NHỮNG CÁNH CÒ LẺ BÓNG LÚC HOÀNG HÔN
NHỮNG CÁNH CÒ LẺ BÓNG LÚC HOÀNG HÔN
Nỗi cô đơn chính là thứ tồn tại giống nhau của con người dù ở độ tuổi, tầng lớp, giới tính nào đi chăng nữa. Hôm nay tôi muốn chia sẻ những câu chuyện về nỗi cô đơn của người già mà tôi lượm lặt ở xung quanh mình.
Ba muốn đi khiêu vũ
-Ba muốn đi thì cứ việc tự mà đi.
Nói xong câu ấy thằng con đi một mạch, bỏ lại người cha nghẹn ngào với nỗi buồn thăm thẳm trong đôi mắt. Lần thứ mười ông bị con trai từ chối, kiên quyết không chở ông đến phòng trà. Ông lủi thủi đi vào phòng, bước về phía chiếc bàn nơi đặt tấm hình tập thể của hội bạn bè, đứng tần ngần hồi lâu.
Hội ca vũ mà ông tham gia, cứ mỗi hai tuần sẽ tập hợp nhau ở phòng trà quen thuộc để giao lưu, cùng ca hát, khiêu vũ. Những người có mặt ở đó hầu hết đều đã lên chức ông bà, những cô chú trẻ hơn thì cũng đã ngót nghét bốn tám, năm mươi.
Họ đều trang điểm lộng lẫy, quần là áo lượt. Có nhiều cô ăn vận những bộ quần áo ôm sát, phô diễn những đường nét cơ thể đã phôi pha màu thời gian với áo xẻ ngực, mini juyp ngắn. Ông biết thằng con xấu hổ vì những hình ảnh này, nó đã nói rõ thế khi chở bố đến đó vài lần. Nó còn nặng nhẹ bảo ông rằng “già còn sinh tật”.
Rồi nó quyết định không chở ông đi nữa. Đã thế, còn dặn luôn mấy ông xe ôm quanh xóm không được chở. Ông buồn lắm nhưng chẳng biết làm sao. Mọi người trong hội đều đi theo cặp, vài người đi lẻ nhưng lại ở cách xa nhau, ông lại chẳng muốn làm phiền ai. Bạn bè trong hội gọi điện thoại hỏi thăm, ông đều bảo đang về quê để chăm vườn, hẹn lần lữa mãi nên người ta cũng thôi không gọi nữa.
Mười kì đồng nghĩa với năm tháng chẳng gặp mặt ai, ông cứ quẩn quanh mãi trong cái khu nhà đến một người già đồng tuổi chẳng có lấy để trà nước. Nhà nào nhà nấy kín bưng cổng sau, cổng trước. Ông bỗng dưng thành một người già côi cút giữa thành phố mênh mông.
Canh những lúc thằng con đi vắng, ông lại lén xem lại mấy đoạn video quay những lần họp mặt trước đó trên điện thoại. Hình ảnh cứ run run, nhòe nhoẹt bởi đôi tay già nua tập tành quay phim kỷ niệm. Ông cười khi nghe lại giọng các bà, các bác hát tới, hát lui các bài hát vang bóng một thời. Ôi thôi, chẳng phải ai cũng hát hay cả, có những cô hát như tiếng máy cassette bị rè hay đoạn băng bị nhão. Nhưng họ say mê trong từng ca từ, họ phiêu diêu trong từng tiếng nhạc, họ lắc lư cơ thể đã không còn dẻo dai trong nụ cười thỏa nguyện.
Thằng con ông đâu biết ở đó có những tiếng cười mà con cháu chẳng thể mang lại. Ở đó, những người như ông có cơ hội để trẻ trung, để đắm chìm vào những giai điệu và khoảng không gian của bạn bè, của những sẻ chia. Ở đó, nỗi cô đơn trong mỗi người được tạm gác lại, những kẻ lẻ loi như ông sẽ vơi hẳn cảm giác “thèm hơi người”.
Có lẽ nó sẽ không hiểu được những điều ấy cho đến khi nào nó bằng tuổi ông…
Mẹ lấy chồng có được không?
