GÁNH CON – GÁNH NẶNG MỘT ĐỜI
GÁNH CON – GÁNH NẶNG MỘT ĐỜI
“Một người mẹ mất con vì tai nạn và một người mẹ “mất con”vì bị chính những đứa con của mình bỏ rơi, ruồng rẫy thì ai đau khổ hơn ai?”
Tôi tình cờ đọc được câu hỏi này trên mạng xã hội của một người bạn. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Tôi là người chưa làm mẹ, nên thật khó để tôi có thể hình dung và trả lời ngay được.
Trong một đêm lang thang trên con phố cũ, tôi nhớ đến bà cụ nhặt ve chai nọ trên xóm nhà trọ tôi từng ở trước đây. Lúc ấy, bà đã trên 80 tuổi. Đều đặn mỗi ngày, bà đi qua các con đường quanh co trong khu phố lượm lặt, mưu sinh. Bà nhỏ người, hôm nào được người ta cho nhiều đồ đạc, chất đầy lên xe, bóng dáng bà sẽ khuất sau núi đồ đạc ấy, chiếc xe sẽ nhích thật chậm, thật nhọc trên đường, xiêu vẹo như cái tuổi già lam lũ của bà.
Có lần tôi tìm bà để gửi phần bánh trung thu, nhưng chờ mãi không thấy bà đâu. Cô bán hàng trên con đường ấy bảo tôi rằng bà đi lên thăm thằng con trai trên trại rồi. Người ta kêu con trai bà bị điên. Bà chắt chiu từng đồng tiền bán ve chai gửi lên đó để người ta lo cho con. Bà sống cả một đời dài này cũng chỉ vì mỗi mục đích ấy thôi.
Bẵng đi một thời gian quay trở lại con đường ấy, tôi không còn nhìn thấy bà nữa. Người ta bảo bà mất rồi. Bà ra đi vì quá đau buồn khi mất đi động lực duy nhất có thể bám víu để cố gắng. Bà đã vin vào con mà giữ gìn hơi thở lâu nhất có thể để lắng lo. Con trai bà đã mất trước bà cách đó không lâu trong một cơn suyễn đột ngột…
Bà là một người mẹ cả một đời không có lấy được một ngày thảnh thơi. Cuộc mưu sinh và “gánh con” như một tảng đá đè lên ngực. Nhưng có lẽ những khổ nhọc ấy không thể nặng nề và đau đớn bằng nỗi đau khi bà nhận được tin báo con mất. Bà đã phải trải qua những ngày khủng hoảng nhất trong suốt bao nhiêu năm qua. Ngày trút được “gánh con” cũng là ngày bà phải trút đi mục đích của cuộc hành trình mang tên đời người.
…
Và cũng trên con phố cũ đó, tôi nhớ đến chị. Chị dừng lại thanh xuân của mình mãi mãi ở tuổi 22 sau một chuyến thử thách bản thân với trò nhảy dù đầy mạo hiểm.
Mẹ chị chết nửa con người vào ngày nhận hung tin. Sáu năm sau sự ra đi của chị, mẹ chị vẫn chưa thể hoàn toàn gượng dậy được. Có lẽ người con trai duy nhất còn lại là động lực níu kéo bà quay lại với cuộc sống này.
Chúng tôi không dám nhắc về chị, không dám đến nhà chị vì sợ bà nhìn thấy lại đau lòng thêm. Bà thường hỏi năm nay chúng tôi bao nhiêu tuổi và rồi lại khóc. Tuổi 22 của chúng tôi cách chị cả một cuộc đời. Tuổi 22 của chúng tôi khác chị ở hạnh phúc của một người mẹ được nhìn thấy con tốt nghiệp ra trường, tìm được bạn đồng hành.
Tuổi 22 của chúng tôi đã chứng kiến nỗi đau của một người mẹ mất con.
