MÙI TẾT
MÙI TẾT
Đất trời vào Xuân mang theo những thanh âm rộn rã trong lòng từng con phố. Cái khoảnh khắc giao mùa chỉ kéo dài trong ít tuần ngắn ngủi nhưng cũng đủ khiến những người khách bộ hành vội vã nhất trở nên thi vị, nhạy cảm hơn với đời, với những thứ mùi nồng nàn của Tết.
Sáng nay thức giấc, những cơn gió se lạnh chợt ùa về xua tan cái oi ả hằng ngày. Sài Gòn trở gió, nghe đâu đêm qua có một cơn mưa Xuân vừa ghé qua hiên nhà đánh thức những giấc mơ trẻ thơ và làm đẹp hơn cho phố phường.
Mùi Tết, một thứ mùi quen thuộc của những người con Đất Việt, dù đi khắp bốn phương trời, cứ mỗi độ Xuân về thì như rằng ai cũng sẽ lại nhớ, lại hoài niệm về những ngày Xuân đầm ấm bên gia đình.
Xã hội càng phát triển, con người ta lại càng dễ cuốn theo những hối hả bộn bề. Chúng ta đơn giản hóa những mâm cơm, quầy bánh, rút ngắn thời gian được ở bên gia đình để hưởng Tết theo cách riêng của mình. Mùi Tết cũng vì thế mất dần hương vị đặc trưng của nó, cái mùi mà chỉ khi bạn thư thái mới cảm nhận được, cái mùi mà có người cho là cũ kĩ, mùi mà khi xa quê ai cũng khát khao một lần được trở về để cảm nhận, mùi của niềm nhớ tuổi thơ cùng những kỷ niệm gắn liền với Tết.
Rồi sẽ có lúc ta ngược về quá khứ để cảm nhận những đổi thay của cuộc sống. Tôi nhớ những ngày một mình ăn Tết ở ÚC, cũng bánh chưng, dưa hành, câu đối đỏ ở những khu chợ người Việt nhưng sao mà chạnh lòng da diết quá. Hơn 10 năm sống và làm việc ở đất khách quê người, tôi hiểu và càng thấm cái nỗi nhớ mùi Tết ở quê nhà. Vậy mà một khi ngày Tết rơi đúng vào những ngày đi làm thì ôi thôi coi như mình mất Tết.
Tết tha hương sẽ luôn khiến cho ta bồi hồi, chỉ có cái Tết đoàn viên hay được đón Xuân trên quê hương mình ta mới thấy lòng ấm lại. Bởi con người luôn cần một nơi để thuộc về, để nghe tiếng lòng mình thổn thức, nên Xuân đến Xuân đi chỉ làm những người con xa xứ thêm mong đợi, thêm chạnh lòng nếu lỡ dịp về bên ông bà, cha mẹ.
Khi xa quê, những nỗi nhớ sẽ càng nặng hơn khi ta chợt bắt gặp một mùi Tết, có những mùi mà ta tưởng rằng chỉ còn trong dĩ vãng.
Mùi khói bếp nấu bánh Tét với ông bà. Mùi đất bùn từ ao cá trước nhà vừa tát xong. Mùa hoa mai mới nở. Mùi pháo hăng khó chịu và đượm chút cay nồng nhưng lại là một mùi đặc trưng của Tết quê cũ. Mùi khói đốt đồng để ăn Tết. Mùi nhang trầm, nhang Thái tỏa khắp phố phường. Mùi hoa cúc, hoa vạn thọ ngào ngạt khắp đường quê làm lòng người như mở hội. Mùi quần áo mẹ mới may để dành mặc trong ngày đầu năm còn thơm mùi chỉ mới. Mùi của những tách trà đựng trong ấm dừa để giữ nhiệt. Mùi mứt chuối, mứt dừa vừa mới ngào để dâng cúng ông bà. Mùi của cánh cửa nhà mới sơn, hay mùi bộ lư đồng vừa đánh bóng.
