MẮT BÃO
MẮT BÃO
Sài Gòn vào đêm.
Những ô đèn màu lấp lánh từ các chung cư cao cấp được thắp lên, xa hoa, lộng lẫy. Những tòa nhà sang trọng với ánh đèn chạy suốt đêm thâu. Những quán Bar rộn ràng âm thanh, rôm rả và tràn ngập tiếng nói cười khoan khoái. Hàng triệu người với hàng triệu bộ cánh lụa là, mỗi đêm đều như có lễ hội.
Nhìn từ trên cao xuống là một Sài Gòn với những mảng màu rực rỡ và sung túc.
Sài Gòn vào đêm.
Trong các con hẻm nhỏ, là tiếng rao lanh lảnh của xe hàng rong bánh gai, bánh giò kèm với âm thanh rột rẹt, cót két của sợi sên xe đạp cũ rích và mòn mỏi vì thiếu dầu, thiết nhớt. Tiếng leng keng của xe hủ tiếu gõ. Tiếng sột soạt bới móc ở những bãi rác “đầy chiến lợi phẩm” của những người “ăn đêm”. Tiếng thở khò khè của những giấc ngủ rải rác khắp nơi trên lề đường lẫn vào tiếng xe cộ.
Nhìn từ dưới lên là một Sài Gòn vẫn khoác một chiếc áo gấm hoa nhưng lại còn quá xa với nhiều bàn tay với.
Những mảng tối chìm dưới đáy của bao mảng sáng. Tất cả những người ở hai mảng màu ấy đều đang miệt mài trên các con đường khác nhau.
Có lẽ điểm chung của những con đường ấy là tất thảy mọi người đi qua đều phải trải qua sinh, lão, bệnh, tử.
Tuổi tác và bệnh tật là hai điều con người luôn phải đối mặt và chiến đấu. Có những trận chiến thần tốc với chiến thắng nhưng cũng có những cuộc giành giật sự sống với tử thần thật chẳng dễ dàng.
Người đàn ông ở tuổi thất tuần cầm tờ báo đọc to dòng tít “Thu phí người thăm nuôi bệnh nhân” dưới ánh đèn tù mù ở một căn gác trọ. Bà vợ khẽ nhíu mày nắn bóp đôi bàn chân nồng nặc mùi rượu thuốc, bà nói vu vơ “Ôi dào, tiền đâu ra để bệnh mà quan tâm mấy tin tức đó”. Người đàn ông buông tờ báo, trầm ngâm nâng điếu thuốc lào rồi húng hắng trong cơn ho. Đêm mưa, gió thổi từng cơn lạnh, se sắt vào lòng mắt, vào da thịt, vào xương cốt những cơn đau trở trời.
Ở một quán cà phê khá sang trọng, em sinh viên làm thêm buộc phải nghe lời chủ mà đuổi ông cụ già lỡ mắc phải căn bệnh “nhà giàu” rời quán. Cơn nắng oi nồng giữa trưa hè nuốt lấy đôi chân già liêu xiêu, một bàn chân phải cột trong túi ni-lon, vết thương tháo khớp từ biến chứng tiểu đường chưa kịp lành đã phải lê bước chạy từng đồng cơm gạo.
Có những đứa trẻ bị bệnh hiểm nghèo nhưng trót sinh ra trong nhà nghèo khó, chúng đã phải trưởng thành sớm từ những cơn đau và nước mắt “Mình về nhà đi mẹ, tiền đâu mà trả nợ”. Rồi những sớm mai, họ cắn răng đùm túm, dắt díu nhau về và nặng nề chờ đợi phút biệt ly.
Chị công nhân điều hành máy chẳng dám nghỉ một ngày đi khám hai đầu gối đau oằn vì đi đứng suốt ngày đêm. Khoản nợ của ba từ chuỗi ngày rượu chè, đề đóm như một cái án treo trên đầu. Đôi khi chị xin nghỉ vì cơn đau mà lại bị nghi ngờ lười biếng. Thất nghiệp và bị trừ lương còn đáng sợ hơn cả bệnh tật đeo trên người và chịu đựng lại trở thành một lựa chọn không thể thay thế.
Bà mẹ già đơn thân ở tuổi thất thập cổ lai hy mỗi ngày vẫn gánh gồng bán vài bó rau vườn mọn mằn, nặng nhọc chăm “đứa trẻ” năm mươi tuổi cả đời nằm khóc đòi ăn quà. Chẳng biết tấm lưng còng của bà còn trụ được bao nhiêu mùa gió nữa để có thể cõng lấy “đứa trẻ” tội nghiệp ấy. Có những buổi chiều tà ngồi lau người cho con, trông xa xa là ánh hoàng hôn héo hắt như gánh rau của bà ngày nắng gắt, chợ ế người qua.
…
Mắt bão dường như chẳng bao giờ tan trong dòng chảy cuộc đời. Nó dường như chẳng bao giờ dịch chuyển khỏi nơi đồn trú này. Cứ thế phủ vây lên những thân phận chẳng bấu víu được vào đâu ngoài tiếng thở dài chấp nhận và sống cho qua ngày.
Có buổi chiều não nề vì câu nói nhói tận tâm can. “Bệnh tật ư? Nhịn đau một vài hôm rồi khỏi, thiếu ăn một ngày mới chết, thiếu thuốc vẫn sẽ sống được thêm, ít hay nhiều thì vẫn sống. Mà đau ở chỗ, cứ lặt lìa vậy mà sống dai.”
Sài Gòn lại vào đêm…
Khắc khoải, rã rời…
Tiền ở đâu ra để bệnh bây giờ?…
LẠC NHIÊN
Sài Gòn vào đêm.
