ĐỂ CON ĐƯỢC “HƯỚNG NGOẠI”
ĐỂ CON ĐƯỢC “HƯỚNG NGOẠI”
Chị mải miết đi tìm “niềm vui sống của cuộc đời”. Chị có một công việc mà bao người ao ước, một người chồng đẹp trai và có ý chí vươn lên, hai đứa con chăm ngoan, học giỏi và một tâm hồn trống rỗng. Cuộc đời chị là một chuỗi ngày lên kế hoạch, hành động, đạt được và buồn chán. Chị mô tả cuộc đời mình tẻ nhạt và quay vòng. Có những ngày lang thang trên đường phố tấp nập, nhìn thấy những cô gái trẻ tự tin thể hiện bản thân mình: Nhuộm những màu tóc mà cha mẹ chị từng nói là “chẳng giống ai”; Mặc những bộ quần áo đủ màu sắc và kiểu dáng, khác hẳn với chiếc áo sơ mi cứng nhắc trên người chị. Chị thèm được cười một cách hớn hở như vậy, chị khao khát được khóc thật to khi buồn, nhưng chị không thể làm điều đó vì chị là một cô gái chuẩn mực và lễ nghi. Ba mẹ đã rèn dũa cho chị một tính cách hoàn mỹ…
Khắc nghiệt là yêu thương chưa phù hợp
Tôi gặp và trò chuyện với một vài người có thời thơ ấu được nuôi dạy trong môi trường khắc nghiệt. Gọi là khắc nghiệt bởi vì đằng sau lớp mặt nạ kỷ luật là những quy tắc cứng nhắc, những niềm tin liên thế hệ lỗi thời không thể xóa bỏ, cả những phương pháp giáo dục bằng đòn roi và chỉ trích. Cha mẹ họ có thương họ không? Không mảy may nghi ngờ và do dự, họ nói “Có!” Bởi lẽ nếu không yêu thương, cha mẹ đâu vất vả lao động kiếm tiền để dành những điều tốt đẹp nhất cho họ. Nếu không thương yêu, cha mẹ đâu mất thời gian và tâm trí để canh chừng những đứa con không đi lệch ra khỏi những khuôn mẫu xã hội. Có lẽ, ẩn dưới những hành vi quá kỷ luật ấy là những nỗi lo lắng và hy vọng. Lo con mình sẽ trở thành tâm điểm chỉ trích của xã hội – nơi mà ai cũng có quyền được tự do bình luận và phán xét những gì lệch ra khỏi chuẩn mực đám đông. Hy vọng con mình sẽ được người ta yêu thương và tán thưởng, như cách mà cha mẹ hài lòng khi nhìn thấy con mang thành tích rực rỡ về nhà.
Hành trang – những khuôn mẫu mà ba mẹ chuẩn bị nặng dần theo năm tháng, càng trường thành thì những đứa con càng thấy trĩu nặng đôi vai. Họ – những người thành công trong lĩnh vực của mình lại chưa bao giờ thấy đủ đầy và hạnh phúc. Sự trống rỗng và mơ hồ là những cảm xúc thường trực trong cuộc đời. Chị nói với tôi rằng chị không biết vì sao khi người khác đạt được những gì mà chị cũng đã có thì họ cười rạng rỡ đến vậy, trong khi chị chỉ thấy đó là điều hiển nhiên, nhàm chán. Chị mải mê đi tìm niềm vui sống của mình và nhận ra điều đó thật vô thường. Chị nhận ra những quy chuẩn mà gia đình và xã hội đã mài mòn cá tính của mình và rồi đưa ra một quyết định “trọng đại”, không phải cho chị, mà cho đứa con của chị trong tương lai.
Ngược với khắc nghiệt đừng là dễ dãi
“Chị sẽ là một người mẹ khác hoàn toàn với ba mẹ chị, chị sẽ cho con chị sống một cuộc sống không đè nén và áp lực”. Định nghĩa không đè nén và áp lực của chị là bảo bọc và yêu thương không giới hạn. Chị sẽ thay con gánh thêm những quy tắc và luật lệ mà đám đông quy định. Đứa trẻ tương lai chỉ cần sống và làm những gì nó thích mà không có sự can thiệp của cha mẹ. Thoạt nghe ta tưởng tượng ra một môi trường sống tự do và năng động, thế nhưng trái với khắc nghiệt không phải là dễ chịu và không có sự dẫn dắt. Khi cha mẹ cho con một mình đối mặt với khoảng không gian rộng lớn khi con chưa có nhiều kỹ năng thì đứa trẻ rất dễ bị ngột ngạt và mất định hướng.
