NHỮNG LỜI NÓI ĐÙA CỦA NGƯỜI LỚN
NHỮNG LỜI NÓI ĐÙA CỦA NGƯỜI LỚN
Cách đây không lâu, tôi không khỏi bàng hoàng và xót xa khi đọc được bài báo về cái chết của một đứa trẻ sơ sinh trên mạng. “Hung thủ” ở đây lại chính là cô chị ruột mới năm tuổi của đứa bé, vì hàng xóm đe dọa rằng khi có em trai sẽ bị ba mẹ cho “ra rìa”, không được yêu thương nữa nên đã bế em mình quăng xuống ban công.
Câu chuyện này khiến những kẻ mang danh người lớn như chúng ta phải suy nghĩ lại, liệu những lời đùa mà chúng ta tự cho là vô thưởng vô phạt có đang hủy hoại tâm hồn non nớt của những đứa trẻ hay không?
Bản thân tôi ngày bé cũng từng trải qua những lời đùa cợt tương tự như bé gái trong bài báo trên. Khi mẹ tôi mang thai đứa con thứ hai, những người hàng xóm xung quanh đã không ngừng dọa tôi rằng: “Bây giờ bố mẹ có em rồi, bố mẹ không cần cháu nữa đâu”; “Bố mẹ chỉ thương em thôi, cháu sẽ bị bố mẹ cho ra rìa”. Những câu đùa vô ý tứ ấy nhiều đến mức tôi từng cho rằng sinh linh nhỏ nhắn còn đang dần thành hình trong bụng mẹ kia chính là kẻ đang tranh giành tình yêu thương với tôi, đến mức tôi mong rằng mẹ cứ mang thai thật lâu, đừng bao giờ sinh em tôi ra làm gì.
Đến lúc em gái tôi chào đời, những câu đùa ấy vẫn không dừng lại, thậm chí có phần quá đáng hơn. Tôi nhớ một chiều mưa tầm tã, vì em gái quấy khóc nên mẹ tôi không thể đến trường đón tôi về. Cô giáo đùa tôi rằng: “Mẹ quên mất em rồi, bây giờ mẹ chỉ thương em gái của em thôi”. Tôi ngồi giữa sân trường vắng hoe, nghe tiếng mưa rơi tí tách mà khóc nức nở, thật sự cho rằng bố mẹ không còn cần mình nữa.
Chăm sóc một đứa trẻ sơ sinh buộc người lớn phải dành rất nhiều thời gian cho nó, nhưng như thế không có nghĩa là đứa lớn không còn được bố mẹ yêu thương. Tiếc rằng không phải đứa trẻ nào cũng hiểu được điều này, mà những người lớn khác thay vì ôn tồn giải thích lại cố ý đơm đặt nỗi lo lắng không có thật vào tâm trí của trẻ con. Cũng vì vậy mà khi bác hàng xóm trêu: “Để cô đem em cháu về nuôi nhé”, tôi đã cảm thấy mừng rỡ vì mình sẽ không bị chia xớt tình yêu nữa. Bố mẹ tôi biết chuyện đã mắng tôi rất nhiều vì không biết thương em, nhưng ai sẽ thay tôi mắng mỏ những kẻ đang mang danh người lớn để hù họa, đục khoét tâm hồn con trẻ?
Chúng ta ai mà chẳng mong muốn được yêu thương. Đối với những đứa trẻ non nớt, không thể đứng vững trước cuộc đời, đó lại càng là một điều tất yếu. Tại sao một đứa trẻ chưa đủ nhận thức lại phải nghe những lời mang hàm ý ruồng bỏ như: “Con được nhặt ở bãi rác, bố mẹ thấy tội mới đem về nuôi”, hay: “Nếu con không nghe lời, bố mẹ sẽ đem con đi bán”? Mua vui bằng cách dọa nạt cho đứa trẻ lo lắng và sợ hãi đến mức khóc toáng lên là điều mà một người lớn nên làm hay sao?
Chúng ta vẫn thường nói trẻ con như tờ giấy trắng. Thật vậy, mỗi câu nói đùa mà người lớn tùy tiện nói ra đều có thể để lại ảnh hưởng to lớn cho trẻ. Đối với chúng, người lớn là cả thế giới, cho chúng những kiến thức và hiểu biết về mọi vật xung quanh. Vì vậy, khi nghe những câu đùa tùy tiện từ người lớn, trẻ con ắt sẽ non nớt tin theo. Có thể đứa trẻ ấy sẽ như tôi – từng ghét bỏ em gái ruột thịt của mình. Tệ hơn là một câu chuyện có thật ở Trung Quốc, rằng bé gái bị gọi là vịt trời đã lấy kéo cắt bỏ bộ phận sinh dục ở em trai mình trong sự xúi giục của những kẻ hàng xóm.
