NGÀY XƯA ƠI!
NGÀY XƯA ƠI!
Có đôi ngày bỗng dưng lòng thấy nhớ da diết những ngày tháng đã cũ, đặc biệt là sau khi trò chuyện với một ai đó cùng thời. Câu chuyện hàn ôn thường được tình cờ khơi lên bất chợt trong cái lạnh cũng bất chợt giữa Sài Gòn mùa lắm những cơn mưa.
Chị nhắc về hai chuyến phà từ Sài Gòn về quê ngày ấy. Ngày xưa, với những đứa trẻ nông thôn như tôi, Sài Gòn là một miền đất thật xa, chỉ nghe người ta kể về sự giàu có, phồn hoa, nghe người ta ngưỡng mộ dân Sài Gòn – một miền đất hứa.
- Con đi học ở đâu về?
- Dạ, con học ở Sài Gòn.
- Học ở Sài Gòn hả? Giỏi vậy. Học ở đó xong rồi đi làm được nhiều tiền lắm.
Cứ thế, chúng tôi lớn lên với giấc mơ Sài Gòn, giấc mơ thành phố. Một cách mơ mơ, hồ hồ.
Khi xưa, từ quê tôi đến Sài Gòn phải mất cả nửa ngày, chuyến xe tốc hành đi vào 3h khuya sáng mà có khi phải tận 9-10h trưa mới đến vì cách trở hai chuyến phà. Những đứa trẻ như chúng tôi, đứa nào có người thân ở thành phố, cứ hè là tụi nó lên Sài Gòn chơi. Thời đó, tôi cũng ngưỡng mộ lắm và hay ngồi nghe bạn kể về Sài Gòn thế nọ, thế kia.
Năm tháng trôi qua, cuối cùng thì tôi cũng đã là một kẻ trọ ở “xứ sở dân nhập cư đông hơn dân chính hiệu” này. Một năm, năm năm rồi mười một năm có lẻ. Tôi đi học, đi làm, rồi phải vừa làm, vừa học ở chốn trường đời; chứng kiến thành phố ngày mỗi chật chội, đông đúc, ồn ã lẫn ô nhiễm; chứng kiến sự phồn hoa, bạc vàng lấp lánh và cả những góc khuất âm u, dư thừa nước mắt.
Giờ đây mỗi khi mệt mỏi vì tiếng ồn của loạt máy bay ngang qua bầu trời hằng đêm, tôi lại thèm được vùi đôi tai của mình vào thanh âm của dàn đồng ca ễnh ương, giun dế để ru giấc mơ lửng lơ trên cõi mây bay bềnh bồng.
Giấc mơ Sài Gòn của chúng tôi hình như lại thoáng mơ mơ, hồ hồ?
…
Trong buổi trà dư tửu hậu ấy, chúng tôi còn nhắc về những bộ phim và dàn ăng-ten bằng nhôm vắt vẻo trên nóc nhà ngày trước. Mỗi lần xem phải có một đứa đứng canh TV, một đứa chạy đi quay cho đầu Ăng-ten hướng về phía nhà đài; vừa quay, vừa ngoái đầu vào nhà hỏi dồn dập “Được chưa? Được chưa vậy?”. Đôi khi xui xẻo, đến đoạn phim gây cấn thì bị cơn gió chơi khăm, thổi lệch hướng Ăng-ten, màn hình lập tức nhảy hột trắng hột đen, kêu rột rẹt. Cả bọn la trời rồi lập tức một đứa phóng như bay về phía Ăng-ten để chỉnh.
Những chiếc Ăng-ten ngày ấy là cả một bầu trời tuổi thơ tươi đẹp của chúng tôi với Tiểu long nhân, Tây du kí, Sinbad… Những ảnh hình của một tôi hồn nhiên cứ khiến cho một tôi bây giờ thi thoảng thèm thuồng quá sức.
