“QUẠI” ƠI, CON THÈM XÔI “DỊ”
“QUẠI” ƠI, CON THÈM XÔI “DỊ”
Mưa đã bước vào mùa. Ngồi dưới hiên phòng trọ, trời âm u, mưa Sài Gòn dầm dề trêu người trên phố. Má gọi lên hỏi: “Cuối tuần con có về không để má mua ba khía cho mà ăn?”.
Vậy là tôi cắp giỏ về quê ngay sáng sớm thứ bảy.
Con đường về quê từ khi có hai cây cầu lớn đỡ nhọc nhằn hơn hẳn. Hai năm đầu lên Sài Gòn, mỗi bận đi về phải qua hai bến bắc Rạch Miễu và bắc Hàm Luông dài dằng dặc mà ngao ngán, lười biếng về nhà. Ba má chờ mòn mỏi đâm ra giận hờn. Ngày đó trẻ người non dại, không hiểu chuyện cứ vin vào cái lý đường xa, bất tiện này kia mà cãi, khiến ba má buồn. Sau này chợt nhận ra, khi mình lớn khôn dần, những tháng ngày còn được về thăm và nhìn thấy ba má đã dần ngắn lại. Bây giờ cách tuần là ráo riết về nhà.
Có lẽ chỉ khi va chạm cuộc sống nhiều, khi cái đầu nhỏ bé đã có nhiều hạt sạn của lo toan, mệt mỏi, hoài nghi thì mới nhìn thấy rõ ràng: một mái nhà lá đơn sơ với ba má, với sông nước, vườn tược, bể cá, gà vịt, chó mèo… chỉ vậy thôi nhưng lòng bình yên đến lạ.
Trưa nằm lim dim, má phe phẩy cây quạt nan (mùa hè ở quê tôi thường hay bị cúp điện). Má bảo: “Thứ 6 tuần sau, giỗ đầu của ngoại, con có về được không?“. Tôi dạ khẽ. Má nhắm nhẹ mắt lại, cố dằn không cho nước mắt chảy ra và vẫn phe phẩy quạt. Cây quạt nan cũ kĩ rồi mà má tiếc hoài không dám bỏ. Cán của nó đã rệu rã, má lấy mấy thanh tre kẹp vào rồi quấn dây nilon cho cứng lại. Má bảo kỉ vật của ngoại tôi, người đi, mộ còn chưa phải tô vôi lại, bỏ sao cho đành.
Ông nội mất lúc tôi còn khá nhỏ, chưa hiểu được sự phân ly tử biệt ra làm sao để mà rơi nước mắt nhớ thương. Bà nội, ông ngoại đều mất sớm, tôi không may mắn được gặp dù chỉ một lần. Vậy nên, bà ngoại là người duy nhất tôi bám dính ngoài ba má. Tôi ngủ với ngoại từ bé cho đến lớp 11. Bà cháu ngủ trên bộ li-văng. Mùa hè, ngày cũng như đêm, hễ cúp điện, bà lại quạt tay cho tôi ngủ. Gió khe khẽ lay lay mái tóc mai hai bà cháu, ngoại bảo tôi nhắm mắt nằm im để không bị đổ mồ hôi. Đôi khi tôi giật mình vì “hết gió”, mở mắt thấy ngoại đang ngủ gục, tay còn nắm khư khư cán quạt. Tôi trở người, động đậy, vậy là ngoại thức giấc và gió lại man mát thổi trên lưng tôi…
Đến những ngày tháng ngoại bắt đầu quên đi nhiều thứ, ngoại dần dà chẳng nhận ra tôi nữa. Nhưng hễ tôi chìa cây quạt là bà tự khắc cầm lên và quạt cho tôi. Dường như đó là một thói quen của yêu thương nằm sâu trong tiềm thức của bà.
Tuổi thơ của tôi may mắn có ngoại trong khoảng trời ký ức của mình. Nhớ đến ngoại, tôi sẽ nhớ đến những chiếc bánh cam, bánh còng, xôi vị, kẹo the đủ màu, những chiếc gối dồn bông gòn trắng, những chiếc áo bà ba được may bằng tay mà đường may thẳng thớm không thua gì máy may và những chiếc quạt nan của ngoại.
Lúc nhỏ bà thường hay ghẹo tôi “bà Ngoại có mùi gì hả Bé?”, tôi vừa ôm bà, vừa cười ngặt ngẽo, vừa trả lời oang oang “Bà “quại” có mùi xôi “dị!” và ngoại lại mắng yêu “Tổ cha mày, chỉ có ăn là giỏi”.
Giỗ ngoại năm nay, thể nào má cũng sẽ làm một ít xôi vị, màu xanh nhàn nhạt của lá dứa, vị hồi và mè thơm lẫn với mùi lá chuối tươi. Má học từ ngoại nhưng không bao giờ cho ra được mùi vị như ngoại làm. Tôi không thể diễn tả bằng lời được, có lẽ nó thuộc về cảm giác quen thuộc nơi đầu lưỡi. Tôi yêu bà như yêu mùi xôi vị không lẫn với ai được ấy.
