NUÔI MỘT NGƯỜI MẸ TỐN BAO NHIÊU TIỀN
NUÔI MỘT NGƯỜI MẸ TỐN BAO NHIÊU TIỀN
Tháng Mười đến, đêm rượt đuổi ngày trôi qua chóng vánh. Công ty đang phát quà cáp, mở tiệc tùng cho các chị em nhân ngày phụ nữ Việt Nam. Năm nay mỗi chị em được một phong bao lì xì. Trong khi tôi đang nghĩ là nên ghé cửa hàng nào để mua một cái đầm mới, thì hai bà mẹ trẻ lại bàn tán tíu tít xem mua cho con cái gì. Tôi chợt nhớ đến những ngày còn nhỏ được đi chợ cùng mẹ. Các bà mẹ của chúng ta, đều lo nghĩ hệt như nhau.
Ngày mẹ sinh con ra đời, dù là ngày gió mưa thì đó cũng là một ngày tuyệt vời và hạnh phúc. Mẹ nuôi con bằng tất cả vốn liếng của đời mình. Con thành hình từ máu thịt của mẹ, lớn khôn từ những giọt mồ hôi của mẹ.
Mẹ nuôi con mẹ tính toán hết. Tháng này lương có bao nhiêu, tiền cho con luôn là cái gạch đầu dòng đầu tiên trong cuốn sổ chi tiêu của mẹ. Tháng này có thêm được một khoản nào để mua cho con cái áo mới, món đồ chơi mới hay không. Tháng này, phải bớt tiền ăn sáng của hai vợ chồng, vì con cần tiền đóng học phí, mua một đôi giày mới. Tháng này, mẹ thôi khoan mua cái áo khoác mới, vì con cần tiền để đi dã ngoại với bạn bè…
Mẹ nuôi con, mẹ tính như vậy đấy, suốt bao năm trời, mẹ đều tính toán cả. Vậy thì, khi con lớn khôn, con nuôi được mẹ rồi, con sẽ tính như thế nào?
Từ nhỏ, khi xem những phóng sự tại những quán ăn từ thiện ở Sài Gòn, tôi bị ám ảnh bởi những người già, cứ đến bữa lại đi bộ đến quán ăn từ thiện. Có người phải đi bộ cả ba, bốn cây số, vì xa quá nên chỉ có thể đi một lần trong ngày và cố ăn thật no. Nhiều trong số những người già ấy đều có con cháu cả. Và rất nhiều người có không dưới ba đứa con. Từ những phóng sự ấy, tôi bắt đầu quan sát những người già ở xung quanh mình.
Bà có cả thảy sáu người con. Ba trai, ba gái, tẻ nếp đề huề, cháu nội cháu ngoại cũng không hề thiếu. Lời chúc “con đàn cháu đống” năm xưa của họ hàng ngẫm cũng đã ứng nghiệm. Những tưởng cuộc sống của bà lúc tuổi về chiều sẽ nhàn hạ vì con cái đứa nào cũng có tiền của. Ấy vậy mà, cuối đời bà sống một mình, đơn độc trong cái nhà rách nát (mà thật ra nó chỉ là cái kho để chứa đồ đạc làm vườn đằng sau căn nhà lớn bà đã chia cho đứa con trai đầu).
Sau khi bà chia hết đất đai và nhà cửa cho các con thì bà “được” dọn về cái nhà kho này. Mỗi ngày được gia đình thằng con trai phát hai chén cơm như chén cơm thừa. Đau lòng mà nói, đến con chó cưng mình cho ăn vậy nó còn chê. Mấy đứa con khác thì “hiếu thảo” bảo rằng “mẹ cho anh hai căn nhà thì anh hai nuôi mẹ”. Nuôi một người mẹ đối với sáu đứa con, chắc là phải tốn một khoản tiền rất lớn?
Nhưng có lẽ bà vẫn là trường hợp còn nhiều may mắn lắm.
Tôi nhớ trong kí ức của mình, có bà cụ mà mỗi khi tình cờ gặp, mẹ tôi hay gửi bà một ít tiền quà bánh. Mỗi ngày, bà đi bộ ba cây số lên chợ thị trấn chỉ để bán đúng hai cây chổi dừa mà bà hì hục bó cả ngày hôm trước. Rồi bà mua về một con cá biển thiếu điều sắp ươn, một ngày thuốc huyết áp không hề có đơn bác sĩ. Bà cũng là một người mẹ và các con của bà đều còn sống.