Bà là một người phụ nữ xinh đẹp, nhưng bất hạnh thay, khi đứa con thứ hai lên hai tuổi, chồng bà bị tai nạn mất sớm. Hai mươi bảy tuổi, bà thành góa phụ dắt díu hai đứa trẻ còn chưa kịp nhớ được tên đầy đủ của cha.
Bà đã lần lượt từ chối những lời hứa hẹn đồng hành của đôi ba người đàn ông, ở vậy nuôi con khôn lớn vì những nỗi niềm rất chính đáng của một người mẹ đơn thân.
Khi ấy, dù đơn độc bươn chải nhưng tiếng cười con vây quanh khiến bà có thể làm việc cả đêm ngày. Những đứa con ngày một lớn khôn và rời xa vòng tay mẹ. Bà cô đơn giữa căn nhà rộng lớn mà bây giờ chỉ rộn ràng được đôi ba ngày mỗi dịp lễ, tết.
Người đàn ông góa vợ năm xưa bị bà từ chối nhưng vẫn ở bên cạnh giúp đỡ bà bấy lâu nay, nhất là những khi trở trời mà con cái ở xa. Sự chân thành của ông khiến bà cảm động từ bao giờ và bà muốn ở bên cạnh ông như đôi bạn già cùng dìu nhau đi hết chặng đời còn lại.
Nhưng cả ông và bà đều vấp phải sự ngăn cản của những đứa con. Đến cuối cùng thì ba mẹ vẫn không thể thắng được con cái. Ngày xưa bà hy sinh hạnh phúc riêng tư để nuôi dạy chúng nên người. Bây giờ bà cũng hy sinh vì sự bình yên trong mối quan hệ với các con, sau khi đã quá mỏi mệt.
Tôi có một người bạn có hoàn cảnh tương tự như vậy và tôi nghĩ bạn ấy đã tự cởi trói cho mình và cho cả mẹ khi suy nghĩ được rằng “mẹ tớ cực khổ nhiều rồi, ngày xưa, không hiểu chuyện nên chị em tớ phản đối. Bây giờ chỉ cần mẹ thấy hạnh phúc là được, ai cũng cần có người bầu bạn và thời gian của mẹ đã chẳng còn dài rộng như mình”
Gần hết tháng rồi, sao con chưa về?
Câu chuyện này chắc không có gì lạ lẫm với những người con xa quê. Nhà nào mà có mỗi một đứa con thì nỗi cô đơn của ba mẹ lại càng bao la hơn, giống như gia đình của nó vậy.
Sự tất bật của công việc cuốn lấy con người lao vào vòng xoáy mưu sinh. Đôi khi không cố ý nhưng lời hẹn về thăm nhà vì việc này, việc kia mà cứ dời từ tuần này sang tuần khác. Bất giác nhìn lại thì thời gian đã trôi xa, sang hẳn một tháng, hai tháng là điều bình thường. Sự hiện diện của tiền bạc không đổi lấy được niềm vui cho ba mẹ nó. Vì cơ bản, ba mẹ nó đều có lương hưu.
Những buổi chiều quê, cơn mưa tầm tã khiến nỗi đợi chờ, thương nhớ cứ dài dằng dặc. Giữa bốn bề mưa giăng, ba rít điếu thuốc, ngồi trầm ngâm mà mẹ cũng không còn buồn nhắc ba chuyện cai thuốc nữa. Vì tính ba ít nói, không có thuốc thì nỗi buồn ba giấu vào đâu?
Cuộc sống tất bật đến nỗi niềm vui nhỏ bé là được ăn cùng bữa cơm với nhau dù chỉ mỗi tháng một lần đôi khi cũng thật là xa xỉ. Ba mẹ nó hết cách, lại cách tháng mà quầy quả lên thành phố để thăm con, dù mệt nhọc đường xa vẫn hơn là ngồi ở nhà ngóng trông tháng này không biết khi nào nó về thăm. Hơn nữa ông bà cũng không muốn gây thêm áp lực cho nó.