Má kể rằng ngoại lo cho tôi đủ thứ từ lúc sinh ra. Ngoại sợ con gái mà mũi hếch sau này gả chồng má phải bù. Thế là ngoại hơ hai ngón tay trên lửa than ấm ấm rồi vuốt sống mũi cho tôi, mỗi ngày hai lượt. Sợ tôi không có lông mày, ngoại cạo rồi lấy cuống trầu vẽ lên, để sau này chân mày tôi cong cong như lá liễu. Không có ngoại, chắc tôi cũng không đi đứng được bình thường. Má bảo ngoại chịu nóng hơ hai bàn tay trên lửa than rồi nắn bàn chân nhỏ của tôi vì nó bị vẹo lúc sinh ra. Ngày đó má phải đi dạy trở lại khi chưa hết kì nghỉ hậu sản để kiếm tiền, tôi cứ vậy lăn lóc với ngoại. Ngoại vừa làm khuy áo, luôn tà áo dài vừa chăm cháu. Mỗi bận kể lại, má đều khóc. Những ngày nghèo khổ, ngoại thèm tô hủ tiếu ở quán mà chẳng dám mua vì tiếc tiền, để dành cho cháu.
Ngày ngoại mất, tôi đi làm ở xa. Trở về nhà trong một cảm giác bơ vơ khôn tả, dẫu biết ngoại đi thanh thản, nhẹ nhàng sau khi uống ly sữa ấm má pha và hôn má một cái thật dài.
Thoắt một cái đã giáp năm.
Tôi nằm bất động nhớ về những ngày xưa, thật xưa… Một giọng trẻ con ngọng nghịu vọng về trong giấc mơ trưa: “Bà “quại” ơi, con thèm xôi “dị” rồi!”. Tôi giật mình mở mắt mơ màng, gió từ chiếc quạt nan đang lay lay mái tóc mai. Cơn mơ màng kéo dài khiến tôi cảm giác như mùi của ngoại, của xôi vị thơm thơm hương hoa hồi phảng phất đâu đây. Và bàn tay đang cầm chiếc quạt kia chừng như bàn tay gầy guộc, nổi những cọng gân xanh của ngoại. Tôi choàng tỉnh, nghẹn ngào chấp nhận rằng khoảng trời ký ức xôi vị của tôi đã thực sự mất đi một người cùng nắm giữ.
Tôi quay người, lặng lẽ lau hai hàng nước mắt. Nằm kế bên, má vẫn chưa chợp mắt được giây nào…
LẠC NHIÊN
Mưa đã bước vào mùa. Ngồi dưới hiên phòng trọ, trời âm u, mưa Sài Gòn dầm dề trêu người trên phố. Má gọi lên hỏi: “Cuối tuần con có về không để má mua ba khía cho mà ăn?”.
Vậy là tôi cắp giỏ về quê ngay sáng sớm thứ bảy.
Con đường về quê từ khi có hai cây cầu lớn đỡ nhọc nhằn hơn hẳn. Hai năm đầu lên Sài Gòn, mỗi bận đi về phải qua hai bến bắc Rạch Miễu và bắc Hàm Luông dài dằng dặc mà ngao ngán, lười biếng về nhà. Ba má chờ mòn mỏi đâm ra giận hờn. Ngày đó trẻ người non dại, không hiểu chuyện cứ vin vào cái lý đường xa, bất tiện này kia mà cãi, khiến ba má buồn. Sau này chợt nhận ra, khi mình lớn khôn dần, những tháng ngày còn được về thăm và nhìn thấy ba má đã dần ngắn lại. Bây giờ cách tuần là ráo riết về nhà.
Có lẽ chỉ khi va chạm cuộc sống nhiều, khi cái đầu nhỏ bé đã có nhiều hạt sạn của lo toan, mệt mỏi, hoài nghi thì mới nhìn thấy rõ ràng: một mái nhà lá đơn sơ với ba má, với sông nước, vườn tược, bể cá, gà vịt, chó mèo… chỉ vậy thôi nhưng lòng bình yên đến lạ.
Trưa nằm lim dim, má phe phẩy cây quạt nan (mùa hè ở quê tôi thường hay bị cúp điện). Má bảo: “Thứ 6 tuần sau, giỗ đầu của ngoại, con có về được không?“. Tôi dạ khẽ. Má nhắm nhẹ mắt lại, cố dằn không cho nước mắt chảy ra và vẫn phe phẩy quạt. Cây quạt nan cũ kĩ rồi mà má tiếc hoài không dám bỏ. Cán của nó đã rệu rã, má lấy mấy thanh tre kẹp vào rồi quấn dây nilon cho cứng lại. Má bảo kỉ vật của ngoại tôi, người đi, mộ còn chưa phải tô vôi lại, bỏ sao cho đành.