…
Chúng tôi nhắc nhau nhớ về những chiếc xe đạp đến trường. Mỗi buổi sáng, học sinh khắp nơi trên từng chiếc xe cọc cạch, nối đuôi nhau đến trường. Thầy cô giáo ở quê tôi thời đó đa phần cũng đều đi xe đạp. Nón lá, áo dài trắng, tiếng nói cười rôm rả trên con đường quê là những hình ảnh tôi chưa bao giờ quên được trong tâm trí. Đôi lần thầm cảm ơn vì mình đã được sinh ra ở vùng nông thôn ấy để biết bầu trời trong xanh, biết con cò, đồng ruộng, biết những mùa nước lớn, nước ròng, mùi khói đốt đồng, mùi khói bếp cay nồng, mùi của nấm mối, mùi của rơm rạ, của nắng vào những chiều đi bắt cá dưới ruộng lúa đã gặt xong…
…
Những câu chuyện trà nước nếu đã bắt đầu bằng “Em nhớ hồi đó…” thì không bao giờ có kết thúc. Dòng nhớ cứ miên man rồi thôi thúc chảy về.
“Chị còn nhớ đoạn đường đó không?”.
“Chị còn nhớ bộ phim chiếu lúc đó không?”.
Rồi tít mắt cười.. vì vui quá, vì có người cùng giữ những kí ức giống với mình, cùng thời với mình…
Sài Gòn lại nổi gió trở mùa, những người con xa quê lại có dịp lần giở lại từng lớp kí ức được xếp ngay ngắn trong một Miền Nhớ thân thương.
Thi thoảng chúng tôi lại đặt một dấu lặng trầm ngâm giữa cuộc chuyện trò, đầu lưỡi tê đi vì vị đắng của ngụm trà còn âm ấm giữa khoang miệng, trong lúc não bộ và trái tim bắt đầu thở than “tìm đâu bây giờ, hỡi ngày xưa ơi!”.
Ngày mai thức dậy, phải chăng như bao năm nay, tôi sẽ lại để mình mê mải trong hành trình của một khách trọ chốn phồn hoa. Hay tôi sẽ công nhận rằng có một miền đất hứa thật gần mà “đứa trẻ ngày xưa” chưa bao giờ biết đến.
LẠC NHIÊN
Có đôi ngày bỗng dưng lòng thấy nhớ da diết những ngày tháng đã cũ, đặc biệt là sau khi trò chuyện với một ai đó cùng thời. Câu chuyện hàn ôn thường được tình cờ khơi lên bất chợt trong cái lạnh cũng bất chợt giữa Sài Gòn mùa lắm những cơn mưa.
Chị nhắc về hai chuyến phà từ Sài Gòn về quê ngày ấy. Ngày xưa, với những đứa trẻ nông thôn như tôi, Sài Gòn là một miền đất thật xa, chỉ nghe người ta kể về sự giàu có, phồn hoa, nghe người ta ngưỡng mộ dân Sài Gòn – một miền đất hứa.
- Con đi học ở đâu về?
- Dạ, con học ở Sài Gòn.
- Học ở Sài Gòn hả? Giỏi vậy. Học ở đó xong rồi đi làm được nhiều tiền lắm.
Cứ thế, chúng tôi lớn lên với giấc mơ Sài Gòn, giấc mơ thành phố. Một cách mơ mơ, hồ hồ.
Khi xưa, từ quê tôi đến Sài Gòn phải mất cả nửa ngày, chuyến xe tốc hành đi vào 3h khuya sáng mà có khi phải tận 9-10h trưa mới đến vì cách trở hai chuyến phà. Những đứa trẻ như chúng tôi, đứa nào có người thân ở thành phố, cứ hè là tụi nó lên Sài Gòn chơi. Thời đó, tôi cũng ngưỡng mộ lắm và hay ngồi nghe bạn kể về Sài Gòn thế nọ, thế kia.
Năm tháng trôi qua, cuối cùng thì tôi cũng đã là một kẻ trọ ở “xứ sở dân nhập cư đông hơn dân chính hiệu” này. Một năm, năm năm rồi mười một năm có lẻ. Tôi đi học, đi làm, rồi phải vừa làm, vừa học ở chốn trường đời; chứng kiến thành phố ngày mỗi chật chội, đông đúc, ồn ã lẫn ô nhiễm; chứng kiến sự phồn hoa, bạc vàng lấp lánh và cả những góc khuất âm u, dư thừa nước mắt.
