hư tật xấu vì mình? Thực chất, khi bạn liên tục tha thứ, đối phương sẽ cho rằng tình yêu, lòng bao dung của bạn là một điều hiển nhiên và sẵn có mà không cần nỗ lực đạt được. Tệ hơn nữa, họ sẽ tự cho mình cái quyền chà đạp, làm tổn thương bạn mà không mảy may thương tiếc.
Bên cạnh câu xin lỗi, chúng ta còn cần sửa lỗi và tránh để không mắc phải sai lầm đó lần nữa. Lời xin lỗi không phải chỉ là một câu cửa miệng “gió thoảng mây bay”, hay là một cách hợp lý hóa cho những hành động làm tổn thương đối phương mà ta đã gây ra.
Lòng tin lẫn sự kiên nhẫn không phải là những thứ vô hạn. Sai lầm lần đầu có thể dạy cho đôi bên cách trưởng thành và trân trọng lẫn nhau. Nhưng sai lầm lặp lại nhiều lần nghĩa là người đó đã không còn coi trọng bạn nữa.
Tôi nhớ dạo gần đây, cư dân mạng phát sốt với câu nói đáng suy ngẫm của cô hoa hậu Hương Giang, rằng: “Phản bội lần đầu là lỗi của anh. Nhưng để anh phản bội lần này nữa thì là lỗi của tôi rồi”. Quả đúng như vậy, tha thứ lần một, lần hai có thể là do tình cảm và lòng bao dung, nhưng tha thứ quá nhiều lần, thậm chí quên đi bản thân mình thì chính là sự nhu nhược và ngu ngốc.
Tình yêu có lẽ là người thầy dạy chúng ta nhiều điều nhất trên đời. Những người yêu nhau buộc phải học cách hạnh phúc, trân trọng và thứ tha, nhưng đồng thời cũng cần học cách từ bỏ và quên lãng. Bởi có những lúc, chấm dứt mới là lựa chọn tốt nhất dành cho cả hai.
Hãy thử lắng lòng lại và tự hỏi chính mình, bạn có thật sự còn yêu thương người kia hay chỉ đơn thuần là tiếc nuối về những kỉ niệm lẫn phút giây hạnh phúc bên cạnh đối phương? Và liệu một người luôn đùa giỡn với tình yêu, lòng bao dung của bạn có xứng đáng để bạn quên đi bản thân mình như thế?
Có lẽ tình yêu khi ấy vẫn còn, nhưng niềm tin ắt hẳn đã sớm vỡ vụn. Chiếc gương một khi đã vỡ, dù bạn có cố hàn gắn đến mấy cũng không xóa mờ những vết nứt gượng gạo. Hà cớ gì phải đánh cược trái tim sau đầy rẫy tổn thương, hay cầu xin tình yêu và gò ép bản thân bên cạnh một người không còn coi trọng mình?
Hãy tha thứ cho lỗi lầm, nhưng là để lòng mình được thanh thản và lãng quên mọi đớn đau, chứ không phải là vì mù quáng đuổi theo dáng hình của một kẻ phản bội. Đừng biến tình yêu thành lòng thương hại. Cũng đừng để lòng vị tha thiêng liêng mà mọi người hay nói trở thành một điều sẵn có ngu ngốc trong mắt kẻ khác.
CATHERINE
Chúng ta luôn nói rằng yêu nhau đồng nghĩa với việc chấp nhận, bao dung và thứ tha cho nhau. Thế nhưng, một khi lòng vị tha trở nên mù quáng, thì tình yêu liệu có được vững bền? Rốt cuộc sự tha thứ trong tình yêu, bao nhiêu mới là đủ?
Trong một mối quan hệ yêu đương, hầu như cặp đôi nào cũng có đôi lần cãi vã. Có người vì quá mỏi mệt nên lựa chọn rời đi, một đoạn tình cứ thế được thay thế bởi sự im lặng trầm mặc. Cũng có kẻ vì còn yêu nên chấp nhận thứ tha, như một thỏa thuận ngầm giữa đôi bên, cả hai trở thành những người “mất trí nhớ có chọn lọc” khi xóa bỏ mọi lỗi lầm của đối phương để có thể yêu lại từ đầu.
Con người thường có xu hướng trân trọng và tìm cách níu giữ những thứ mà mình luôn khao khát. Nói cách khác, chúng ta lựa chọn tha thứ, chấp nhận làm lại là vì còn yêu thương, còn cần nhau. Khi ấy, nỗi đau dù có lớn đến đâu cũng được tình yêu lấp đầy. Yêu nhau là vậy, đâu phải chỉ vừa gặp chút khó khăn mà đã nản lòng và lựa chọn buông tay, khiến hạt giống tình cảm chưa kịp đơm hoa kết trái đã phải vội vã úa tàn.
Vốn dĩ trên thế gian này, đâu ai nhất nhất đúng cả một đời. Cỗ máy được lập trình sẵn còn có đôi lần mắc lỗi, huống hồ là người trần mắt thịt như chúng ta. Nếu những lỗi lầm ấy không quá nghiêm trọng, hãy chọn tha thứ cho những điều đã qua và cùng nhau cố gắng vì hiện tại, để tình yêu càng thêm chín chắn và trưởng thành hơn. Tha thứ cũng là một cách để lòng mình thanh thản, và để trái tim thôi bị dày vò, dằn xé bởi sự đau đớn.
