NHỮNG CHUYẾN XE HỒI HƯƠNG
NHỮNG CHUYẾN XE HỒI HƯƠNG
Khi những cơn gió chướng bắt đầu vồn vã dần, cái lạnh nhẹ nhàng len lỏi vào từng con đường buổi sáng ở Sài Gòn. Phố trở mình, co ro vì những cơn lạnh đến rùng mình vào đêm khuya. Tiếng gió báo Tết mỗi ngày một da diết. Hàng vạn đôi mắt tha hương lại thao thức, nhớ những cánh mai, cánh đào quê nhà, nhớ mái đầu bạc của mẹ cha, vợ con… đang tựa cửa chờ những ngày đoàn viên ngắn ngủi trong năm.
Ở những xóm ngụ cư, khi những đứa trẻ say giấc, người lớn chợt bật dậy, đếm đong tới lui số tiền chắt chiu cả năm. Nhiều người rạng rỡ, không ít kẻ ưu tư. Với rất nhiều người, Tết có về hay không vẫn là câu hỏi khó mỗi năm. Ai xa quê mà không một lần nhung nhớ, nhưng hơn bốn triệu con người tha hương ở đất Sài Gòn này, không phải với tất thảy họ, Tết đều là ngày đoàn viên.
Đâu đó khi xuân về tết đến lại thấp thoáng ánh mắt rưng rưng, khắc khoải mỗi khi đi qua một nhà xe chật kín người mua vé Tết.
Họ là những cô chú, ông bà ngót nghét trên 50 – 70 tuổi, đã rời xa quê nhà vào miền Nam mưu sinh từ rất lâu, ở quê nhà ai còn, ai mất đều chẳng biết và đã từ rất lâu không còn liên lạc gì nữa. Nỗi khao khát ba ngày Tết, khao khát về thăm quê đã trở thành nỗi đau ngự trị trong lồng ngực, xốn xang trong biết bao nhiêu bận gió trở mùa.
Họ là những người công nhân với gia đình vợ con đùm túm nhau trong những căn phòng trọ chật hẹp, Tết và chuyện về quê với họ mà nói có lẽ như là một gánh nặng khi nghĩ về. Khi quê hương lại ở tận cùng trong những ngóc ngách xa xôi, những ngày giáp Tết, họ cũng đành chậc lưỡi “Mỗi lần về tốn kém lắm, tiền đâu mà đưa cả nhà về, thôi đành hẹn lại mùa sau”.
Họ là những cô cậu sinh viên đêm ba mươi Tết hãy còn bận rộn phục vụ ở những quán ăn, cửa hàng. Chiều 30 Tết, đi giữa lòng phố Sài Gòn vắng lạnh mà kìm nén trong lòng nỗi buồn tủi “Thôi cố gắng, năm sau mình sẽ về”.
Họ là những người tứ cố vô thân, lạc lõng giữa phố chợ.“Chiếc giường” của họ là những chiếc xe ba gác mỗi ngày lang bạc chở đồ thuê. “Chiếc giường” của họ là mảnh thềm nhỏ dưới mái hiên nhà người. “Chiếc giường” của họ là ghế đá cóng lạnh ở công viên… Trong những ánh mắt sức cùng lực kiệt ấy, có lẽ một bữa cơm đủ đầy, trọn vẹn cũng đã là xa vời, đừng nói chi đến Tết, quê nhà hay đoàn viên.
Con người càng lớn, càng xa gia đình thì ý nghĩa của Tết, đôi khi chỉ gói gọn ở ba chữ “được về quê” đã là đủ đầy và hạnh phúc. Không mong ước gì thêm vì bấy nhiêu đó đã thấy mình thực sự may mắn hơn rất nhiều thân phận trong cỗ máy mưu sinh đang xập xình đêm ngày ở chốn Sài Gòn đầy hoa và lệ.
Từ hai mươi sáu tháng chạp, những dòng xe hồi hương lũ lượt nối đuôi nhau rập rình dọc ngang Nam Bắc suốt những đêm ngày cận tết. Mùi mồ hôi người sau những giờ chen lấn ở bến xe, mùi hành lý với bao nhiêu thứ chắt chiu từ những ngày trước tết, tủn mủn đó nhưng được gom góp bằng cả tấm lòng, mồ hôi và tình cảm của người xa quê.
Chuyến xe nặng trình trịch, mang trên mình những người con tha hương về đoàn viên gia đình, và cũng mang theo biết bao nhiêu ánh mắt khắc khoải của những người phải ở lại gánh gồng món nợ áo cơm.
Đêm xuống
Có cánh cửa của giấc mơ vừa mở
Người lấy từ đó ra
Một ly trà, chén cơm nóng, chiếc áo ấm vừa vai
Một chiếc giường thật kín
Kẻ lại người qua sẽ chẳng thấy được mình
Đêm xuống
Khói thuốc bay la đà
Những vết chân chim sâu hoắm
Những đôi bàn tay rất đậm
Màu của gian nan và mưa nắng đọa đày
Những ước mơ như gió bay
Nơi này
Có những cuộc đi hoang
Đông đúc
Từ những miền rất xa
Đêm xuống
Những bức màn sắt lặng thinh đóng sầm
Ngọn đèn đường ru ánh nhìn thăm thẳm
Lên những tờ bạc nhăn nheo
Nồng nặc hơi tay người
Đêm sâu
Người tắt que diêm
Cuộn mình co ro, trống bụng vang đều nhịp gõ
Mắt khép
Tai vươn xa nghe vẳng tiếng còi tàu
Đêm thật sâu
Gió chướng đã tràn về…
LẠC NHIÊN
Khi những cơn gió chướng bắt đầu vồn vã dần, cái lạnh nhẹ nhàng len lỏi vào từng con đường buổi sáng ở Sài Gòn. Phố trở mình, co ro vì những cơn lạnh đến rùng mình vào đêm khuya. Tiếng gió báo Tết mỗi ngày một da diết. Hàng vạn đôi mắt tha hương lại thao thức, nhớ những cánh mai, cánh đào quê nhà, nhớ mái đầu bạc của mẹ cha, vợ con… đang tựa cửa chờ những ngày đoàn viên ngắn ngủi trong năm.