Giờ đây mỗi khi mệt mỏi vì tiếng ồn của loạt máy bay ngang qua bầu trời hằng đêm, tôi lại thèm được vùi đôi tai của mình vào thanh âm của dàn đồng ca ễnh ương, giun dế để ru giấc mơ lửng lơ trên cõi mây bay bềnh bồng.
Giấc mơ Sài Gòn của chúng tôi hình như lại thoáng mơ mơ, hồ hồ?
…
Trong buổi trà dư tửu hậu ấy, chúng tôi còn nhắc về những bộ phim và dàn ăng-ten bằng nhôm vắt vẻo trên nóc nhà ngày trước. Mỗi lần xem phải có một đứa đứng canh TV, một đứa chạy đi quay cho đầu Ăng-ten hướng về phía nhà đài; vừa quay, vừa ngoái đầu vào nhà hỏi dồn dập “Được chưa? Được chưa vậy?”. Đôi khi xui xẻo, đến đoạn phim gây cấn thì bị cơn gió chơi khăm, thổi lệch hướng Ăng-ten, màn hình lập tức nhảy hột trắng hột đen, kêu rột rẹt. Cả bọn la trời rồi lập tức một đứa phóng như bay về phía Ăng-ten để chỉnh.
Những chiếc Ăng-ten ngày ấy là cả một bầu trời tuổi thơ tươi đẹp của chúng tôi với Tiểu long nhân, Tây du kí, Sinbad… Những ảnh hình của một tôi hồn nhiên cứ khiến cho một tôi bây giờ thi thoảng thèm thuồng quá sức.
…
Chúng tôi nhắc nhau nhớ về những chiếc xe đạp đến trường. Mỗi buổi sáng, học sinh khắp nơi trên từng chiếc xe cọc cạch, nối đuôi nhau đến trường. Thầy cô giáo ở quê tôi thời đó đa phần cũng đều đi xe đạp. Nón lá, áo dài trắng, tiếng nói cười rôm rả trên con đường quê là những hình ảnh tôi chưa bao giờ quên được trong tâm trí. Đôi lần thầm cảm ơn vì mình đã được sinh ra ở vùng nông thôn ấy để biết bầu trời trong xanh, biết con cò, đồng ruộng, biết những mùa nước lớn, nước ròng, mùi khói đốt đồng, mùi khói bếp cay nồng, mùi của nấm mối, mùi của rơm rạ, của nắng vào những chiều đi bắt cá dưới ruộng lúa đã gặt xong…
…
Những câu chuyện trà nước nếu đã bắt đầu bằng “Em nhớ hồi đó…” thì không bao giờ có kết thúc. Dòng nhớ cứ miên man rồi thôi thúc chảy về.
“Chị còn nhớ đoạn đường đó không?”.
“Chị còn nhớ bộ phim chiếu lúc đó không?”.
Rồi tít mắt cười.. vì vui quá, vì có người cùng giữ những kí ức giống với mình, cùng thời với mình…
Sài Gòn lại nổi gió trở mùa, những người con xa quê lại có dịp lần giở lại từng lớp kí ức được xếp ngay ngắn trong một Miền Nhớ thân thương.
Thi thoảng chúng tôi lại đặt một dấu lặng trầm ngâm giữa cuộc chuyện trò, đầu lưỡi tê đi vì vị đắng của ngụm trà còn âm ấm giữa khoang miệng, trong lúc não bộ và trái tim bắt đầu thở than “tìm đâu bây giờ, hỡi ngày xưa ơi!”.
Ngày mai thức dậy, phải chăng như bao năm nay, tôi sẽ lại để mình mê mải trong hành trình của một khách trọ chốn phồn hoa. Hay tôi sẽ công nhận rằng có một miền đất hứa thật gần mà “đứa trẻ ngày xưa” chưa bao giờ biết đến.
LẠC NHIÊN
