ĐÊM GIAO THỪA CỦA MẸ
ĐÊM GIAO THỪA CỦA MẸ
23h Ba mươi Tết.
Tiếng xe ôtô thắng kịt trước cửa nhà bà cụ hàng xóm khi cả nhà tôi đang quây quần trước sân chờ bánh tét chín để cúng giao thừa. Mẹ tôi nói: “chắc thằng Hưng về, cả năm trời không thấy mặt nó”. Bà Sáu đi từ trong nhà ra, mừng rỡ và đon đả đón con trai về chơi Tết. Tôi nghe loáng thoáng tiếng bà nói: “Ăn cơm nghen con”.
Mẹ tôi bảo sáng nghe thằng Hưng điện bảo tối nay sẽ về, bà Sáu chạy qua khoe với mẹ rồi vội đi chợ cả buổi sáng để làm cơm tối. Bà vội vội vàng vàng mua hai chậu cúc cuối ngày 30 đã nở toe toét chưng trước nhà cho con nó vui. Năm ngoái khi tôi sang biếu bà cặp bánh Tét ăn tết, nhà chẳng có gì ngoài ấm trà và mấy cục kẹo thèo lèo trong câu nói buồn rũ rượi “Bày biện nhiều cũng chẳng có ai ngó”. Chân bước ra về mà lòng tôi cứ nấn ná mãi ở chiếc bàn đơn điệu ngày Tết ấy vì ánh mắt xa xăm đầy cô đơn của bà. Gió tết lay lay mái tóc bạc trắng hơn nửa ấy, lùa cay lòng đôi mắt già nua in bóng gốc mai già chẳng có lấy một nụ hoa vì chẳng có người tuốt lá hôm rằm tháng Chạp.
Ở những vùng nông thôn như quê tôi, thế hệ trẻ lớn lên hầu hết đều rời gia đình lên các thành phố lớn để học hành hoặc làm ăn. Những xóm nhìn quanh quẩn chỉ thấy người già chẳng biết tự bao giờ mà “mọc” lên nhiều dần. Mỗi đợt lễ, tết, tôi về thăm nhà, có đôi khi tôi bắt gặp nhiều gương mặt đượm buồn vì đợi chờ, mà không dám gọi cho con vì sợ chúng đều đang bận rộn hoặc chúng cũng chẳng dư dả nhiều để về. Cuộc sống thật chẳng dễ dàng gì.
Có rất nhiều ngày ba mươi như ngày hôm nay, nhiều bà mẹ không có được may mắn mỗi năm sum vầy cùng đầy đủ con cái. Những cơn gió chướng ùa về lạnh cả cái nắng lưa thưa ngoài phố, trời trở mùa, tiếng ho đêm đôi khi lại trở thành thanh âm thường trực nhất trong Tết.
Dẫu biết rằng mỗi đứa trẻ sinh ra, lớn lên, rời xa vòng tay gia đình là quy luật kiến tạo cuộc sống con người, nhưng vẫn không khỏi chạnh lòng khi nghĩ về những cái Tết thế này.
Cuộc sống cứ cuốn chúng ta đi về muôn phương ngàn hướng, mỗi người chúng ta lớn lên có gia đình nhỏ, sống với nhiều vai trò và bận rộn hơn, nhiều mối quan tâm hơn. Khoảng thời gian chúng ta dành cho ba mẹ cũng trở nên hạn hẹp dần. Có thể chúng ta không để ý đến thời gian, nhưng chắc chắn đã hơn một lần dự định gọi về nhà nhưng rồi lại bị cuốn vào công việc mà trôi tuột đi vài tháng.
Tết đến, khi niềm háo hức của tuổi trẻ, tuổi nhỏ với một cái tết náo nhiệt, ồn ào đã qua đi, có lẽ chúng ta chẳng cầu mong điều gì to tát, chỉ ước sẽ có nhiều thời gian để quay về làm đứa trẻ chẳng vương vấn phiền lo của mẹ. Một mâm cơm nhỏ, một đêm ngon giấc ở căn nhà của ba mẹ sẽ ru êm những nếp nhăn trên vầng trán, sẽ dịu đi bao khắc khoải đợi chờ.
Tết giản đơn vậy thôi là đã đủ đầy hạnh phúc.
Khi những nụ mai đầu tiên đón nắng nở vàng ươm, khi tiếng còi xe trên khắp nẻo đường kêu rát thúc giục bước chân người về, cũng là lúc có vô vàn ánh mắt đầy hi vọng ở các xóm “người già” chớp nháy long lanh…
Nắng chiều vàng vọt bên hiên
Mẹ đưa mắt ngóng xa xăm phía cổng
Tết đang về trong những ngày gió lộng
Có đứa con nào ghé thăm không?
Về đi con, mẹ làm mâm cơm nóng
Rau luộc, thịt kho món con thích còn gì
Về đi con, chẳng cần lo nghĩ
Chỉ ngồi ăn thôi mẹ gánh cả bầu trời
Về đi con, mẹ quặn lòng mong đợi
Đôi ba ngày chẳng lâu mấy đâu con
Về đi con, căn phòng mẹ đã dọn
Thay chiếu mền, thay gối mới thơm tho
Về đi con, mẹ chẳng muốn nằm co
Căn nhà trống đói hơi người lạnh lắm
Về đi con, vỗ giấc mơ nồng ấm
Tết chỉ vậy thôi mà mắt mẹ cười…
(Tết rồi, về đi con – thơ Lạc Nhiên)
LẠC NHIÊN
23h Ba mươi Tết.