Thế nhưng, tha thứ bao nhiêu lần là đủ? Có thể tha thứ cho người đã phản bội lòng tin của mình hết lần này đến lần khác hay không? Có lẽ đây chính là câu hỏi lớn nhất trong lòng của những ai đã từng bị tổn thương nhưng con tim vẫn lì lợm vấn vương không dứt.
Trước đây, tôi từng nuôi một chú chó. Bản tính tăng động và nghịch ngợm khiến nó thường xuyên cắn đứt giày dép của tôi. Tuy nhiên, vì yêu thương nó nên tôi cứ mãi mủi lòng, không nỡ quát mắng, chỉ nhỏ nhẹ vài câu rồi thôi. Kết quả, càng ngày nó càng cắn phá nhiều đồ đạc trong nhà hơn. Dường như nó còn cho rằng tôi đã ngầm đồng ý với những hành động ấy bởi chẳng hề có một lời trách cứ nào cả.
Nói cách khác, khi được bao dung và thứ tha quá nhiều, một người có thể trở nên “lờn mặt”, nghĩa là không còn phân vân, do dự khi làm chuyện có lỗi với đối phương. Bởi họ biết rằng dù mình có cư xử tệ đến mấy thì chỉ cần xuống nước xin lỗi dăm ba câu, người kia lại cảm thấy yếu lòng và chấp nhận bỏ qua ngay ấy mà!
Có phải bạn luôn tự huyễn hoặc bản thân rằng chỉ cần vị tha, thậm chí yêu quý cả những khiếm khuyết của nửa kia thì họ sẽ cảm động trước tấm chân tình này và từ bỏ mọi thói hư tật xấu vì mình? Thực chất, khi bạn liên tục tha thứ, đối phương sẽ cho rằng tình yêu, lòng bao dung của bạn là một điều hiển nhiên và sẵn có mà không cần nỗ lực đạt được. Tệ hơn nữa, họ sẽ tự cho mình cái quyền chà đạp, làm tổn thương bạn mà không mảy may thương tiếc.
Bên cạnh câu xin lỗi, chúng ta còn cần sửa lỗi và tránh để không mắc phải sai lầm đó lần nữa. Lời xin lỗi không phải chỉ là một câu cửa miệng “gió thoảng mây bay”, hay là một cách hợp lý hóa cho những hành động làm tổn thương đối phương mà ta đã gây ra.
Lòng tin lẫn sự kiên nhẫn không phải là những thứ vô hạn. Sai lầm lần đầu có thể dạy cho đôi bên cách trưởng thành và trân trọng lẫn nhau. Nhưng sai lầm lặp lại nhiều lần nghĩa là người đó đã không còn coi trọng bạn nữa.
Tôi nhớ dạo gần đây, cư dân mạng phát sốt với câu nói đáng suy ngẫm của cô hoa hậu Hương Giang, rằng: “Phản bội lần đầu là lỗi của anh. Nhưng để anh phản bội lần này nữa thì là lỗi của tôi rồi”. Quả đúng như vậy, tha thứ lần một, lần hai có thể là do tình cảm và lòng bao dung, nhưng tha thứ quá nhiều lần, thậm chí quên đi bản thân mình thì chính là sự nhu nhược và ngu ngốc.
Tình yêu có lẽ là người thầy dạy chúng ta nhiều điều nhất trên đời. Những người yêu nhau buộc phải học cách hạnh phúc, trân trọng và thứ tha, nhưng đồng thời cũng cần học cách từ bỏ và quên lãng. Bởi có những lúc, chấm dứt mới là lựa chọn tốt nhất dành cho cả hai.
Hãy thử lắng lòng lại và tự hỏi chính mình, bạn có thật sự còn yêu thương người kia hay chỉ đơn thuần là tiếc nuối về những kỉ niệm lẫn phút giây hạnh phúc bên cạnh đối phương? Và liệu một người luôn đùa giỡn với tình yêu, lòng bao dung của bạn có xứng đáng để bạn quên đi bản thân mình như thế?
Có lẽ tình yêu khi ấy vẫn còn, nhưng niềm tin ắt hẳn đã sớm vỡ vụn. Chiếc gương một khi đã vỡ, dù bạn có cố hàn gắn đến mấy cũng không xóa mờ những vết nứt gượng gạo. Hà cớ gì phải đánh cược trái tim sau đầy rẫy tổn thương, hay cầu xin tình yêu và gò ép bản thân bên cạnh một người không còn coi trọng mình?
Hãy tha thứ cho lỗi lầm, nhưng là để lòng mình được thanh thản và lãng quên mọi đớn đau, chứ không phải là vì mù quáng đuổi theo dáng hình của một kẻ phản bội. Đừng biến tình yêu thành lòng thương hại. Cũng đừng để lòng vị tha thiêng liêng mà mọi người hay nói trở thành một điều sẵn có ngu ngốc trong mắt kẻ khác.
CATHERINE
