TẾT TRONG MẮT NGƯỜI LỚN
TẾT TRONG MẮT NGƯỜI LỚN
Mỗi năm, khi không khí Tết không ngừng len lỏi và đất trời sắp sửa khoác màu áo mới, mọi đứa trẻ đều nôn nao háo hức, chỉ mong cho Tết đến thật mau. Ngược lại, đối với người lớn, Tết về mang theo những nỗi niềm vất vả và lo toan, khiến nhiều người chỉ cầu Tết sớm qua cho đỡ nặng lòng.
Có lẽ lúc còn thơ bé, ai cũng cất giấu cho riêng mình một vùng trời kỷ niệm về những ngày Tết vui tươi và rộn ràng. Tết đến là khi những đứa trẻ háo hức khoác lên người chiếc áo mới rồi chạy quanh nhà, đem cả mùa xuân về trên từng góc phố nhỏ. Tết còn là tiếng pháo hoa rình rang của đêm giao thừa, hòa cùng tiếng cười giòn giã, trong trẻo và vô tư. Được mong chờ nhất ngày Tết của trẻ con chính là những chiếc phong bao lì xì đỏ thắm do người lớn trao tặng, đổi lại là lời chúc về một năm mới bình an, như ý.
Cho đến sau này, khi con người ta dần lớn lên, niềm vui mỗi khi Tết đến xuân về cũng không còn vẹn nguyên như trước. Nhiều người đùa nhau rằng: “Đang yên đang lành tự nhiên Tết”, “Chữ Tết liền với chữ mệt một vần”, hay thường gặp nhất là tiếng thở dài chán nản: “Năm nay chẳng thấy có không khí Tết”.
Dường như càng trưởng thành, chúng ta lại càng trở nên khắt khe với ngày Tết hơn. Nhịp sống đô thị hối hả, xô bồ đang dần bào mòn nỗi hân hoan của một thời non trẻ, khiến Tết trở nên rườm rà, vô vị và ảm đạm. Đối với nhiều người, Tết chỉ đơn thuần là một kỳ nghỉ dài, chứ không còn là dịp để đắm chìm trong niềm vui quây quần khi đất trời thay màu áo mới.
Nhiều người lớn sợ Tết, bảo rằng thấy Tết là thấy mệt, bởi Tết của người lớn gắn liền với nỗi lo toan về tiền nong và những tính toán thiệt hơn. Đó có thể là khoản tiền chi trả các món nợ lặt vặt trong năm, cũng có thể là tiền mừng tuổi và sắm sửa đồ mới hoặc đồ cúng Tết – đủ để đôi vai tảo tần càng thêm nặng trĩu.
Sở dĩ người lớn không còn thích Tết như xưa, bởi họ đã qua rồi cái tuổi được là người vui vẻ, hạnh phúc nhất mỗi khi mùa xuân về. Đó cũng là lúc người lớn nhận ra, nụ cười trong trẻo, thơ ngây ngày bé đã được đánh đổi bằng bao nhiêu nhọc nhằn, vất vả từ những người mà họ thương yêu nhất. Thế nhưng, bằng một cách nào đó, chính những trách nhiệm và mối lo toan của những năm tháng trưởng thành lại là hương vị giúp ngày Tết trở nên đủ đầy và trọn vẹn.
Vậy Tết của người lớn là gì? Có lẽ, Tết là giọt nước mắt của những người tha hương đang mải mê tìm cảm giác ấm yên dưới mái nhà sau bao ngày tháng bôn ba trong giấc mơ thị thành. Tết còn là niềm hạnh phúc vô ngần khi được chăm sóc cho những người mình yêu thương bằng phong bao mừng tuổi ông bà với số tiền lần đầu kiếm được, hay cùng bố mẹ dọn dẹp, sắm sửa cho năm mới với nụ cười giản dị mà thiết tha.
Khi lớn lên, con người hết vô tư để tận hưởng trọn vẹn không khí Tết nhưng lại nhận ra tình yêu và trách nhiệm của hai tiếng gia đình. Tết không chỉ còn quanh quẩn với mùi áo mới, tiếng pháo hoa hay những phong bao lì xì đỏ thắm mà còn vương vấn ở những vẻ đẹp giản dị như giây phút cả nhà cùng quây quần bên nồi bánh chưng nghi ngút khói, hay đôi bàn tay chai sần đang dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa của bố mẹ. Ngày Tết cứ thế mà trở nên trọn vẹn, không nhờ những món quà vật chất phô trương mà nhờ tình thương yêu thầm lặng mà mỗi người gửi tặng cho nhau.
Nếu Tết của những đứa trẻ là sự nuông chiều trong vòng tay của gia đình ấm êm, thì Tết của người lớn lại là hành trình phấn đấu để bao bọc lại gia đình và học cách trở thành chỗ dựa vững chãi cho những người thân thiết. Đối với người lớn, Tết không còn đượm màu sắc tinh khôi, mơ mộng của một thuở vụng dại mà có thêm những gam màu trầm lắng, xao xuyến của cả cuộc đời.
Tết của người lớn, bớt đi một chút vô tư trong trẻo, nhưng lại có thêm rất nhiều trách nhiệm và niềm tự hào. Dù có lớn đến mấy, dù mang theo nhiều nỗi lo ra sao, thì Tết vẫn là ngày hạnh phúc, hân hoan nhất khi chúng ta có những người thân yêu để cùng gắn bó và mỉm cười trong năm mới sắp đến.