Tiếng xe ôtô thắng kịt trước cửa nhà bà cụ hàng xóm khi cả nhà tôi đang quây quần trước sân chờ bánh tét chín để cúng giao thừa. Mẹ tôi nói: “chắc thằng Hưng về, cả năm trời không thấy mặt nó”. Bà Sáu đi từ trong nhà ra, mừng rỡ và đon đả đón con trai về chơi Tết. Tôi nghe loáng thoáng tiếng bà nói: “Ăn cơm nghen con”.
Mẹ tôi bảo sáng nghe thằng Hưng điện bảo tối nay sẽ về, bà Sáu chạy qua khoe với mẹ rồi vội đi chợ cả buổi sáng để làm cơm tối. Bà vội vội vàng vàng mua hai chậu cúc cuối ngày 30 đã nở toe toét chưng trước nhà cho con nó vui. Năm ngoái khi tôi sang biếu bà cặp bánh Tét ăn tết, nhà chẳng có gì ngoài ấm trà và mấy cục kẹo thèo lèo trong câu nói buồn rũ rượi “Bày biện nhiều cũng chẳng có ai ngó”. Chân bước ra về mà lòng tôi cứ nấn ná mãi ở chiếc bàn đơn điệu ngày Tết ấy vì ánh mắt xa xăm đầy cô đơn của bà. Gió tết lay lay mái tóc bạc trắng hơn nửa ấy, lùa cay lòng đôi mắt già nua in bóng gốc mai già chẳng có lấy một nụ hoa vì chẳng có người tuốt lá hôm rằm tháng Chạp.
Ở những vùng nông thôn như quê tôi, thế hệ trẻ lớn lên hầu hết đều rời gia đình lên các thành phố lớn để học hành hoặc làm ăn. Những xóm nhìn quanh quẩn chỉ thấy người già chẳng biết tự bao giờ mà “mọc” lên nhiều dần. Mỗi đợt lễ, tết, tôi về thăm nhà, có đôi khi tôi bắt gặp nhiều gương mặt đượm buồn vì đợi chờ, mà không dám gọi cho con vì sợ chúng đều đang bận rộn hoặc chúng cũng chẳng dư dả nhiều để về. Cuộc sống thật chẳng dễ dàng gì.
Có rất nhiều ngày ba mươi như ngày hôm nay, nhiều bà mẹ không có được may mắn mỗi năm sum vầy cùng đầy đủ con cái. Những cơn gió chướng ùa về lạnh cả cái nắng lưa thưa ngoài phố, trời trở mùa, tiếng ho đêm đôi khi lại trở thành thanh âm thường trực nhất trong Tết.
Dẫu biết rằng mỗi đứa trẻ sinh ra, lớn lên, rời xa vòng tay gia đình là quy luật kiến tạo cuộc sống con người, nhưng vẫn không khỏi chạnh lòng khi nghĩ về những cái Tết thế này.
Cuộc sống cứ cuốn chúng ta đi về muôn phương ngàn hướng, mỗi người chúng ta lớn lên có gia đình nhỏ, sống với nhiều vai trò và bận rộn hơn, nhiều mối quan tâm hơn. Khoảng thời gian chúng ta dành cho ba mẹ cũng trở nên hạn hẹp dần. Có thể chúng ta không để ý đến thời gian, nhưng chắc chắn đã hơn một lần dự định gọi về nhà nhưng rồi lại bị cuốn vào công việc mà trôi tuột đi vài tháng.
Tết đến, khi niềm háo hức của tuổi trẻ, tuổi nhỏ với một cái tết náo nhiệt, ồn ào đã qua đi, có lẽ chúng ta chẳng cầu mong điều gì to tát, chỉ ước sẽ có nhiều thời gian để quay về làm đứa trẻ chẳng vương vấn phiền lo của mẹ. Một mâm cơm nhỏ, một đêm ngon giấc ở căn nhà của ba mẹ sẽ ru êm những nếp nhăn trên vầng trán, sẽ dịu đi bao khắc khoải đợi chờ.
Tết giản đơn vậy thôi là đã đủ đầy hạnh phúc.
Khi những nụ mai đầu tiên đón nắng nở vàng ươm, khi tiếng còi xe trên khắp nẻo đường kêu rát thúc giục bước chân người về, cũng là lúc có vô vàn ánh mắt đầy hi vọng ở các xóm “người già” chớp nháy long lanh…
Nắng chiều vàng vọt bên hiên
Mẹ đưa mắt ngóng xa xăm phía cổng
Tết đang về trong những ngày gió lộng
Có đứa con nào ghé thăm không?
Về đi con, mẹ làm mâm cơm nóng
Rau luộc, thịt kho món con thích còn gì
Về đi con, chẳng cần lo nghĩ
Chỉ ngồi ăn thôi mẹ gánh cả bầu trời
Về đi con, mẹ quặn lòng mong đợi
Đôi ba ngày chẳng lâu mấy đâu con
Về đi con, căn phòng mẹ đã dọn
Thay chiếu mền, thay gối mới thơm tho
Về đi con, mẹ chẳng muốn nằm co
Căn nhà trống đói hơi người lạnh lắm
Về đi con, vỗ giấc mơ nồng ấm
Tết chỉ vậy thôi mà mắt mẹ cười…
(Tết rồi, về đi con – thơ Lạc Nhiên)
LẠC NHIÊN