Hôm nay ba/má đi khám bệnh
Trên các chuyến xe buổi sáng sớm, thường có rất nhiều người già đi khám bệnh. Họ thường đi một mình hoặc đi cùng bạn bè nếu có thể rủ rê. Tôi thấy những bàn tay run run mở xấp sổ khám và những viên thuốc đủ màu. Tôi thấy những cái nhíu mắt, cau mày để đọc những dòng chữ biên vội vàng của bác sĩ. Tôi thấy những nỗi hốt hoảng vì lỡ trạm chỉ tại đôi tai không còn thính nhạy để nghe thông báo tên trạm dừng. Tôi thấy những bước chân rụt rè, yếu ớt bước lên xe buýt và sợ sệt khi bước xuống vì những chiếc xe máy cứ chực chờ lấn tới.
Nhiều bác tài đôi lúc cảm khái “Con cháu đâu mà để mấy ông bà đi một mình vậy không biết?”.
Tôi hay nhìn theo bóng lưng của họ lúc xuống xe mà nghĩ đến những lần mẹ lên Sài Gòn khám một mình vì tôi bận công việc không ra cùng mẹ được. Niềm day dứt cứ dâng lên trong ngực.
Ngày còn bé, khi con bệnh, mẹ luôn kề bên, bất kể đêm ngày. Bây giờ ba mẹ bệnh, đôi khi, con chẳng thể dành được một buổi để đi khám bệnh cùng. Nhưng chúng ta lại luôn kề cận bên con cái của mình mỗi khi chúng khó chịu lúc trở trời. Có lẽ cho đến cuối cùng thì nước mắt cũng chỉ có thể chảy xuôi mà thôi.
Con người thường tự làm khó bản thân, làm khó nhau vì cứ mãi sống chật vật trong những nỗi cố chấp. Chi bằng sống rộng lượng hơn, để nhìn thấy được những nụ cười và hạnh phúc thực sự của người mình quan tâm. Vì thời gian sẽ đi qua rất nhanh và đời người thì quá ngắn để nghĩ suy quá nhiều về thể diện, về những hư vinh và những giá trị đã lỗi thời. Đời người cũng quá ngắn để chờ đợi một lời hứa “Để hôm nào con có thời gian….”.
LẠC NHIÊN
Nỗi cô đơn chính là thứ tồn tại giống nhau của con người dù ở độ tuổi, tầng lớp, giới tính nào đi chăng nữa. Hôm nay tôi muốn chia sẻ những câu chuyện về nỗi cô đơn của người già mà tôi lượm lặt ở xung quanh mình.
Ba muốn đi khiêu vũ
-Ba muốn đi thì cứ việc tự mà đi.
Nói xong câu ấy thằng con đi một mạch, bỏ lại người cha nghẹn ngào với nỗi buồn thăm thẳm trong đôi mắt. Lần thứ mười ông bị con trai từ chối, kiên quyết không chở ông đến phòng trà. Ông lủi thủi đi vào phòng, bước về phía chiếc bàn nơi đặt tấm hình tập thể của hội bạn bè, đứng tần ngần hồi lâu.
Hội ca vũ mà ông tham gia, cứ mỗi hai tuần sẽ tập hợp nhau ở phòng trà quen thuộc để giao lưu, cùng ca hát, khiêu vũ. Những người có mặt ở đó hầu hết đều đã lên chức ông bà, những cô chú trẻ hơn thì cũng đã ngót nghét bốn tám, năm mươi.
Họ đều trang điểm lộng lẫy, quần là áo lượt. Có nhiều cô ăn vận những bộ quần áo ôm sát, phô diễn những đường nét cơ thể đã phôi pha màu thời gian với áo xẻ ngực, mini juyp ngắn. Ông biết thằng con xấu hổ vì những hình ảnh này, nó đã nói rõ thế khi chở bố đến đó vài lần. Nó còn nặng nhẹ bảo ông rằng “già còn sinh tật”.
Rồi nó quyết định không chở ông đi nữa. Đã thế, còn dặn luôn mấy ông xe ôm quanh xóm không được chở. Ông buồn lắm nhưng chẳng biết làm sao. Mọi người trong hội đều đi theo cặp, vài người đi lẻ nhưng lại ở cách xa nhau, ông lại chẳng muốn làm phiền ai. Bạn bè trong hội gọi điện thoại hỏi thăm, ông đều bảo đang về quê để chăm vườn, hẹn lần lữa mãi nên người ta cũng thôi không gọi nữa.