Đứa trẻ tập tễnh va chạm với cuộc sống cần được cha mẹ xây dựng những nguyên tắc “mỏng, nhẹ” xung quanh con, hỗ trợ con khám phá thế giới xung quanh một cách hiệu quả và an toàn. Lấy ví dụ con muốn được cầm bình sữa và tự uống, cha mẹ không nên sợ con bị bỏng mà thay vào đó là làm cho phần sữa nóng dịu lại và hướng dẫn con tiếp xúc, làm quen với nhiệt độ nước, cầm bình sữa đúng cách… Nguyên tắc “mỏng, nhẹ” có nghĩa là nó có thể được phá vỡ khi con đã khám phá và đưa ra những cảm nhận cho riêng mình. Chẳng hạn khi con đến độ tuổi hướng nghiệp, lựa chọn ngành nghề – đây là lúc cha mẹ để con tự chọn lựa vai trò giới mà con mong muốn, bỏ đi những thiên kiến về giới “Công việc công nghệ lắp ráp không dành cho phụ nữ; May vá thêu thùa không dành cho đàn ông”. Bên cạnh đó, những giới hạn mà cha mẹ đặt ra cho con cũng rất quan trọng, tùy vào giai đoạn trưởng thành của con mà cha mẹ và con cùng nhau thiết lập ranh giới trong hoạt động khám phá. Cha mẹ cần nghiêm túc nhìn nhận khả năng của con, phát triển điểm mạnh và hỗ trợ con cải thiện những điều chưa đạt được.
Từ trải nghiệm cha mẹ đến niềm vui của con
Cha mẹ để con được hướng ngoại – khám phá thế giới bên ngoài gia đình. Những trải nghiệm thời thơ ấu của người lớn dù là hạnh phúc hay đau khổ cũng không phải và không nên là nguyên nhân khiến cha mẹ có những phong cách giáo dục con không phù hợp. Để đánh giá được sự hiệu quả trong việc hỗ trợ và nâng đỡ con, hãy hỏi đứa trẻ của mình “Con cảm thấy như thế nào?” và lắng nghe nhu cầu của trẻ. Hãy tin những điều con nói vì chính bản thân chúng mới biết được mình đang trải nghiệm những gì. Và bởi vì trái ngược với khắc nghiệt là thấu hiểu và bao dung!
HUYỀN TRANG
Chị mải miết đi tìm “niềm vui sống của cuộc đời”. Chị có một công việc mà bao người ao ước, một người chồng đẹp trai và có ý chí vươn lên, hai đứa con chăm ngoan, học giỏi và một tâm hồn trống rỗng. Cuộc đời chị là một chuỗi ngày lên kế hoạch, hành động, đạt được và buồn chán. Chị mô tả cuộc đời mình tẻ nhạt và quay vòng. Có những ngày lang thang trên đường phố tấp nập, nhìn thấy những cô gái trẻ tự tin thể hiện bản thân mình: Nhuộm những màu tóc mà cha mẹ chị từng nói là “chẳng giống ai”; Mặc những bộ quần áo đủ màu sắc và kiểu dáng, khác hẳn với chiếc áo sơ mi cứng nhắc trên người chị. Chị thèm được cười một cách hớn hở như vậy, chị khao khát được khóc thật to khi buồn, nhưng chị không thể làm điều đó vì chị là một cô gái chuẩn mực và lễ nghi. Ba mẹ đã rèn dũa cho chị một tính cách hoàn mỹ…
Khắc nghiệt là yêu thương chưa phù hợp
Tôi gặp và trò chuyện với một vài người có thời thơ ấu được nuôi dạy trong môi trường khắc nghiệt. Gọi là khắc nghiệt bởi vì đằng sau lớp mặt nạ kỷ luật là những quy tắc cứng nhắc, những niềm tin liên thế hệ lỗi thời không thể xóa bỏ, cả những phương pháp giáo dục bằng đòn roi và chỉ trích. Cha mẹ họ có thương họ không? Không mảy may nghi ngờ và do dự, họ nói “Có!” Bởi lẽ nếu không yêu thương, cha mẹ đâu vất vả lao động kiếm tiền để dành những điều tốt đẹp nhất cho họ. Nếu không thương yêu, cha mẹ đâu mất thời gian và tâm trí để canh chừng những đứa con không đi lệch ra khỏi những khuôn mẫu xã hội. Có lẽ, ẩn dưới những hành vi quá kỷ luật ấy là những nỗi lo lắng và hy vọng. Lo con mình sẽ trở thành tâm điểm chỉ trích của xã hội – nơi mà ai cũng có quyền được tự do bình luận và phán xét những gì lệch ra khỏi chuẩn mực đám đông. Hy vọng con mình sẽ được người ta yêu thương và tán thưởng, như cách mà cha mẹ hài lòng khi nhìn thấy con mang thành tích rực rỡ về nhà.