Trăm thứ mùi quyện lại trong cảnh sum họp gia đình luôn làm chạnh lòng kẻ đi xa, ai rồi cũng muốn về để tận hưởng mùi Tết, mùi của sum vầy, mùi của quê hương khi mở hội.
Tôi là người thường hay hoài niệm, hay thích ngồi lặng lẽ đâu đó nhìn phố xá và nhớ lại những ngày đã qua. Tôi biết quá khứ thì lúc nào cũng đẹp vì ta luôn dành cho nó những ân tình, một lòng thiết tha, nâng niu và gìn giữ.
Ngày xưa khi còn nhỏ, Tết giống như một buổi tiệc xa hoa mà đứa trẻ con nào cũng mong muốn níu giữ. Giờ sống ở phố thị khá hơn nhưng sao tôi vẫn nhớ cái cảm giác nôn nao chờ đón Giao Thừa cùng ông bà, cha mẹ. Tôi thèm được nghe một khúc dân ca ngày cuối năm rộn rã suốt cả ngày trên những chương trình tivi chọn lọc. Kỉ niệm xưa hòa với dòng chảy của hiện tại, tôi thấy mình trưởng thành hơn và lưu giữ được nhiều hơn những ngày tháng cũ.
Sài Gòn vào ngày giáp Tết, những vạt nắng thưa dần, “ngàn cây thắp nến lên hai hàng” trên những con đường bao người qua kẻ lại. Rồi bỗng một ngày đầu năm, con đường xưa em qua bỗng nằm yên vắng. Sài Gòn giờ trở nên nhẹ nhàng, thanh khiết. Đôi chiếc xe máy dìu nhau qua từng con phố nhẹ tênh, tôi tần ngần nghĩ thế là lại một mùa Xuân nữa đã về trên quê hương – không chỉ riêng gì Sài Gòn của tôi đang đón Tết mà Sài Gòn còn đang ngóng đợi những người đi để trở về.
Tất cả mùi của kí ức đó tôi sẽ đặt tên là mùi nhớ vì dù có cố quên thì dư hương đó vẫn cứ mãi theo tôi đến suốt đời.
MIA
Đất trời vào Xuân mang theo những thanh âm rộn rã trong lòng từng con phố. Cái khoảnh khắc giao mùa chỉ kéo dài trong ít tuần ngắn ngủi nhưng cũng đủ khiến những người khách bộ hành vội vã nhất trở nên thi vị, nhạy cảm hơn với đời, với những thứ mùi nồng nàn của Tết.
Sáng nay thức giấc, những cơn gió se lạnh chợt ùa về xua tan cái oi ả hằng ngày. Sài Gòn trở gió, nghe đâu đêm qua có một cơn mưa Xuân vừa ghé qua hiên nhà đánh thức những giấc mơ trẻ thơ và làm đẹp hơn cho phố phường.
Mùi Tết, một thứ mùi quen thuộc của những người con Đất Việt, dù đi khắp bốn phương trời, cứ mỗi độ Xuân về thì như rằng ai cũng sẽ lại nhớ, lại hoài niệm về những ngày Xuân đầm ấm bên gia đình.
Xã hội càng phát triển, con người ta lại càng dễ cuốn theo những hối hả bộn bề. Chúng ta đơn giản hóa những mâm cơm, quầy bánh, rút ngắn thời gian được ở bên gia đình để hưởng Tết theo cách riêng của mình. Mùi Tết cũng vì thế mất dần hương vị đặc trưng của nó, cái mùi mà chỉ khi bạn thư thái mới cảm nhận được, cái mùi mà có người cho là cũ kĩ, mùi mà khi xa quê ai cũng khát khao một lần được trở về để cảm nhận, mùi của niềm nhớ tuổi thơ cùng những kỷ niệm gắn liền với Tết.
Rồi sẽ có lúc ta ngược về quá khứ để cảm nhận những đổi thay của cuộc sống. Tôi nhớ những ngày một mình ăn Tết ở ÚC, cũng bánh chưng, dưa hành, câu đối đỏ ở những khu chợ người Việt nhưng sao mà chạnh lòng da diết quá. Hơn 10 năm sống và làm việc ở đất khách quê người, tôi hiểu và càng thấm cái nỗi nhớ mùi Tết ở quê nhà. Vậy mà một khi ngày Tết rơi đúng vào những ngày đi làm thì ôi thôi coi như mình mất Tết.
