NHỮNG LỜI NÓI DỐI CỦA NGƯỜI LỚN
NHỮNG LỜI NÓI DỐI CỦA NGƯỜI LỚN
Ngày bé, tôi từng nghĩ bố mẹ mình là siêu nhân.
Năm tôi 4 tuổi, gia đình tôi từ Phan Thiết chuyển lên Đà Lạt. Khi đó, cả nhà ba người chúng tôi chia nhau căn nhà bé xíu, lụp xụp, nhiều chỗ còn chưa lợp mái tôn hết. Không như Phan Thiết nóng bức, Đà Lạt là một thành phố lạnh tê tái, có hơi đất phảng phất bốc lên từ sàn nhà chưa được lát gạch, có gió, sương lùa vào khe hở chưa kịp lợp lại.
Năm đó, giữa trời sương và những cơn gió rét, tôi ôm mẹ ngủ trên cái giường gỗ chật hẹp. Bố trải mền nằm dưới nền đất lạnh căm căm. Bố bảo: “Con ngủ đi. Bố không lạnh”.
Lúc tôi lên tiểu học, đường từ nhà tôi đến trường phải đi qua một con dốc cao và quanh co. Khi ấy, gia đình tôi chưa đủ điều kiện để sở hữu một chiếc xe máy. Ngày ngày, mẹ tôi chở tôi đi học, dùng sức băng qua sườn dốc cao vời vợi bằng chiếc xe đạp cũ kĩ. Mẹ bảo: “Con vịn chắc vào. Mẹ không mệt”.
Thuở nhỏ, tôi bị suy dinh dưỡng nặng. Cả người gầy rộc, xanh như tàu lá. Mỗi bữa ăn của gia đình tôi khi ấy đều đơn sơ, chỉ có dăm ba miếng thịt mỏng dính và bé tẹo. Bữa cơm nào bố mẹ cũng đều đặn gắp hết thịt cho tôi, bảo rằng: “Con ăn đi. Bố mẹ không đói”.
Khi còn là một cô gái nhỏ chưa hiểu chuyện, tôi đã từng nghĩ bố mẹ mình chính là siêu nhân. Bố mẹ tôi rất khỏe mạnh, không lo bị cảm cúm, không cảm thấy mệt mỏi, cũng không có cái bụng kêu đói suốt ngày. Sau này, tôi dần nhận ra, đó chỉ là những lời nói dối của người lớn. Và trong suốt quá trình tôi lớn lên, những lời nói dối như thế vẫn tiếp tục, theo nhiều hình thức khác nhau.
Đến một thời điểm trong đời, tôi cũng trở thành một người nói dối như thế.
Năm nhất đại học, tôi rời quê hương đến xứ người học tập. Tôi bị dị ứng khí hậu, học tập không thuận lợi, còn bị người ta lừa tiền. Mỗi buổi tối, tôi đều gọi điện và khẽ khóc với bố mẹ, rằng ở nơi này khó khăn quá, tôi chưa bao giờ nguôi nỗi nhớ nhà và khao khát được về nhà.
Năm hai đại học, tôi sụt gần mười cân, đi làm thêm bị người ta ức hiếp. Bố mẹ bảo con nghỉ việc đi, để bố mẹ gửi thêm tiền, ở nhà bố mẹ không thiếu thứ gì. Lại thêm một lời nói dối nữa từ bố mẹ.
Năm ba đại học trở đi, tôi vừa học vừa làm đến mức vắt kiệt thời gian và sức lực. Áp lực từ bài vở dồn dập và nhiều khoản chi khác trong cuộc sống đè nặng. Khi bố mẹ gọi điện, tôi vẫn cười và nói cuộc sống rất tốt, con ở đây rất ổn, ăn no ngủ kĩ, không bị sụt cân, mọi chuyện đều thuận lợi.
Trước những người yêu thương, người lớn chúng ta vẫn luôn là những kẻ nói dối giỏi nhất. Chúng ta thiếu thốn đủ thứ nhưng vẫn nói rằng mình không thiếu thứ gì. Chúng ta buồn bã và cô đơn nhưng vẫn nói rằng mình rất hạnh phúc. Chúng ta đối mặt với vô vàn thử thách và áp lực nhưng vẫn nói rằng mọi thứ đều suôn sẻ.
Trong bộ phim “Reply 1988”, nhân vật Sung Duk Sun có một câu thoại rất hay: “Người lớn cũng biết đau. Chỉ là họ đang chịu đựng. Chỉ là họ đang bận rộn chuyện của những con người trưởng thành. Chỉ là họ đang cố gắng tỏ ra mạnh mẽ để gánh vác trách nhiệm của tuổi tác”.
Bố mẹ tôi đã nói dối để tôi luôn giữ được nụ cười, không thiếu hụt tuổi thơ, và có thể tận hưởng những thứ tốt nhất mà bố mẹ có.
Tôi đã nói dối để đổi lấy sự an tâm của bố mẹ, để bố mẹ bớt đi chút cơ cực, dè sẻn trong mỗi bữa ăn vì muốn có thêm tiền gửi cho tôi trang trải cuộc sống nơi đất khách quê người.
Người lớn chúng ta đã nói dối, để giữ cho mình tiếp tục hướng về phía trước, cũng là để dành tặng những điều tốt đẹp, trân quý nhất đến những người chúng ta yêu thương.
Có một câu nói rất hay thế này: “Trưởng thành không phải là trái tim trở nên già đi, mà là dù mắt có ngân ngấn nước ta vẫn giữ nguyên nụ cười”. Chính vì có yêu thương nên mới có những lời nói dối. Chính vì có yêu thương nên những người nói dối như chúng ta mới có động lực để không ngừng cố gắng biến những lời nói dối ấy trở thành sự thật.