Tôi còn nhớ, có một bà cụ được người ta phát hiện đã chết dưới một cái mương nước sát bên nhà, trong một chiều mưa tầm tã. Thằng con trai say xỉn về vòi tiền, đập phá đồ đạc và đánh cả mẹ mình. Hắn không đòi được tiền nên quăng hết mấy tàu dừa của bà xuống mương, số củi đó bà đã phải đi xin và mót trong vườn nhà người ta để bán kiếm tiền cơm mỗi ngày.
Tôi nhớ trong kí ức của mình, viện dưỡng lão nghèo đầy kín người, mỗi người có một chiếc giường bằng đá lạnh toát. Nó như một chiếc băng ca cố định, vừa đủ một người nằm. Có vòi nước gắn ở mỗi chiếc giường. Ngay chỗ đặt mông lên sẽ là bồn toilet, bình thường thì sẽ được đậy tạm lại bằng miếng nhựa hoặc ván ép, để người có thể nằm lên.
Những người còn khỏe, tự đi đứng được thì sẽ tự vệ sinh tắm rửa ở ngoài. Những cụ yếu hơn, không tự chăm sóc được thì sẽ có người hỗ trợ, tắm rửa và vệ sinh tại giường. Không gian sống của họ, chìm ngập trong mùi khăm khẳm của chất thải, màu xám xịt của những nỗi buồn giông giống nhau.
Khi có một đoàn người nào đó vào thăm, không khí mới tươi mới hơn được một chút. Vào khoảnh khắc đó, họ như những cái cây được sống lại sau một trận mưa rào. Nhưng rồi cơn mưa cũng sẽ qua mau.
Tôi nhớ cái nắm tay của một bà cụ, tiếng bà thì thào lúc chúng tôi chuẩn bị về. Bà nhìn về phía chiếc giường trống trước mặt và trầm ngâm nói: “Hàng xóm của bà đó, tối hôm bà ấy đi rồi”. Ánh mắt gần như tuyệt vọng của bà khiến tôi cảm giác như thể bà ước rằng, ngày mai, bà cũng có thể ra đi như người bạn của mình.
Nhiều người đến và qua đời trong lạnh lẽo ở những viện dưỡng lão thế này. Đôi mắt họ cố chờ một người thân đến vuốt mặt cho an lòng nhưng rất ít người có thể đợi được. Những đứa con của họ, phần nhiều là còn sống.
Tôi vẫn thường thấy những bà mẹ nằm vất vưởng dưới hiên nhà người. Trời nóng thì còn khô ráo, trời mưa thì chỉ có cách mặc áo mưa chờ trời sáng. Có người đi ăn xin, có người bán vé số. Họ cũng có những đứa con, và chúng đều còn sống.
Cho đến bây giờ, những hình ảnh đau lòng ấy vẫn tồn tại. Những người mẹ đáng thương vẫn đang sống lay lắt nhờ vào sự thương hại, đồng cảm của xã hội. Có những chuyến chúng tôi đi làm từ thiện, người hàng xóm còn dặn khẽ rằng chỉ nên đưa đồ ăn, đừng đưa tiền vì sau khi chúng tôi về, những đứa con kia lại đến lấy đi mất. Tiền vốn đã tanh, nhưng chắc chẳng tanh bằng lòng người lạnh bạc.
Tất cả những người mẹ đã từng hạnh phúc ấy đều “đã từng” có con cái và chúng vẫn còn sống, vậy mà về già, họ lại thành ra neo đơn. “Người già neo đơn” – cụm từ ấy tôi cho rằng nó như một vết dao cứa nát trái tim những người mẹ.
Câu hỏi đặt ra là, con cái cho dù nghèo cỡ nào nhưng đến một tô cháo hành mà không lo được cho cha mẹ thì sự ra đời của đứa con ấy, chẳng phải đã sai lầm ngay từ đầu sao? Nuôi một người mẹ tốn đến bao nhiêu tiền?