Tết tha hương sẽ luôn khiến cho ta bồi hồi, chỉ có cái Tết đoàn viên hay được đón Xuân trên quê hương mình ta mới thấy lòng ấm lại. Bởi con người luôn cần một nơi để thuộc về, để nghe tiếng lòng mình thổn thức, nên Xuân đến Xuân đi chỉ làm những người con xa xứ thêm mong đợi, thêm chạnh lòng nếu lỡ dịp về bên ông bà, cha mẹ.
Khi xa quê, những nỗi nhớ sẽ càng nặng hơn khi ta chợt bắt gặp một mùi Tết, có những mùi mà ta tưởng rằng chỉ còn trong dĩ vãng.
Mùi khói bếp nấu bánh Tét với ông bà. Mùi đất bùn từ ao cá trước nhà vừa tát xong. Mùa hoa mai mới nở. Mùi pháo hăng khó chịu và đượm chút cay nồng nhưng lại là một mùi đặc trưng của Tết quê cũ. Mùi khói đốt đồng để ăn Tết. Mùi nhang trầm, nhang Thái tỏa khắp phố phường. Mùi hoa cúc, hoa vạn thọ ngào ngạt khắp đường quê làm lòng người như mở hội. Mùi quần áo mẹ mới may để dành mặc trong ngày đầu năm còn thơm mùi chỉ mới. Mùi của những tách trà đựng trong ấm dừa để giữ nhiệt. Mùi mứt chuối, mứt dừa vừa mới ngào để dâng cúng ông bà. Mùi của cánh cửa nhà mới sơn, hay mùi bộ lư đồng vừa đánh bóng.
Trăm thứ mùi quyện lại trong cảnh sum họp gia đình luôn làm chạnh lòng kẻ đi xa, ai rồi cũng muốn về để tận hưởng mùi Tết, mùi của sum vầy, mùi của quê hương khi mở hội.
Tôi là người thường hay hoài niệm, hay thích ngồi lặng lẽ đâu đó nhìn phố xá và nhớ lại những ngày đã qua. Tôi biết quá khứ thì lúc nào cũng đẹp vì ta luôn dành cho nó những ân tình, một lòng thiết tha, nâng niu và gìn giữ.
Ngày xưa khi còn nhỏ, Tết giống như một buổi tiệc xa hoa mà đứa trẻ con nào cũng mong muốn níu giữ. Giờ sống ở phố thị khá hơn nhưng sao tôi vẫn nhớ cái cảm giác nôn nao chờ đón Giao Thừa cùng ông bà, cha mẹ. Tôi thèm được nghe một khúc dân ca ngày cuối năm rộn rã suốt cả ngày trên những chương trình tivi chọn lọc. Kỉ niệm xưa hòa với dòng chảy của hiện tại, tôi thấy mình trưởng thành hơn và lưu giữ được nhiều hơn những ngày tháng cũ.
Sài Gòn vào ngày giáp Tết, những vạt nắng thưa dần, “ngàn cây thắp nến lên hai hàng” trên những con đường bao người qua kẻ lại. Rồi bỗng một ngày đầu năm, con đường xưa em qua bỗng nằm yên vắng. Sài Gòn giờ trở nên nhẹ nhàng, thanh khiết. Đôi chiếc xe máy dìu nhau qua từng con phố nhẹ tênh, tôi tần ngần nghĩ thế là lại một mùa Xuân nữa đã về trên quê hương – không chỉ riêng gì Sài Gòn của tôi đang đón Tết mà Sài Gòn còn đang ngóng đợi những người đi để trở về.
Tất cả mùi của kí ức đó tôi sẽ đặt tên là mùi nhớ vì dù có cố quên thì dư hương đó vẫn cứ mãi theo tôi đến suốt đời.
MIA