SÀI GÒN – HOA VÀ LỆ
SÀI GÒN – HOA VÀ LỆ
Đó là một buổi trưa oi nồng, sau khi dọn dẹp căn phòng trọ, tôi gom một túi rác thật to ì ạch mang ra bãi rác cách nhà vài mét.
Khi tôi đến, chú nhặt ve chai đã có mặt ở đó khá lâu, nhặt nhạnh những thứ có thể bán lại và phân loại chúng vào mấy cái túi to treo trên chiếc xe đạp cà tàng. Gương mặt của chú dưới cái nắng gay gắt của Sài Gòn càng hiện rõ những đường nét của gian nan, khắc khổ. Tấm lưng đẫm mồ hôi, quện chặt vào chiếc áo sơ mi sờn cũ vá chằng, vá đụp. Chú miệt mài, kiên nhẫn mở ra, tìm kiếm và cột lại từng túi rác “hầm bà lằng” đủ thứ tạp nham và bốc mùi. Tôi đến và đặt nhẹ nhàng túi rác của mình xuống, gật đầu chào chú và rời đi.
- Cô ơi, con gấu này cô không dùng nữa sao?
Giật mình vì tiếng gọi của chú, tôi quay người lại. Chú đang cầm con gấu cũ vừa mới bị dây vết tương cà từ chai tương quá hạn tôi vứt kèm.
- Dạ không chú ạ.
Tôi vừa xác nhận xong, chú mang con gấu ra đặt gọn trong rổ xe của mình.
- Chú ơi, con gấu ấy cũ quá, chú mang về chắc không dùng được nữa đâu. Nó bục chỉ hai ba chỗ rồi.
- Không cô ạ, tôi khâu lại rồi giặt sạch, sinh nhật con gái mà tôi vẫn chưa đủ tiền mua được gì, cảm ơn cô nhiều nhé.
Nói rồi chú đi, con gấu cũ của tôi cũng rung rinh theo từng nhịp xe cọc cạch của người đàn ông khổ hạnh. Cái nắng Sài Gòn chưa bao giờ gay gắt đến thế. Tôi vẫn đứng lặng yên ở đó, nhìn mấy túi rác đến vô hồn.
Chú khiến tôi nhớ tuổi thơ của mình. Ngày đó, lương giáo viên của mẹ chẳng đủ lo thêm quần áo mới hay đồ chơi cho hai chị em tôi vì ba bữa ăn là ưu tiên số một. Mỗi khi mẹ đem một túi đồ cũ về là hai chúng tôi phấn khởi lắm. Mẹ sửa lại từng chiếc quần áo, cặp đựng sách vở, giày dép… Tôi và em gái đã đi từ những ngày “cũ người mới ta” ấy để phấn đấu đến hiện tại.
Giờ đây khi nhìn thấy chú, tôi lại thấy xót lòng. Tôi lại nhớ đến những ngày tháng đã cũ. Con gái chú chắc sẽ vui giống như hai chị em tôi ngày xưa ấy. Tôi có thể tưởng tượng ra được nụ cười của em ấy và bật khóc ngon lành.
Đất Sài Gòn đầy hoa thiên đường nhưng cũng đẫm lệ trần gian. Những kiếp người và thân phận phiêu bạc, lấp ló khắp mọi nơi trong ngổn ngang, tấp nập của thành phố.