Những ô đèn màu lấp lánh từ các chung cư cao cấp được thắp lên, xa hoa, lộng lẫy. Những tòa nhà sang trọng với ánh đèn chạy suốt đêm thâu. Những quán Bar rộn ràng âm thanh, rôm rả và tràn ngập tiếng nói cười khoan khoái. Hàng triệu người với hàng triệu bộ cánh lụa là, mỗi đêm đều như có lễ hội.
Nhìn từ trên cao xuống là một Sài Gòn với những mảng màu rực rỡ và sung túc.
Sài Gòn vào đêm.
Trong các con hẻm nhỏ, là tiếng rao lanh lảnh của xe hàng rong bánh gai, bánh giò kèm với âm thanh rột rẹt, cót két của sợi sên xe đạp cũ rích và mòn mỏi vì thiếu dầu, thiết nhớt. Tiếng leng keng của xe hủ tiếu gõ. Tiếng sột soạt bới móc ở những bãi rác “đầy chiến lợi phẩm” của những người “ăn đêm”. Tiếng thở khò khè của những giấc ngủ rải rác khắp nơi trên lề đường lẫn vào tiếng xe cộ.
Nhìn từ dưới lên là một Sài Gòn vẫn khoác một chiếc áo gấm hoa nhưng lại còn quá xa với nhiều bàn tay với.
Những mảng tối chìm dưới đáy của bao mảng sáng. Tất cả những người ở hai mảng màu ấy đều đang miệt mài trên các con đường khác nhau.
Có lẽ điểm chung của những con đường ấy là tất thảy mọi người đi qua đều phải trải qua sinh, lão, bệnh, tử.
Tuổi tác và bệnh tật là hai điều con người luôn phải đối mặt và chiến đấu. Có những trận chiến thần tốc với chiến thắng nhưng cũng có những cuộc giành giật sự sống với tử thần thật chẳng dễ dàng.
Người đàn ông ở tuổi thất tuần cầm tờ báo đọc to dòng tít “Thu phí người thăm nuôi bệnh nhân” dưới ánh đèn tù mù ở một căn gác trọ. Bà vợ khẽ nhíu mày nắn bóp đôi bàn chân nồng nặc mùi rượu thuốc, bà nói vu vơ “Ôi dào, tiền đâu ra để bệnh mà quan tâm mấy tin tức đó”. Người đàn ông buông tờ báo, trầm ngâm nâng điếu thuốc lào rồi húng hắng trong cơn ho. Đêm mưa, gió thổi từng cơn lạnh, se sắt vào lòng mắt, vào da thịt, vào xương cốt những cơn đau trở trời.
Ở một quán cà phê khá sang trọng, em sinh viên làm thêm buộc phải nghe lời chủ mà đuổi ông cụ già lỡ mắc phải căn bệnh “nhà giàu” rời quán. Cơn nắng oi nồng giữa trưa hè nuốt lấy đôi chân già liêu xiêu, một bàn chân phải cột trong túi ni-lon, vết thương tháo khớp từ biến chứng tiểu đường chưa kịp lành đã phải lê bước chạy từng đồng cơm gạo.
Có những đứa trẻ bị bệnh hiểm nghèo nhưng trót sinh ra trong nhà nghèo khó, chúng đã phải trưởng thành sớm từ những cơn đau và nước mắt “Mình về nhà đi mẹ, tiền đâu mà trả nợ”. Rồi những sớm mai, họ cắn răng đùm túm, dắt díu nhau về và nặng nề chờ đợi phút biệt ly.
Chị công nhân điều hành máy chẳng dám nghỉ một ngày đi khám hai đầu gối đau oằn vì đi đứng suốt ngày đêm. Khoản nợ của ba từ chuỗi ngày rượu chè, đề đóm như một cái án treo trên đầu. Đôi khi chị xin nghỉ vì cơn đau mà lại bị nghi ngờ lười biếng. Thất nghiệp và bị trừ lương còn đáng sợ hơn cả bệnh tật đeo trên người và chịu đựng lại trở thành một lựa chọn không thể thay thế.
Bà mẹ già đơn thân ở tuổi thất thập cổ lai hy mỗi ngày vẫn gánh gồng bán vài bó rau vườn mọn mằn, nặng nhọc chăm “đứa trẻ” năm mươi tuổi cả đời nằm khóc đòi ăn quà. Chẳng biết tấm lưng còng của bà còn trụ được bao nhiêu mùa gió nữa để có thể cõng lấy “đứa trẻ” tội nghiệp ấy. Có những buổi chiều tà ngồi lau người cho con, trông xa xa là ánh hoàng hôn héo hắt như gánh rau của bà ngày nắng gắt, chợ ế người qua.
…
Mắt bão dường như chẳng bao giờ tan trong dòng chảy cuộc đời. Nó dường như chẳng bao giờ dịch chuyển khỏi nơi đồn trú này. Cứ thế phủ vây lên những thân phận chẳng bấu víu được vào đâu ngoài tiếng thở dài chấp nhận và sống cho qua ngày.
Có buổi chiều não nề vì câu nói nhói tận tâm can. “Bệnh tật ư? Nhịn đau một vài hôm rồi khỏi, thiếu ăn một ngày mới chết, thiếu thuốc vẫn sẽ sống được thêm, ít hay nhiều thì vẫn sống. Mà đau ở chỗ, cứ lặt lìa vậy mà sống dai.”
Sài Gòn lại vào đêm…
Khắc khoải, rã rời…
Tiền ở đâu ra để bệnh bây giờ?…
LẠC NHIÊN