Nhiều người lớn thường ngụy biện rằng đây chỉ là những câu nói đùa mà không biết là trẻ con đâu đủ nhận thức để hiểu được sự đùa cợt trong lời nói của người lớn. Chúng ta không thể áp dụng cách nghĩ của mình lên một đứa trẻ vài tuổi chỉ để thỏa mãn thú vui của bản thân. Câu nói đùa thật sự là khi cả người nói và người nghe đều cảm thấy thoải mái và vui vẻ, chứ không phải là một bên hả hê, còn một bên phải chịu ám ảnh cả đời.
Chúng ta luôn đòi hỏi về một xã hội bình đẳng, nhưng chính chúng ta lại đang không tôn trọng suy nghĩ và đối xử công bằng với những người yếu thế nhất là trẻ con. Hãy thử đặt mình vào vị trí của trẻ xem. Nếu có người đem tình cảm của bạn ra đùa cợt, dồn bạn đến cùng cực của hoang mang và tuyệt vọng rồi bật cười hả hê thì bạn sẽ cảm thấy thế nào?
Người lớn có cảm xúc và lòng tự trọng, trẻ con cũng vậy. Khi vô tình làm tổn thương trẻ, người lớn thường phủi bỏ trách nhiệm bằng câu nói: “Nó là con nít mà, chẳng biết gì đâu”. Đúng vậy, một đứa con nít sẽ không biết đâu là câu nói đùa và đâu là lời nói thật. Nhưng chắc chắn nó cũng biết đau, biết tổn thương, biết xấu hổ. Thậm chí những cảm xúc đó có thể trở thành bóng ma tâm lý, gây ra nhiều cớ sự đáng tiếc và đeo bám trẻ suốt quãng đời còn lại.
“Người lớn đã từng là trẻ con. Nhưng trẻ con chưa từng là người lớn. Người lớn thấy vấn đề của đứa trẻ như cái miệng giếng, nhưng đối với đứa trẻ, đó là cả một bầu trời”. Đừng lấy ưu thế về tuổi tác và nhận thức để hù dọa và trêu đùa trẻ con. Trẻ con không phải là đồ chơi, cũng không phải là công cụ mua vui cho người lớn. Đứa trẻ nào cũng xứng đáng được nuôi lớn bằng tình yêu thương chân thành.
CATHERINE
Cách đây không lâu, tôi không khỏi bàng hoàng và xót xa khi đọc được bài báo về cái chết của một đứa trẻ sơ sinh trên mạng. “Hung thủ” ở đây lại chính là cô chị ruột mới năm tuổi của đứa bé, vì hàng xóm đe dọa rằng khi có em trai sẽ bị ba mẹ cho “ra rìa”, không được yêu thương nữa nên đã bế em mình quăng xuống ban công.
Câu chuyện này khiến những kẻ mang danh người lớn như chúng ta phải suy nghĩ lại, liệu những lời đùa mà chúng ta tự cho là vô thưởng vô phạt có đang hủy hoại tâm hồn non nớt của những đứa trẻ hay không?
Bản thân tôi ngày bé cũng từng trải qua những lời đùa cợt tương tự như bé gái trong bài báo trên. Khi mẹ tôi mang thai đứa con thứ hai, những người hàng xóm xung quanh đã không ngừng dọa tôi rằng: “Bây giờ bố mẹ có em rồi, bố mẹ không cần cháu nữa đâu”; “Bố mẹ chỉ thương em thôi, cháu sẽ bị bố mẹ cho ra rìa”. Những câu đùa vô ý tứ ấy nhiều đến mức tôi từng cho rằng sinh linh nhỏ nhắn còn đang dần thành hình trong bụng mẹ kia chính là kẻ đang tranh giành tình yêu thương với tôi, đến mức tôi mong rằng mẹ cứ mang thai thật lâu, đừng bao giờ sinh em tôi ra làm gì.
Đến lúc em gái tôi chào đời, những câu đùa ấy vẫn không dừng lại, thậm chí có phần quá đáng hơn. Tôi nhớ một chiều mưa tầm tã, vì em gái quấy khóc nên mẹ tôi không thể đến trường đón tôi về. Cô giáo đùa tôi rằng: “Mẹ quên mất em rồi, bây giờ mẹ chỉ thương em gái của em thôi”. Tôi ngồi giữa sân trường vắng hoe, nghe tiếng mưa rơi tí tách mà khóc nức nở, thật sự cho rằng bố mẹ không còn cần mình nữa.