Mười kì đồng nghĩa với năm tháng chẳng gặp mặt ai, ông cứ quẩn quanh mãi trong cái khu nhà đến một người già đồng tuổi chẳng có lấy để trà nước. Nhà nào nhà nấy kín bưng cổng sau, cổng trước. Ông bỗng dưng thành một người già côi cút giữa thành phố mênh mông.
Canh những lúc thằng con đi vắng, ông lại lén xem lại mấy đoạn video quay những lần họp mặt trước đó trên điện thoại. Hình ảnh cứ run run, nhòe nhoẹt bởi đôi tay già nua tập tành quay phim kỷ niệm. Ông cười khi nghe lại giọng các bà, các bác hát tới, hát lui các bài hát vang bóng một thời. Ôi thôi, chẳng phải ai cũng hát hay cả, có những cô hát như tiếng máy cassette bị rè hay đoạn băng bị nhão. Nhưng họ say mê trong từng ca từ, họ phiêu diêu trong từng tiếng nhạc, họ lắc lư cơ thể đã không còn dẻo dai trong nụ cười thỏa nguyện.
Thằng con ông đâu biết ở đó có những tiếng cười mà con cháu chẳng thể mang lại. Ở đó, những người như ông có cơ hội để trẻ trung, để đắm chìm vào những giai điệu và khoảng không gian của bạn bè, của những sẻ chia. Ở đó, nỗi cô đơn trong mỗi người được tạm gác lại, những kẻ lẻ loi như ông sẽ vơi hẳn cảm giác “thèm hơi người”.
Có lẽ nó sẽ không hiểu được những điều ấy cho đến khi nào nó bằng tuổi ông…
Mẹ lấy chồng có được không?
Bà là một người phụ nữ xinh đẹp, nhưng bất hạnh thay, khi đứa con thứ hai lên hai tuổi, chồng bà bị tai nạn mất sớm. Hai mươi bảy tuổi, bà thành góa phụ dắt díu hai đứa trẻ còn chưa kịp nhớ được tên đầy đủ của cha.
Bà đã lần lượt từ chối những lời hứa hẹn đồng hành của đôi ba người đàn ông, ở vậy nuôi con khôn lớn vì những nỗi niềm rất chính đáng của một người mẹ đơn thân.
Khi ấy, dù đơn độc bươn chải nhưng tiếng cười con vây quanh khiến bà có thể làm việc cả đêm ngày. Những đứa con ngày một lớn khôn và rời xa vòng tay mẹ. Bà cô đơn giữa căn nhà rộng lớn mà bây giờ chỉ rộn ràng được đôi ba ngày mỗi dịp lễ, tết.
Người đàn ông góa vợ năm xưa bị bà từ chối nhưng vẫn ở bên cạnh giúp đỡ bà bấy lâu nay, nhất là những khi trở trời mà con cái ở xa. Sự chân thành của ông khiến bà cảm động từ bao giờ và bà muốn ở bên cạnh ông như đôi bạn già cùng dìu nhau đi hết chặng đời còn lại.
Nhưng cả ông và bà đều vấp phải sự ngăn cản của những đứa con. Đến cuối cùng thì ba mẹ vẫn không thể thắng được con cái. Ngày xưa bà hy sinh hạnh phúc riêng tư để nuôi dạy chúng nên người. Bây giờ bà cũng hy sinh vì sự bình yên trong mối quan hệ với các con, sau khi đã quá mỏi mệt.
Tôi có một người bạn có hoàn cảnh tương tự như vậy và tôi nghĩ bạn ấy đã tự cởi trói cho mình và cho cả mẹ khi suy nghĩ được rằng “mẹ tớ cực khổ nhiều rồi, ngày xưa, không hiểu chuyện nên chị em tớ phản đối. Bây giờ chỉ cần mẹ thấy hạnh phúc là được, ai cũng cần có người bầu bạn và thời gian của mẹ đã chẳng còn dài rộng như mình”
Gần hết tháng rồi, sao con chưa về?