Sự nhớ nhung, bi thương ấy có lẽ sẽ còn đeo đẳng bà suốt một chặng đời dài dằng dặc phía trước. Tôi chợt nghĩ, nếu không có anh trai chị, mẹ chị có lẽ đã không thể trụ lại được. Dáng vóc, hình hài, hơi ấm, tiếng nói cười thân thuộc hai mươi hai năm, nói biến mất là mất một cách dễ dàng như thể chưa từng hiện diện qua…
Nỗi đau ấy không gì có thể bù đắp cho bằng hết được.
…
Tôi đã từng chứng kiến nhiều sự ra đi của những người con, để lại những khoảng trống trong lòng đấng sinh thành. Sự thẫn thờ, đờ đẫn, ngây dại của những người mẹ tiễn con ra đi khi tóc còn xanh khiến cho bầu trời những ngày đó u ám hơn bao giờ.
Thời gian dẫu có phủ mờ lên năm tháng nhưng mỗi khi tết đến, viếng mộ con, lau bụi lên nụ cười mà thân xác đã vĩnh viễn nằm sâu dưới lòng đất lạnh thì vết thương năm cũ lại được thế trở mình đau nhức.
Vì thế, những đứa con có ngỗ nghịch, có ruồng rẫy và phụ bạc mẹ cha thì với những người làm cha mẹ ấy, miễn là chúng còn hiện diện trên đời này thì nỗi khổ tâm ấy chẳng đáng là bao. “Chỉ cần còn nhìn thấy là còn thấy vui, nếu nó mất rồi bỗng mình thành cô độc”.
Tôi đã từng uất ức dùm những người mẹ bạc phận có những đứa con lớn lên chỉ biết mang vác nợ nần về. “Gánh con” cả mười tám, hai mươi năm nặng nhọc, giờ lại gánh cháu, gánh nợ thay con. Nhưng lòng mẹ bao la, có giận cách mấy thì nước mắt cũng chỉ chảy xuôi. Rồi lại mủi lòng kéo chúng về bao bọc những sai lầm, nông nỗi, ngỗ ngược của con. “Con dại, cái mang” là vậy.
Gánh con – mẹ gánh một đời
Gánh mẹ – con gánh (sao) buông lời thở than!
LẠC NHIÊN
“Một người mẹ mất con vì tai nạn và một người mẹ “mất con”vì bị chính những đứa con của mình bỏ rơi, ruồng rẫy thì ai đau khổ hơn ai?”
Tôi tình cờ đọc được câu hỏi này trên mạng xã hội của một người bạn. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Tôi là người chưa làm mẹ, nên thật khó để tôi có thể hình dung và trả lời ngay được.
Trong một đêm lang thang trên con phố cũ, tôi nhớ đến bà cụ nhặt ve chai nọ trên xóm nhà trọ tôi từng ở trước đây. Lúc ấy, bà đã trên 80 tuổi. Đều đặn mỗi ngày, bà đi qua các con đường quanh co trong khu phố lượm lặt, mưu sinh. Bà nhỏ người, hôm nào được người ta cho nhiều đồ đạc, chất đầy lên xe, bóng dáng bà sẽ khuất sau núi đồ đạc ấy, chiếc xe sẽ nhích thật chậm, thật nhọc trên đường, xiêu vẹo như cái tuổi già lam lũ của bà.
Có lần tôi tìm bà để gửi phần bánh trung thu, nhưng chờ mãi không thấy bà đâu. Cô bán hàng trên con đường ấy bảo tôi rằng bà đi lên thăm thằng con trai trên trại rồi. Người ta kêu con trai bà bị điên. Bà chắt chiu từng đồng tiền bán ve chai gửi lên đó để người ta lo cho con. Bà sống cả một đời dài này cũng chỉ vì mỗi mục đích ấy thôi.