Cái ăn, cái mặc với nhiều người là dễ dàng nhưng với rất nhiều người khác luôn là một niềm đau đáu, kiếm tìm sớm tối. Vài ba chục triệu để mua một đêm vui ở những quán bar của nhiều người lại là cả một gia tài lớn lao đối với rất nhiều người khác. Một hai chiếc đùi gà vứt đi sau bữa ăn thừa mứa của nhiều người lại là niềm mơ ước trong bữa cơm của rất nhiều người khác. Một hai tờ bạc lẻ mất đi không đáng của nhiều người lại là phần chắt chiu mỗi ngày của rất nhiều người khác để tết được về quê, để con cái có thêm một ít thức ăn ngon…
Sẽ không ít lần chúng ta bước chân về từ những rạp chiếu phim giữa khuya, lướt ngang qua những giấc ngủ mê mệt dưới những mái hiên nhà người trong tiếng rầm rập của xe cộ, của tiếng chổi quét đường, của tiếng đàn chuột gọi nhau tìm thức ăn. Họ vì nhiều lý do khác nhau mà tứ cố vô thân, lang bạc ở đất thành phố này mà mưu sinh. Họ khác với chúng ta, họ yêu những ngày nắng như thế này vì khi ấy “chiếc giường” sẽ khô ráo, giấc ngủ sẽ được dài hơn. Họ khác với chúng ta, họ đùm bọc nhau nhiều hơn và ít phán xét. Họ khác với chúng ta, họ ít than vãn, họ vẫn sống, lao động và kiên cường.
Tôi hi vọng cô con gái nhỏ của chú sẽ an vui và hạnh phúc với món quà bé nhỏ cha nhặt lại bên đường và làm mới nó với tất cả yêu thương. Hy vọng em sẽ có động lực để vượt được những ngày tháng khó khăn và mạnh mẽ hơn để lau dùm cha những giọt mồ hôi nặng nhọc sau này. Hy vọng em cũng sẽ thầm cảm ơn những ngày vất vả này để có được những điều xứng đáng hơn ở tương lai như tôi bây giờ.
Và cũng bắt đầu từ hôm ấy, tôi không bao giờ để chung tất cả các loại rác thải với nhau nữa. Những phế thải ve chai luôn được giữ sạch sẽ ở một túi riêng biệt và khi có quần áo cũ tôi cũng luôn ghi chú ở bên ngoài. Bỗng dưng tôi nhận ra rằng làm một điều tử tế chắc chắn không giúp ta giàu có hơn, nhưng sẽ giúp được nhiều người đỡ vất vả hơn và giữ lấy tình yêu thương giữa người với người.
LẠC NHIÊN
Đó là một buổi trưa oi nồng, sau khi dọn dẹp căn phòng trọ, tôi gom một túi rác thật to ì ạch mang ra bãi rác cách nhà vài mét.
Khi tôi đến, chú nhặt ve chai đã có mặt ở đó khá lâu, nhặt nhạnh những thứ có thể bán lại và phân loại chúng vào mấy cái túi to treo trên chiếc xe đạp cà tàng. Gương mặt của chú dưới cái nắng gay gắt của Sài Gòn càng hiện rõ những đường nét của gian nan, khắc khổ. Tấm lưng đẫm mồ hôi, quện chặt vào chiếc áo sơ mi sờn cũ vá chằng, vá đụp. Chú miệt mài, kiên nhẫn mở ra, tìm kiếm và cột lại từng túi rác “hầm bà lằng” đủ thứ tạp nham và bốc mùi. Tôi đến và đặt nhẹ nhàng túi rác của mình xuống, gật đầu chào chú và rời đi.
- Cô ơi, con gấu này cô không dùng nữa sao?
Giật mình vì tiếng gọi của chú, tôi quay người lại. Chú đang cầm con gấu cũ vừa mới bị dây vết tương cà từ chai tương quá hạn tôi vứt kèm.
- Dạ không chú ạ.
Tôi vừa xác nhận xong, chú mang con gấu ra đặt gọn trong rổ xe của mình.
- Chú ơi, con gấu ấy cũ quá, chú mang về chắc không dùng được nữa đâu. Nó bục chỉ hai ba chỗ rồi.
- Không cô ạ, tôi khâu lại rồi giặt sạch, sinh nhật con gái mà tôi vẫn chưa đủ tiền mua được gì, cảm ơn cô nhiều nhé.
Nói rồi chú đi, con gấu cũ của tôi cũng rung rinh theo từng nhịp xe cọc cạch của người đàn ông khổ hạnh. Cái nắng Sài Gòn chưa bao giờ gay gắt đến thế. Tôi vẫn đứng lặng yên ở đó, nhìn mấy túi rác đến vô hồn.