Giả như tất cả những đứa con ấy đều nghèo, mẹ già phải phụ kiếm tiền mưu sinh thì có lẽ không bàn cãi. Nhưng hầu như những trường hợp nghèo ấy, họ đều rau cháo nuôi nhau được cả. Vậy hoá ra, kẻ có tiền mới mới là kẻ đong đếm thiệt hơn?
Tôi chỉ làm một phép tính đơn giản cho những đứa con có thu nhập trung bình ở thành phố. Mỗi bữa cơm bình dân bây giờ là 20 nghìn đồng, mỗi ngày ba bữa. Vị chi mỗi tháng chỉ có khoảng chưa đến hai triệu đồng. Vậy thì chỉ cần nhịn vài bữa nhậu hoặc nhìn vài lần ăn nhà hàng, hoặc nhịn mua một cái áo, một đôi giày mới cũng đã đủ cho mẹ rồi. Đấy là ở thành phố, thôn quê thì chi phí sinh hoạt còn rẻ hơn nữa.
Người có lòng thì khó khăn cách mấy họ cũng vun vén được hết. Kẻ bạc nghĩa thì tiền chất thành núi, họ cũng không thể thấy dư.
Hạnh phúc của một người mẹ là sinh ra được một đứa con khỏe mạnh, chân tay lành lặn. Hạnh phúc của một người mẹ là nhìn thấy con được sung sướng, đầy đủ, bình an mà lớn khôn. Hạnh phúc của một người mẹ là nuôi dạy được một đứa con nên người, sống có ích, tự lo được cho bản thân mình. Hạnh phúc của một người mẹ ở tuổi xế chiều là sự quan tâm của những đứa con.
Vậy hạnh phúc của một đứa con là gì? Không phải là có cha mẹ giàu mà là còn có cha mẹ để được báo hiếu. Cần gì đi lạy Phật ở đâu xa xôi, khi ngay cạnh mình vẫn còn có ba mẹ. Có cúng dường nhiều cỡ bao nhiêu mà ba bữa cơm cơ bản không lo được cho ba mẹ thì cũng vô nghĩa mà thôi.
Nuôi một đứa con, mẹ tính toán tới lui, khó khăn nhưng rồi cũng ổn. Vậy mà nuôi một người mẹ, cả đàn con sao tính mãi chẳng ra?
LẠC NHIÊN
Tháng Mười đến, đêm rượt đuổi ngày trôi qua chóng vánh. Công ty đang phát quà cáp, mở tiệc tùng cho các chị em nhân ngày phụ nữ Việt Nam. Năm nay mỗi chị em được một phong bao lì xì. Trong khi tôi đang nghĩ là nên ghé cửa hàng nào để mua một cái đầm mới, thì hai bà mẹ trẻ lại bàn tán tíu tít xem mua cho con cái gì. Tôi chợt nhớ đến những ngày còn nhỏ được đi chợ cùng mẹ. Các bà mẹ của chúng ta, đều lo nghĩ hệt như nhau.
Ngày mẹ sinh con ra đời, dù là ngày gió mưa thì đó cũng là một ngày tuyệt vời và hạnh phúc. Mẹ nuôi con bằng tất cả vốn liếng của đời mình. Con thành hình từ máu thịt của mẹ, lớn khôn từ những giọt mồ hôi của mẹ.
Mẹ nuôi con mẹ tính toán hết. Tháng này lương có bao nhiêu, tiền cho con luôn là cái gạch đầu dòng đầu tiên trong cuốn sổ chi tiêu của mẹ. Tháng này có thêm được một khoản nào để mua cho con cái áo mới, món đồ chơi mới hay không. Tháng này, phải bớt tiền ăn sáng của hai vợ chồng, vì con cần tiền đóng học phí, mua một đôi giày mới. Tháng này, mẹ thôi khoan mua cái áo khoác mới, vì con cần tiền để đi dã ngoại với bạn bè…
Mẹ nuôi con, mẹ tính như vậy đấy, suốt bao năm trời, mẹ đều tính toán cả. Vậy thì, khi con lớn khôn, con nuôi được mẹ rồi, con sẽ tính như thế nào?