Chăm sóc một đứa trẻ sơ sinh buộc người lớn phải dành rất nhiều thời gian cho nó, nhưng như thế không có nghĩa là đứa lớn không còn được bố mẹ yêu thương. Tiếc rằng không phải đứa trẻ nào cũng hiểu được điều này, mà những người lớn khác thay vì ôn tồn giải thích lại cố ý đơm đặt nỗi lo lắng không có thật vào tâm trí của trẻ con. Cũng vì vậy mà khi bác hàng xóm trêu: “Để cô đem em cháu về nuôi nhé”, tôi đã cảm thấy mừng rỡ vì mình sẽ không bị chia xớt tình yêu nữa. Bố mẹ tôi biết chuyện đã mắng tôi rất nhiều vì không biết thương em, nhưng ai sẽ thay tôi mắng mỏ những kẻ đang mang danh người lớn để hù họa, đục khoét tâm hồn con trẻ?
Chúng ta ai mà chẳng mong muốn được yêu thương. Đối với những đứa trẻ non nớt, không thể đứng vững trước cuộc đời, đó lại càng là một điều tất yếu. Tại sao một đứa trẻ chưa đủ nhận thức lại phải nghe những lời mang hàm ý ruồng bỏ như: “Con được nhặt ở bãi rác, bố mẹ thấy tội mới đem về nuôi”, hay: “Nếu con không nghe lời, bố mẹ sẽ đem con đi bán”? Mua vui bằng cách dọa nạt cho đứa trẻ lo lắng và sợ hãi đến mức khóc toáng lên là điều mà một người lớn nên làm hay sao?
Chúng ta vẫn thường nói trẻ con như tờ giấy trắng. Thật vậy, mỗi câu nói đùa mà người lớn tùy tiện nói ra đều có thể để lại ảnh hưởng to lớn cho trẻ. Đối với chúng, người lớn là cả thế giới, cho chúng những kiến thức và hiểu biết về mọi vật xung quanh. Vì vậy, khi nghe những câu đùa tùy tiện từ người lớn, trẻ con ắt sẽ non nớt tin theo. Có thể đứa trẻ ấy sẽ như tôi – từng ghét bỏ em gái ruột thịt của mình. Tệ hơn là một câu chuyện có thật ở Trung Quốc, rằng bé gái bị gọi là vịt trời đã lấy kéo cắt bỏ bộ phận sinh dục ở em trai mình trong sự xúi giục của những kẻ hàng xóm.
Nhiều người lớn thường ngụy biện rằng đây chỉ là những câu nói đùa mà không biết là trẻ con đâu đủ nhận thức để hiểu được sự đùa cợt trong lời nói của người lớn. Chúng ta không thể áp dụng cách nghĩ của mình lên một đứa trẻ vài tuổi chỉ để thỏa mãn thú vui của bản thân. Câu nói đùa thật sự là khi cả người nói và người nghe đều cảm thấy thoải mái và vui vẻ, chứ không phải là một bên hả hê, còn một bên phải chịu ám ảnh cả đời.
Chúng ta luôn đòi hỏi về một xã hội bình đẳng, nhưng chính chúng ta lại đang không tôn trọng suy nghĩ và đối xử công bằng với những người yếu thế nhất là trẻ con. Hãy thử đặt mình vào vị trí của trẻ xem. Nếu có người đem tình cảm của bạn ra đùa cợt, dồn bạn đến cùng cực của hoang mang và tuyệt vọng rồi bật cười hả hê thì bạn sẽ cảm thấy thế nào?
Người lớn có cảm xúc và lòng tự trọng, trẻ con cũng vậy. Khi vô tình làm tổn thương trẻ, người lớn thường phủi bỏ trách nhiệm bằng câu nói: “Nó là con nít mà, chẳng biết gì đâu”. Đúng vậy, một đứa con nít sẽ không biết đâu là câu nói đùa và đâu là lời nói thật. Nhưng chắc chắn nó cũng biết đau, biết tổn thương, biết xấu hổ. Thậm chí những cảm xúc đó có thể trở thành bóng ma tâm lý, gây ra nhiều cớ sự đáng tiếc và đeo bám trẻ suốt quãng đời còn lại.
“Người lớn đã từng là trẻ con. Nhưng trẻ con chưa từng là người lớn. Người lớn thấy vấn đề của đứa trẻ như cái miệng giếng, nhưng đối với đứa trẻ, đó là cả một bầu trời”. Đừng lấy ưu thế về tuổi tác và nhận thức để hù dọa và trêu đùa trẻ con. Trẻ con không phải là đồ chơi, cũng không phải là công cụ mua vui cho người lớn. Đứa trẻ nào cũng xứng đáng được nuôi lớn bằng tình yêu thương chân thành.
CATHERINE