Bẵng đi một thời gian quay trở lại con đường ấy, tôi không còn nhìn thấy bà nữa. Người ta bảo bà mất rồi. Bà ra đi vì quá đau buồn khi mất đi động lực duy nhất có thể bám víu để cố gắng. Bà đã vin vào con mà giữ gìn hơi thở lâu nhất có thể để lắng lo. Con trai bà đã mất trước bà cách đó không lâu trong một cơn suyễn đột ngột…
Bà là một người mẹ cả một đời không có lấy được một ngày thảnh thơi. Cuộc mưu sinh và “gánh con” như một tảng đá đè lên ngực. Nhưng có lẽ những khổ nhọc ấy không thể nặng nề và đau đớn bằng nỗi đau khi bà nhận được tin báo con mất. Bà đã phải trải qua những ngày khủng hoảng nhất trong suốt bao nhiêu năm qua. Ngày trút được “gánh con” cũng là ngày bà phải trút đi mục đích của cuộc hành trình mang tên đời người.
…
Và cũng trên con phố cũ đó, tôi nhớ đến chị. Chị dừng lại thanh xuân của mình mãi mãi ở tuổi 22 sau một chuyến thử thách bản thân với trò nhảy dù đầy mạo hiểm.
Mẹ chị chết nửa con người vào ngày nhận hung tin. Sáu năm sau sự ra đi của chị, mẹ chị vẫn chưa thể hoàn toàn gượng dậy được. Có lẽ người con trai duy nhất còn lại là động lực níu kéo bà quay lại với cuộc sống này.
Chúng tôi không dám nhắc về chị, không dám đến nhà chị vì sợ bà nhìn thấy lại đau lòng thêm. Bà thường hỏi năm nay chúng tôi bao nhiêu tuổi và rồi lại khóc. Tuổi 22 của chúng tôi cách chị cả một cuộc đời. Tuổi 22 của chúng tôi khác chị ở hạnh phúc của một người mẹ được nhìn thấy con tốt nghiệp ra trường, tìm được bạn đồng hành.
Tuổi 22 của chúng tôi đã chứng kiến nỗi đau của một người mẹ mất con.
Sự nhớ nhung, bi thương ấy có lẽ sẽ còn đeo đẳng bà suốt một chặng đời dài dằng dặc phía trước. Tôi chợt nghĩ, nếu không có anh trai chị, mẹ chị có lẽ đã không thể trụ lại được. Dáng vóc, hình hài, hơi ấm, tiếng nói cười thân thuộc hai mươi hai năm, nói biến mất là mất một cách dễ dàng như thể chưa từng hiện diện qua…
Nỗi đau ấy không gì có thể bù đắp cho bằng hết được.
…
Tôi đã từng chứng kiến nhiều sự ra đi của những người con, để lại những khoảng trống trong lòng đấng sinh thành. Sự thẫn thờ, đờ đẫn, ngây dại của những người mẹ tiễn con ra đi khi tóc còn xanh khiến cho bầu trời những ngày đó u ám hơn bao giờ.
Thời gian dẫu có phủ mờ lên năm tháng nhưng mỗi khi tết đến, viếng mộ con, lau bụi lên nụ cười mà thân xác đã vĩnh viễn nằm sâu dưới lòng đất lạnh thì vết thương năm cũ lại được thế trở mình đau nhức.
Vì thế, những đứa con có ngỗ nghịch, có ruồng rẫy và phụ bạc mẹ cha thì với những người làm cha mẹ ấy, miễn là chúng còn hiện diện trên đời này thì nỗi khổ tâm ấy chẳng đáng là bao. “Chỉ cần còn nhìn thấy là còn thấy vui, nếu nó mất rồi bỗng mình thành cô độc”.
Tôi đã từng uất ức dùm những người mẹ bạc phận có những đứa con lớn lên chỉ biết mang vác nợ nần về. “Gánh con” cả mười tám, hai mươi năm nặng nhọc, giờ lại gánh cháu, gánh nợ thay con. Nhưng lòng mẹ bao la, có giận cách mấy thì nước mắt cũng chỉ chảy xuôi. Rồi lại mủi lòng kéo chúng về bao bọc những sai lầm, nông nỗi, ngỗ ngược của con. “Con dại, cái mang” là vậy.
Gánh con – mẹ gánh một đời
Gánh mẹ – con gánh (sao) buông lời thở than!
LẠC NHIÊN