Từ nhỏ, khi xem những phóng sự tại những quán ăn từ thiện ở Sài Gòn, tôi bị ám ảnh bởi những người già, cứ đến bữa lại đi bộ đến quán ăn từ thiện. Có người phải đi bộ cả ba, bốn cây số, vì xa quá nên chỉ có thể đi một lần trong ngày và cố ăn thật no. Nhiều trong số những người già ấy đều có con cháu cả. Và rất nhiều người có không dưới ba đứa con. Từ những phóng sự ấy, tôi bắt đầu quan sát những người già ở xung quanh mình.
Bà có cả thảy sáu người con. Ba trai, ba gái, tẻ nếp đề huề, cháu nội cháu ngoại cũng không hề thiếu. Lời chúc “con đàn cháu đống” năm xưa của họ hàng ngẫm cũng đã ứng nghiệm. Những tưởng cuộc sống của bà lúc tuổi về chiều sẽ nhàn hạ vì con cái đứa nào cũng có tiền của. Ấy vậy mà, cuối đời bà sống một mình, đơn độc trong cái nhà rách nát (mà thật ra nó chỉ là cái kho để chứa đồ đạc làm vườn đằng sau căn nhà lớn bà đã chia cho đứa con trai đầu).
Sau khi bà chia hết đất đai và nhà cửa cho các con thì bà “được” dọn về cái nhà kho này. Mỗi ngày được gia đình thằng con trai phát hai chén cơm như chén cơm thừa. Đau lòng mà nói, đến con chó cưng mình cho ăn vậy nó còn chê. Mấy đứa con khác thì “hiếu thảo” bảo rằng “mẹ cho anh hai căn nhà thì anh hai nuôi mẹ”. Nuôi một người mẹ đối với sáu đứa con, chắc là phải tốn một khoản tiền rất lớn?
Nhưng có lẽ bà vẫn là trường hợp còn nhiều may mắn lắm.
Tôi nhớ trong kí ức của mình, có bà cụ mà mỗi khi tình cờ gặp, mẹ tôi hay gửi bà một ít tiền quà bánh. Mỗi ngày, bà đi bộ ba cây số lên chợ thị trấn chỉ để bán đúng hai cây chổi dừa mà bà hì hục bó cả ngày hôm trước. Rồi bà mua về một con cá biển thiếu điều sắp ươn, một ngày thuốc huyết áp không hề có đơn bác sĩ. Bà cũng là một người mẹ và các con của bà đều còn sống.
Tôi còn nhớ, có một bà cụ được người ta phát hiện đã chết dưới một cái mương nước sát bên nhà, trong một chiều mưa tầm tã. Thằng con trai say xỉn về vòi tiền, đập phá đồ đạc và đánh cả mẹ mình. Hắn không đòi được tiền nên quăng hết mấy tàu dừa của bà xuống mương, số củi đó bà đã phải đi xin và mót trong vườn nhà người ta để bán kiếm tiền cơm mỗi ngày.
Tôi nhớ trong kí ức của mình, viện dưỡng lão nghèo đầy kín người, mỗi người có một chiếc giường bằng đá lạnh toát. Nó như một chiếc băng ca cố định, vừa đủ một người nằm. Có vòi nước gắn ở mỗi chiếc giường. Ngay chỗ đặt mông lên sẽ là bồn toilet, bình thường thì sẽ được đậy tạm lại bằng miếng nhựa hoặc ván ép, để người có thể nằm lên.
Những người còn khỏe, tự đi đứng được thì sẽ tự vệ sinh tắm rửa ở ngoài. Những cụ yếu hơn, không tự chăm sóc được thì sẽ có người hỗ trợ, tắm rửa và vệ sinh tại giường. Không gian sống của họ, chìm ngập trong mùi khăm khẳm của chất thải, màu xám xịt của những nỗi buồn giông giống nhau.
Khi có một đoàn người nào đó vào thăm, không khí mới tươi mới hơn được một chút. Vào khoảnh khắc đó, họ như những cái cây được sống lại sau một trận mưa rào. Nhưng rồi cơn mưa cũng sẽ qua mau.
Tôi nhớ cái nắm tay của một bà cụ, tiếng bà thì thào lúc chúng tôi chuẩn bị về. Bà nhìn về phía chiếc giường trống trước mặt và trầm ngâm nói: “Hàng xóm của bà đó, tối hôm bà ấy đi rồi”. Ánh mắt gần như tuyệt vọng của bà khiến tôi cảm giác như thể bà ước rằng, ngày mai, bà cũng có thể ra đi như người bạn của mình.