Chú khiến tôi nhớ tuổi thơ của mình. Ngày đó, lương giáo viên của mẹ chẳng đủ lo thêm quần áo mới hay đồ chơi cho hai chị em tôi vì ba bữa ăn là ưu tiên số một. Mỗi khi mẹ đem một túi đồ cũ về là hai chúng tôi phấn khởi lắm. Mẹ sửa lại từng chiếc quần áo, cặp đựng sách vở, giày dép… Tôi và em gái đã đi từ những ngày “cũ người mới ta” ấy để phấn đấu đến hiện tại.
Giờ đây khi nhìn thấy chú, tôi lại thấy xót lòng. Tôi lại nhớ đến những ngày tháng đã cũ. Con gái chú chắc sẽ vui giống như hai chị em tôi ngày xưa ấy. Tôi có thể tưởng tượng ra được nụ cười của em ấy và bật khóc ngon lành.
Đất Sài Gòn đầy hoa thiên đường nhưng cũng đẫm lệ trần gian. Những kiếp người và thân phận phiêu bạc, lấp ló khắp mọi nơi trong ngổn ngang, tấp nập của thành phố.
Cái ăn, cái mặc với nhiều người là dễ dàng nhưng với rất nhiều người khác luôn là một niềm đau đáu, kiếm tìm sớm tối. Vài ba chục triệu để mua một đêm vui ở những quán bar của nhiều người lại là cả một gia tài lớn lao đối với rất nhiều người khác. Một hai chiếc đùi gà vứt đi sau bữa ăn thừa mứa của nhiều người lại là niềm mơ ước trong bữa cơm của rất nhiều người khác. Một hai tờ bạc lẻ mất đi không đáng của nhiều người lại là phần chắt chiu mỗi ngày của rất nhiều người khác để tết được về quê, để con cái có thêm một ít thức ăn ngon…
Sẽ không ít lần chúng ta bước chân về từ những rạp chiếu phim giữa khuya, lướt ngang qua những giấc ngủ mê mệt dưới những mái hiên nhà người trong tiếng rầm rập của xe cộ, của tiếng chổi quét đường, của tiếng đàn chuột gọi nhau tìm thức ăn. Họ vì nhiều lý do khác nhau mà tứ cố vô thân, lang bạc ở đất thành phố này mà mưu sinh. Họ khác với chúng ta, họ yêu những ngày nắng như thế này vì khi ấy “chiếc giường” sẽ khô ráo, giấc ngủ sẽ được dài hơn. Họ khác với chúng ta, họ đùm bọc nhau nhiều hơn và ít phán xét. Họ khác với chúng ta, họ ít than vãn, họ vẫn sống, lao động và kiên cường.
Tôi hi vọng cô con gái nhỏ của chú sẽ an vui và hạnh phúc với món quà bé nhỏ cha nhặt lại bên đường và làm mới nó với tất cả yêu thương. Hy vọng em sẽ có động lực để vượt được những ngày tháng khó khăn và mạnh mẽ hơn để lau dùm cha những giọt mồ hôi nặng nhọc sau này. Hy vọng em cũng sẽ thầm cảm ơn những ngày vất vả này để có được những điều xứng đáng hơn ở tương lai như tôi bây giờ.
Và cũng bắt đầu từ hôm ấy, tôi không bao giờ để chung tất cả các loại rác thải với nhau nữa. Những phế thải ve chai luôn được giữ sạch sẽ ở một túi riêng biệt và khi có quần áo cũ tôi cũng luôn ghi chú ở bên ngoài. Bỗng dưng tôi nhận ra rằng làm một điều tử tế chắc chắn không giúp ta giàu có hơn, nhưng sẽ giúp được nhiều người đỡ vất vả hơn và giữ lấy tình yêu thương giữa người với người.
LẠC NHIÊN