Ở những xóm ngụ cư, khi những đứa trẻ say giấc, người lớn chợt bật dậy, đếm đong tới lui số tiền chắt chiu cả năm. Nhiều người rạng rỡ, không ít kẻ ưu tư. Với rất nhiều người, Tết có về hay không vẫn là câu hỏi khó mỗi năm. Ai xa quê mà không một lần nhung nhớ, nhưng hơn bốn triệu con người tha hương ở đất Sài Gòn này, không phải với tất thảy họ, Tết đều là ngày đoàn viên.
Đâu đó khi xuân về tết đến lại thấp thoáng ánh mắt rưng rưng, khắc khoải mỗi khi đi qua một nhà xe chật kín người mua vé Tết.
Họ là những cô chú, ông bà ngót nghét trên 50 – 70 tuổi, đã rời xa quê nhà vào miền Nam mưu sinh từ rất lâu, ở quê nhà ai còn, ai mất đều chẳng biết và đã từ rất lâu không còn liên lạc gì nữa. Nỗi khao khát ba ngày Tết, khao khát về thăm quê đã trở thành nỗi đau ngự trị trong lồng ngực, xốn xang trong biết bao nhiêu bận gió trở mùa.
Họ là những người công nhân với gia đình vợ con đùm túm nhau trong những căn phòng trọ chật hẹp, Tết và chuyện về quê với họ mà nói có lẽ như là một gánh nặng khi nghĩ về. Khi quê hương lại ở tận cùng trong những ngóc ngách xa xôi, những ngày giáp Tết, họ cũng đành chậc lưỡi “Mỗi lần về tốn kém lắm, tiền đâu mà đưa cả nhà về, thôi đành hẹn lại mùa sau”.
Họ là những cô cậu sinh viên đêm ba mươi Tết hãy còn bận rộn phục vụ ở những quán ăn, cửa hàng. Chiều 30 Tết, đi giữa lòng phố Sài Gòn vắng lạnh mà kìm nén trong lòng nỗi buồn tủi “Thôi cố gắng, năm sau mình sẽ về”.
Họ là những người tứ cố vô thân, lạc lõng giữa phố chợ.“Chiếc giường” của họ là những chiếc xe ba gác mỗi ngày lang bạc chở đồ thuê. “Chiếc giường” của họ là mảnh thềm nhỏ dưới mái hiên nhà người. “Chiếc giường” của họ là ghế đá cóng lạnh ở công viên… Trong những ánh mắt sức cùng lực kiệt ấy, có lẽ một bữa cơm đủ đầy, trọn vẹn cũng đã là xa vời, đừng nói chi đến Tết, quê nhà hay đoàn viên.
Con người càng lớn, càng xa gia đình thì ý nghĩa của Tết, đôi khi chỉ gói gọn ở ba chữ “được về quê” đã là đủ đầy và hạnh phúc. Không mong ước gì thêm vì bấy nhiêu đó đã thấy mình thực sự may mắn hơn rất nhiều thân phận trong cỗ máy mưu sinh đang xập xình đêm ngày ở chốn Sài Gòn đầy hoa và lệ.
Từ hai mươi sáu tháng chạp, những dòng xe hồi hương lũ lượt nối đuôi nhau rập rình dọc ngang Nam Bắc suốt những đêm ngày cận tết. Mùi mồ hôi người sau những giờ chen lấn ở bến xe, mùi hành lý với bao nhiêu thứ chắt chiu từ những ngày trước tết, tủn mủn đó nhưng được gom góp bằng cả tấm lòng, mồ hôi và tình cảm của người xa quê.
Chuyến xe nặng trình trịch, mang trên mình những người con tha hương về đoàn viên gia đình, và cũng mang theo biết bao nhiêu ánh mắt khắc khoải của những người phải ở lại gánh gồng món nợ áo cơm.
Đêm xuống
Có cánh cửa của giấc mơ vừa mở
Người lấy từ đó ra
Một ly trà, chén cơm nóng, chiếc áo ấm vừa vai
Một chiếc giường thật kín
Kẻ lại người qua sẽ chẳng thấy được mình
Đêm xuống
Khói thuốc bay la đà
Những vết chân chim sâu hoắm
Những đôi bàn tay rất đậm
Màu của gian nan và mưa nắng đọa đày
Những ước mơ như gió bay
Nơi này
Có những cuộc đi hoang
Đông đúc
Từ những miền rất xa
Đêm xuống
Những bức màn sắt lặng thinh đóng sầm
Ngọn đèn đường ru ánh nhìn thăm thẳm
Lên những tờ bạc nhăn nheo
Nồng nặc hơi tay người
Đêm sâu
Người tắt que diêm
Cuộn mình co ro, trống bụng vang đều nhịp gõ
Mắt khép
Tai vươn xa nghe vẳng tiếng còi tàu
Đêm thật sâu
Gió chướng đã tràn về…
LẠC NHIÊN