Nhiều người đến và qua đời trong lạnh lẽo ở những viện dưỡng lão thế này. Đôi mắt họ cố chờ một người thân đến vuốt mặt cho an lòng nhưng rất ít người có thể đợi được. Những đứa con của họ, phần nhiều là còn sống.
Tôi vẫn thường thấy những bà mẹ nằm vất vưởng dưới hiên nhà người. Trời nóng thì còn khô ráo, trời mưa thì chỉ có cách mặc áo mưa chờ trời sáng. Có người đi ăn xin, có người bán vé số. Họ cũng có những đứa con, và chúng đều còn sống.
Cho đến bây giờ, những hình ảnh đau lòng ấy vẫn tồn tại. Những người mẹ đáng thương vẫn đang sống lay lắt nhờ vào sự thương hại, đồng cảm của xã hội. Có những chuyến chúng tôi đi làm từ thiện, người hàng xóm còn dặn khẽ rằng chỉ nên đưa đồ ăn, đừng đưa tiền vì sau khi chúng tôi về, những đứa con kia lại đến lấy đi mất. Tiền vốn đã tanh, nhưng chắc chẳng tanh bằng lòng người lạnh bạc.
Tất cả những người mẹ đã từng hạnh phúc ấy đều “đã từng” có con cái và chúng vẫn còn sống, vậy mà về già, họ lại thành ra neo đơn. “Người già neo đơn” – cụm từ ấy tôi cho rằng nó như một vết dao cứa nát trái tim những người mẹ.
Câu hỏi đặt ra là, con cái cho dù nghèo cỡ nào nhưng đến một tô cháo hành mà không lo được cho cha mẹ thì sự ra đời của đứa con ấy, chẳng phải đã sai lầm ngay từ đầu sao? Nuôi một người mẹ tốn đến bao nhiêu tiền?
Giả như tất cả những đứa con ấy đều nghèo, mẹ già phải phụ kiếm tiền mưu sinh thì có lẽ không bàn cãi. Nhưng hầu như những trường hợp nghèo ấy, họ đều rau cháo nuôi nhau được cả. Vậy hoá ra, kẻ có tiền mới mới là kẻ đong đếm thiệt hơn?
Tôi chỉ làm một phép tính đơn giản cho những đứa con có thu nhập trung bình ở thành phố. Mỗi bữa cơm bình dân bây giờ là 20 nghìn đồng, mỗi ngày ba bữa. Vị chi mỗi tháng chỉ có khoảng chưa đến hai triệu đồng. Vậy thì chỉ cần nhịn vài bữa nhậu hoặc nhìn vài lần ăn nhà hàng, hoặc nhịn mua một cái áo, một đôi giày mới cũng đã đủ cho mẹ rồi. Đấy là ở thành phố, thôn quê thì chi phí sinh hoạt còn rẻ hơn nữa.
Người có lòng thì khó khăn cách mấy họ cũng vun vén được hết. Kẻ bạc nghĩa thì tiền chất thành núi, họ cũng không thể thấy dư.
Hạnh phúc của một người mẹ là sinh ra được một đứa con khỏe mạnh, chân tay lành lặn. Hạnh phúc của một người mẹ là nhìn thấy con được sung sướng, đầy đủ, bình an mà lớn khôn. Hạnh phúc của một người mẹ là nuôi dạy được một đứa con nên người, sống có ích, tự lo được cho bản thân mình. Hạnh phúc của một người mẹ ở tuổi xế chiều là sự quan tâm của những đứa con.
Vậy hạnh phúc của một đứa con là gì? Không phải là có cha mẹ giàu mà là còn có cha mẹ để được báo hiếu. Cần gì đi lạy Phật ở đâu xa xôi, khi ngay cạnh mình vẫn còn có ba mẹ. Có cúng dường nhiều cỡ bao nhiêu mà ba bữa cơm cơ bản không lo được cho ba mẹ thì cũng vô nghĩa mà thôi.
Nuôi một đứa con, mẹ tính toán tới lui, khó khăn nhưng rồi cũng ổn. Vậy mà nuôi một người mẹ, cả đàn con sao tính mãi chẳng ra?
LẠC NHIÊN