CATHERINE
Mỗi năm, khi không khí Tết không ngừng len lỏi và đất trời sắp sửa khoác màu áo mới, mọi đứa trẻ đều nôn nao háo hức, chỉ mong cho Tết đến thật mau. Ngược lại, đối với người lớn, Tết về mang theo những nỗi niềm vất vả và lo toan, khiến nhiều người chỉ cầu Tết sớm qua cho đỡ nặng lòng.
Có lẽ lúc còn thơ bé, ai cũng cất giấu cho riêng mình một vùng trời kỷ niệm về những ngày Tết vui tươi và rộn ràng. Tết đến là khi những đứa trẻ háo hức khoác lên người chiếc áo mới rồi chạy quanh nhà, đem cả mùa xuân về trên từng góc phố nhỏ. Tết còn là tiếng pháo hoa rình rang của đêm giao thừa, hòa cùng tiếng cười giòn giã, trong trẻo và vô tư. Được mong chờ nhất ngày Tết của trẻ con chính là những chiếc phong bao lì xì đỏ thắm do người lớn trao tặng, đổi lại là lời chúc về một năm mới bình an, như ý.
Cho đến sau này, khi con người ta dần lớn lên, niềm vui mỗi khi Tết đến xuân về cũng không còn vẹn nguyên như trước. Nhiều người đùa nhau rằng: “Đang yên đang lành tự nhiên Tết”, “Chữ Tết liền với chữ mệt một vần”, hay thường gặp nhất là tiếng thở dài chán nản: “Năm nay chẳng thấy có không khí Tết”.
Dường như càng trưởng thành, chúng ta lại càng trở nên khắt khe với ngày Tết hơn. Nhịp sống đô thị hối hả, xô bồ đang dần bào mòn nỗi hân hoan của một thời non trẻ, khiến Tết trở nên rườm rà, vô vị và ảm đạm. Đối với nhiều người, Tết chỉ đơn thuần là một kỳ nghỉ dài, chứ không còn là dịp để đắm chìm trong niềm vui quây quần khi đất trời thay màu áo mới.
Nhiều người lớn sợ Tết, bảo rằng thấy Tết là thấy mệt, bởi Tết của người lớn gắn liền với nỗi lo toan về tiền nong và những tính toán thiệt hơn. Đó có thể là khoản tiền chi trả các món nợ lặt vặt trong năm, cũng có thể là tiền mừng tuổi và sắm sửa đồ mới hoặc đồ cúng Tết – đủ để đôi vai tảo tần càng thêm nặng trĩu.
Sở dĩ người lớn không còn thích Tết như xưa, bởi họ đã qua rồi cái tuổi được là người vui vẻ, hạnh phúc nhất mỗi khi mùa xuân về. Đó cũng là lúc người lớn nhận ra, nụ cười trong trẻo, thơ ngây ngày bé đã được đánh đổi bằng bao nhiêu nhọc nhằn, vất vả từ những người mà họ thương yêu nhất. Thế nhưng, bằng một cách nào đó, chính những trách nhiệm và mối lo toan của những năm tháng trưởng thành lại là hương vị giúp ngày Tết trở nên đủ đầy và trọn vẹn.
Vậy Tết của người lớn là gì? Có lẽ, Tết là giọt nước mắt của những người tha hương đang mải mê tìm cảm giác ấm yên dưới mái nhà sau bao ngày tháng bôn ba trong giấc mơ thị thành. Tết còn là niềm hạnh phúc vô ngần khi được chăm sóc cho những người mình yêu thương bằng phong bao mừng tuổi ông bà với số tiền lần đầu kiếm được, hay cùng bố mẹ dọn dẹp, sắm sửa cho năm mới với nụ cười giản dị mà thiết tha.
Khi lớn lên, con người hết vô tư để tận hưởng trọn vẹn không khí Tết nhưng lại nhận ra tình yêu và trách nhiệm của hai tiếng gia đình. Tết không chỉ còn quanh quẩn với mùi áo mới, tiếng pháo hoa hay những phong bao lì xì đỏ thắm mà còn vương vấn ở những vẻ đẹp giản dị như giây phút cả nhà cùng quây quần bên nồi bánh chưng nghi ngút khói, hay đôi bàn tay chai sần đang dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa của bố mẹ. Ngày Tết cứ thế mà trở nên trọn vẹn, không nhờ những món quà vật chất phô trương mà nhờ tình thương yêu thầm lặng mà mỗi người gửi tặng cho nhau.
Nếu Tết của những đứa trẻ là sự nuông chiều trong vòng tay của gia đình ấm êm, thì Tết của người lớn lại là hành trình phấn đấu để bao bọc lại gia đình và học cách trở thành chỗ dựa vững chãi cho những người thân thiết. Đối với người lớn, Tết không còn đượm màu sắc tinh khôi, mơ mộng của một thuở vụng dại mà có thêm những gam màu trầm lắng, xao xuyến của cả cuộc đời.
Tết của người lớn, bớt đi một chút vô tư trong trẻo, nhưng lại có thêm rất nhiều trách nhiệm và niềm tự hào. Dù có lớn đến mấy, dù mang theo nhiều nỗi lo ra sao, thì Tết vẫn là ngày hạnh phúc, hân hoan nhất khi chúng ta có những người thân yêu để cùng gắn bó và mỉm cười trong năm mới sắp đến.
CATHERINE