Câu chuyện này chắc không có gì lạ lẫm với những người con xa quê. Nhà nào mà có mỗi một đứa con thì nỗi cô đơn của ba mẹ lại càng bao la hơn, giống như gia đình của nó vậy.
Sự tất bật của công việc cuốn lấy con người lao vào vòng xoáy mưu sinh. Đôi khi không cố ý nhưng lời hẹn về thăm nhà vì việc này, việc kia mà cứ dời từ tuần này sang tuần khác. Bất giác nhìn lại thì thời gian đã trôi xa, sang hẳn một tháng, hai tháng là điều bình thường. Sự hiện diện của tiền bạc không đổi lấy được niềm vui cho ba mẹ nó. Vì cơ bản, ba mẹ nó đều có lương hưu.
Những buổi chiều quê, cơn mưa tầm tã khiến nỗi đợi chờ, thương nhớ cứ dài dằng dặc. Giữa bốn bề mưa giăng, ba rít điếu thuốc, ngồi trầm ngâm mà mẹ cũng không còn buồn nhắc ba chuyện cai thuốc nữa. Vì tính ba ít nói, không có thuốc thì nỗi buồn ba giấu vào đâu?
Cuộc sống tất bật đến nỗi niềm vui nhỏ bé là được ăn cùng bữa cơm với nhau dù chỉ mỗi tháng một lần đôi khi cũng thật là xa xỉ. Ba mẹ nó hết cách, lại cách tháng mà quầy quả lên thành phố để thăm con, dù mệt nhọc đường xa vẫn hơn là ngồi ở nhà ngóng trông tháng này không biết khi nào nó về thăm. Hơn nữa ông bà cũng không muốn gây thêm áp lực cho nó.
Hôm nay ba/má đi khám bệnh
Trên các chuyến xe buổi sáng sớm, thường có rất nhiều người già đi khám bệnh. Họ thường đi một mình hoặc đi cùng bạn bè nếu có thể rủ rê. Tôi thấy những bàn tay run run mở xấp sổ khám và những viên thuốc đủ màu. Tôi thấy những cái nhíu mắt, cau mày để đọc những dòng chữ biên vội vàng của bác sĩ. Tôi thấy những nỗi hốt hoảng vì lỡ trạm chỉ tại đôi tai không còn thính nhạy để nghe thông báo tên trạm dừng. Tôi thấy những bước chân rụt rè, yếu ớt bước lên xe buýt và sợ sệt khi bước xuống vì những chiếc xe máy cứ chực chờ lấn tới.
Nhiều bác tài đôi lúc cảm khái “Con cháu đâu mà để mấy ông bà đi một mình vậy không biết?”.
Tôi hay nhìn theo bóng lưng của họ lúc xuống xe mà nghĩ đến những lần mẹ lên Sài Gòn khám một mình vì tôi bận công việc không ra cùng mẹ được. Niềm day dứt cứ dâng lên trong ngực.
Ngày còn bé, khi con bệnh, mẹ luôn kề bên, bất kể đêm ngày. Bây giờ ba mẹ bệnh, đôi khi, con chẳng thể dành được một buổi để đi khám bệnh cùng. Nhưng chúng ta lại luôn kề cận bên con cái của mình mỗi khi chúng khó chịu lúc trở trời. Có lẽ cho đến cuối cùng thì nước mắt cũng chỉ có thể chảy xuôi mà thôi.
Con người thường tự làm khó bản thân, làm khó nhau vì cứ mãi sống chật vật trong những nỗi cố chấp. Chi bằng sống rộng lượng hơn, để nhìn thấy được những nụ cười và hạnh phúc thực sự của người mình quan tâm. Vì thời gian sẽ đi qua rất nhanh và đời người thì quá ngắn để nghĩ suy quá nhiều về thể diện, về những hư vinh và những giá trị đã lỗi thời. Đời người cũng quá ngắn để chờ đợi một lời hứa “Để hôm nào con có thời gian….”.
LẠC NHIÊN