Hành trang – những khuôn mẫu mà ba mẹ chuẩn bị nặng dần theo năm tháng, càng trường thành thì những đứa con càng thấy trĩu nặng đôi vai. Họ – những người thành công trong lĩnh vực của mình lại chưa bao giờ thấy đủ đầy và hạnh phúc. Sự trống rỗng và mơ hồ là những cảm xúc thường trực trong cuộc đời. Chị nói với tôi rằng chị không biết vì sao khi người khác đạt được những gì mà chị cũng đã có thì họ cười rạng rỡ đến vậy, trong khi chị chỉ thấy đó là điều hiển nhiên, nhàm chán. Chị mải mê đi tìm niềm vui sống của mình và nhận ra điều đó thật vô thường. Chị nhận ra những quy chuẩn mà gia đình và xã hội đã mài mòn cá tính của mình và rồi đưa ra một quyết định “trọng đại”, không phải cho chị, mà cho đứa con của chị trong tương lai.
Ngược với khắc nghiệt đừng là dễ dãi
“Chị sẽ là một người mẹ khác hoàn toàn với ba mẹ chị, chị sẽ cho con chị sống một cuộc sống không đè nén và áp lực”. Định nghĩa không đè nén và áp lực của chị là bảo bọc và yêu thương không giới hạn. Chị sẽ thay con gánh thêm những quy tắc và luật lệ mà đám đông quy định. Đứa trẻ tương lai chỉ cần sống và làm những gì nó thích mà không có sự can thiệp của cha mẹ. Thoạt nghe ta tưởng tượng ra một môi trường sống tự do và năng động, thế nhưng trái với khắc nghiệt không phải là dễ chịu và không có sự dẫn dắt. Khi cha mẹ cho con một mình đối mặt với khoảng không gian rộng lớn khi con chưa có nhiều kỹ năng thì đứa trẻ rất dễ bị ngột ngạt và mất định hướng.
Đứa trẻ tập tễnh va chạm với cuộc sống cần được cha mẹ xây dựng những nguyên tắc “mỏng, nhẹ” xung quanh con, hỗ trợ con khám phá thế giới xung quanh một cách hiệu quả và an toàn. Lấy ví dụ con muốn được cầm bình sữa và tự uống, cha mẹ không nên sợ con bị bỏng mà thay vào đó là làm cho phần sữa nóng dịu lại và hướng dẫn con tiếp xúc, làm quen với nhiệt độ nước, cầm bình sữa đúng cách… Nguyên tắc “mỏng, nhẹ” có nghĩa là nó có thể được phá vỡ khi con đã khám phá và đưa ra những cảm nhận cho riêng mình. Chẳng hạn khi con đến độ tuổi hướng nghiệp, lựa chọn ngành nghề – đây là lúc cha mẹ để con tự chọn lựa vai trò giới mà con mong muốn, bỏ đi những thiên kiến về giới “Công việc công nghệ lắp ráp không dành cho phụ nữ; May vá thêu thùa không dành cho đàn ông”. Bên cạnh đó, những giới hạn mà cha mẹ đặt ra cho con cũng rất quan trọng, tùy vào giai đoạn trưởng thành của con mà cha mẹ và con cùng nhau thiết lập ranh giới trong hoạt động khám phá. Cha mẹ cần nghiêm túc nhìn nhận khả năng của con, phát triển điểm mạnh và hỗ trợ con cải thiện những điều chưa đạt được.
Từ trải nghiệm cha mẹ đến niềm vui của con
Cha mẹ để con được hướng ngoại – khám phá thế giới bên ngoài gia đình. Những trải nghiệm thời thơ ấu của người lớn dù là hạnh phúc hay đau khổ cũng không phải và không nên là nguyên nhân khiến cha mẹ có những phong cách giáo dục con không phù hợp. Để đánh giá được sự hiệu quả trong việc hỗ trợ và nâng đỡ con, hãy hỏi đứa trẻ của mình “Con cảm thấy như thế nào?” và lắng nghe nhu cầu của trẻ. Hãy tin những điều con nói vì chính bản thân chúng mới biết được mình đang trải nghiệm những gì. Và bởi vì trái ngược với khắc nghiệt là thấu hiểu và bao dung!
HUYỀN TRANG