Ông nội mất lúc tôi còn khá nhỏ, chưa hiểu được sự phân ly tử biệt ra làm sao để mà rơi nước mắt nhớ thương. Bà nội, ông ngoại đều mất sớm, tôi không may mắn được gặp dù chỉ một lần. Vậy nên, bà ngoại là người duy nhất tôi bám dính ngoài ba má. Tôi ngủ với ngoại từ bé cho đến lớp 11. Bà cháu ngủ trên bộ li-văng. Mùa hè, ngày cũng như đêm, hễ cúp điện, bà lại quạt tay cho tôi ngủ. Gió khe khẽ lay lay mái tóc mai hai bà cháu, ngoại bảo tôi nhắm mắt nằm im để không bị đổ mồ hôi. Đôi khi tôi giật mình vì “hết gió”, mở mắt thấy ngoại đang ngủ gục, tay còn nắm khư khư cán quạt. Tôi trở người, động đậy, vậy là ngoại thức giấc và gió lại man mát thổi trên lưng tôi…
Đến những ngày tháng ngoại bắt đầu quên đi nhiều thứ, ngoại dần dà chẳng nhận ra tôi nữa. Nhưng hễ tôi chìa cây quạt là bà tự khắc cầm lên và quạt cho tôi. Dường như đó là một thói quen của yêu thương nằm sâu trong tiềm thức của bà.
Tuổi thơ của tôi may mắn có ngoại trong khoảng trời ký ức của mình. Nhớ đến ngoại, tôi sẽ nhớ đến những chiếc bánh cam, bánh còng, xôi vị, kẹo the đủ màu, những chiếc gối dồn bông gòn trắng, những chiếc áo bà ba được may bằng tay mà đường may thẳng thớm không thua gì máy may và những chiếc quạt nan của ngoại.
Lúc nhỏ bà thường hay ghẹo tôi “bà Ngoại có mùi gì hả Bé?”, tôi vừa ôm bà, vừa cười ngặt ngẽo, vừa trả lời oang oang “Bà “quại” có mùi xôi “dị!” và ngoại lại mắng yêu “Tổ cha mày, chỉ có ăn là giỏi”.
Giỗ ngoại năm nay, thể nào má cũng sẽ làm một ít xôi vị, màu xanh nhàn nhạt của lá dứa, vị hồi và mè thơm lẫn với mùi lá chuối tươi. Má học từ ngoại nhưng không bao giờ cho ra được mùi vị như ngoại làm. Tôi không thể diễn tả bằng lời được, có lẽ nó thuộc về cảm giác quen thuộc nơi đầu lưỡi. Tôi yêu bà như yêu mùi xôi vị không lẫn với ai được ấy.
Má kể rằng ngoại lo cho tôi đủ thứ từ lúc sinh ra. Ngoại sợ con gái mà mũi hếch sau này gả chồng má phải bù. Thế là ngoại hơ hai ngón tay trên lửa than ấm ấm rồi vuốt sống mũi cho tôi, mỗi ngày hai lượt. Sợ tôi không có lông mày, ngoại cạo rồi lấy cuống trầu vẽ lên, để sau này chân mày tôi cong cong như lá liễu. Không có ngoại, chắc tôi cũng không đi đứng được bình thường. Má bảo ngoại chịu nóng hơ hai bàn tay trên lửa than rồi nắn bàn chân nhỏ của tôi vì nó bị vẹo lúc sinh ra. Ngày đó má phải đi dạy trở lại khi chưa hết kì nghỉ hậu sản để kiếm tiền, tôi cứ vậy lăn lóc với ngoại. Ngoại vừa làm khuy áo, luôn tà áo dài vừa chăm cháu. Mỗi bận kể lại, má đều khóc. Những ngày nghèo khổ, ngoại thèm tô hủ tiếu ở quán mà chẳng dám mua vì tiếc tiền, để dành cho cháu.
Ngày ngoại mất, tôi đi làm ở xa. Trở về nhà trong một cảm giác bơ vơ khôn tả, dẫu biết ngoại đi thanh thản, nhẹ nhàng sau khi uống ly sữa ấm má pha và hôn má một cái thật dài.
Thoắt một cái đã giáp năm.
Tôi nằm bất động nhớ về những ngày xưa, thật xưa… Một giọng trẻ con ngọng nghịu vọng về trong giấc mơ trưa: “Bà “quại” ơi, con thèm xôi “dị” rồi!”. Tôi giật mình mở mắt mơ màng, gió từ chiếc quạt nan đang lay lay mái tóc mai. Cơn mơ màng kéo dài khiến tôi cảm giác như mùi của ngoại, của xôi vị thơm thơm hương hoa hồi phảng phất đâu đây. Và bàn tay đang cầm chiếc quạt kia chừng như bàn tay gầy guộc, nổi những cọng gân xanh của ngoại. Tôi choàng tỉnh, nghẹn ngào chấp nhận rằng khoảng trời ký ức xôi vị của tôi đã thực sự mất đi một người cùng nắm giữ.
Tôi quay người, lặng lẽ lau hai hàng nước mắt. Nằm kế bên, má vẫn chưa chợp mắt được giây nào…
LẠC NHIÊN