CATHERINE
Ngày bé, tôi từng nghĩ bố mẹ mình là siêu nhân.
Năm tôi 4 tuổi, gia đình tôi từ Phan Thiết chuyển lên Đà Lạt. Khi đó, cả nhà ba người chúng tôi chia nhau căn nhà bé xíu, lụp xụp, nhiều chỗ còn chưa lợp mái tôn hết. Không như Phan Thiết nóng bức, Đà Lạt là một thành phố lạnh tê tái, có hơi đất phảng phất bốc lên từ sàn nhà chưa được lát gạch, có gió, sương lùa vào khe hở chưa kịp lợp lại.
Năm đó, giữa trời sương và những cơn gió rét, tôi ôm mẹ ngủ trên cái giường gỗ chật hẹp. Bố trải mền nằm dưới nền đất lạnh căm căm. Bố bảo: “Con ngủ đi. Bố không lạnh”.
Lúc tôi lên tiểu học, đường từ nhà tôi đến trường phải đi qua một con dốc cao và quanh co. Khi ấy, gia đình tôi chưa đủ điều kiện để sở hữu một chiếc xe máy. Ngày ngày, mẹ tôi chở tôi đi học, dùng sức băng qua sườn dốc cao vời vợi bằng chiếc xe đạp cũ kĩ. Mẹ bảo: “Con vịn chắc vào. Mẹ không mệt”.
Thuở nhỏ, tôi bị suy dinh dưỡng nặng. Cả người gầy rộc, xanh như tàu lá. Mỗi bữa ăn của gia đình tôi khi ấy đều đơn sơ, chỉ có dăm ba miếng thịt mỏng dính và bé tẹo. Bữa cơm nào bố mẹ cũng đều đặn gắp hết thịt cho tôi, bảo rằng: “Con ăn đi. Bố mẹ không đói”.
Khi còn là một cô gái nhỏ chưa hiểu chuyện, tôi đã từng nghĩ bố mẹ mình chính là siêu nhân. Bố mẹ tôi rất khỏe mạnh, không lo bị cảm cúm, không cảm thấy mệt mỏi, cũng không có cái bụng kêu đói suốt ngày. Sau này, tôi dần nhận ra, đó chỉ là những lời nói dối của người lớn. Và trong suốt quá trình tôi lớn lên, những lời nói dối như thế vẫn tiếp tục, theo nhiều hình thức khác nhau.
Đến một thời điểm trong đời, tôi cũng trở thành một người nói dối như thế.
Năm nhất đại học, tôi rời quê hương đến xứ người học tập. Tôi bị dị ứng khí hậu, học tập không thuận lợi, còn bị người ta lừa tiền. Mỗi buổi tối, tôi đều gọi điện và khẽ khóc với bố mẹ, rằng ở nơi này khó khăn quá, tôi chưa bao giờ nguôi nỗi nhớ nhà và khao khát được về nhà.
Năm hai đại học, tôi sụt gần mười cân, đi làm thêm bị người ta ức hiếp. Bố mẹ bảo con nghỉ việc đi, để bố mẹ gửi thêm tiền, ở nhà bố mẹ không thiếu thứ gì. Lại thêm một lời nói dối nữa từ bố mẹ.
Năm ba đại học trở đi, tôi vừa học vừa làm đến mức vắt kiệt thời gian và sức lực. Áp lực từ bài vở dồn dập và nhiều khoản chi khác trong cuộc sống đè nặng. Khi bố mẹ gọi điện, tôi vẫn cười và nói cuộc sống rất tốt, con ở đây rất ổn, ăn no ngủ kĩ, không bị sụt cân, mọi chuyện đều thuận lợi.
Trước những người yêu thương, người lớn chúng ta vẫn luôn là những kẻ nói dối giỏi nhất. Chúng ta thiếu thốn đủ thứ nhưng vẫn nói rằng mình không thiếu thứ gì. Chúng ta buồn bã và cô đơn nhưng vẫn nói rằng mình rất hạnh phúc. Chúng ta đối mặt với vô vàn thử thách và áp lực nhưng vẫn nói rằng mọi thứ đều suôn sẻ.
Trong bộ phim “Reply 1988”, nhân vật Sung Duk Sun có một câu thoại rất hay: “Người lớn cũng biết đau. Chỉ là họ đang chịu đựng. Chỉ là họ đang bận rộn chuyện của những con người trưởng thành. Chỉ là họ đang cố gắng tỏ ra mạnh mẽ để gánh vác trách nhiệm của tuổi tác”.
Bố mẹ tôi đã nói dối để tôi luôn giữ được nụ cười, không thiếu hụt tuổi thơ, và có thể tận hưởng những thứ tốt nhất mà bố mẹ có.
Tôi đã nói dối để đổi lấy sự an tâm của bố mẹ, để bố mẹ bớt đi chút cơ cực, dè sẻn trong mỗi bữa ăn vì muốn có thêm tiền gửi cho tôi trang trải cuộc sống nơi đất khách quê người.
Người lớn chúng ta đã nói dối, để giữ cho mình tiếp tục hướng về phía trước, cũng là để dành tặng những điều tốt đẹp, trân quý nhất đến những người chúng ta yêu thương.
Có một câu nói rất hay thế này: “Trưởng thành không phải là trái tim trở nên già đi, mà là dù mắt có ngân ngấn nước ta vẫn giữ nguyên nụ cười”. Chính vì có yêu thương nên mới có những lời nói dối. Chính vì có yêu thương nên những người nói dối như chúng ta mới có động lực để không ngừng cố gắng biến những lời nói dối ấy trở thành sự thật.
CATHERINE