CÓ NÊN LÀM BẠN VỚI NGƯỜI CŨ
CÓ NÊN LÀM BẠN VỚI NGƯỜI CŨ
“Có nên làm bạn với người yêu cũ không?” là nỗi băn khoăn của không ít người hậu chia tay, cũng là vấn đề luôn vấp phải rất nhiều sự tranh cãi. Nhiều người cho là, từ tình bạn phát triển thành tình yêu thì dễ, còn từ tình yêu quay lại thành tình bạn thì khó hơn lên trời. Nhưng cũng có nhiều người nghĩ rằng, chia tay rồi không có nghĩa là phải cắt đứt mọi thứ hay gieo thù hận vào lòng nhau.
Nói cách khác, lời giải đáp cho nỗi băn khoăn này hoàn toàn phụ thuộc vào cách nghĩ và sự lựa chọn của riêng mỗi người. Câu hỏi đặt ra là, nếu thật sự những người đã từng yêu trở thành bạn với nhau, thì họ có thể làm bạn trong những trường hợp nào, và cần lưu ý điều gì khi quyết định bắt đầu lại mối quan hệ mang tên bạn bè với người yêu cũ?
Đầu tiên, bạn hãy xem xét quá trình yêu nhau và lí do chia tay. Nếu chuyện tình kết thúc vì một trong hai lừa dối, phản bội hay bạo hành người kia thì lựa chọn tốt nhất là chấm dứt tuyệt đối thay vì tiếp tục làm bạn. Không phải mối quan hệ nào cũng xứng đáng được cứu vãn. Dù là tình nhân hay bạn bè bình thường, hai bên cũng phải dành cho nhau sự tôn trọng nhất định. Đừng trao tặng người kia cơ hội để làm tổn thương bạn lần nữa hay lặp lại nỗi đau cũ dưới một danh xưng mới.
Có nhiều cặp đôi sau thời gian dài yêu nhau, tình cảm và sự quyến luyến dành cho đối phương đã còn không nồng đượm như phút ban đầu. Họ nhận ra từ bỏ mới là điều đúng đắn, tốt nhất cho cả hai và chia tay một cách bình lặng, tôn trọng lẫn nhau. Khi ấy, sau nỗi đau, đôi bên vẫn có thể trở thành bạn bè. Đó cũng là lựa chọn của không ít cặp đôi từng trải qua đổ vỡ. Tuy nhiên, lúc này, mối quan hệ dưới danh nghĩa bạn bè của hai người còn cần được xem xét trên nhiều yếu tố khác.
Có không ít người chấp nhận làm bạn vì họ vẫn còn yêu và muốn níu kéo người cũ. Khi ấy, một bên cho rằng nói ra lời đề nghị “mình làm bạn nhé” vô thưởng vô phạt là đã hoàn thành xong trách nhiệm với đối phương. Kẻ còn lại thì nghĩ là như thế cũng tốt, ít ra mình vẫn còn được chuyện trò, quan tâm và chăm sóc người mình yêu như trước đây, dù với một tư cách khác.
Có không ít người, vì tình cảm nhũng nhiễu vấn vương còn sót lại nên mới đồng ý làm bạn và hi vọng một ngày nào đó, người kia sẽ nhận ra tâm ý của mình để cùng nhau nối lại tình xưa. Cứ như thế, một người cứ mải mê cưỡng cầu, van xin tình cảm một cách ngốc nghếch, một người lại xem đối phương như “cái đuôi” lẽo đẽo và phiền hà.
Nói cách khác, những người đã từng yêu hoàn toàn có quyền chuyện trò, quan tâm lẫn nhau sau khi chia tay, nhưng hãy làm điều đó khi trái tim của cả hai đã sẵn sàng. Làm sao có thể xây dựng mối quan hệ bạn bè khi một trong hai vẫn mãi cố chấp ôm lấy sự ràng buộc tâm lí và nuôi hi vọng bấu víu, cầu cạnh tình cảm của đối phương?
Sau khi đổ vỡ, người ta thường trải qua những giai đoạn cơ bản là buồn bã, chối bỏ, tuyệt vọng rồi bình tâm lại, chấp nhận và buông bỏ. Một khi đã đi đến kết cục chia tay thì chắc chắn cả hai đã phải trải qua nhiều tổn thương và khổ đau. Việc đối mặt với nhau ngay rất dễ khơi dậy những cảm xúc tiêu cực. Vì vậy, đôi bên cần dành cho nhau khoảng lặng riêng để những hồi ức cũ lắng xuống và nguôi ngoai. Khi nỗi đau được xoa dịu, tình cảm không còn là chấp niệm vấn vương, khả năng bắt đầu mối quan hệ bạn bè thuần túy như lúc trước khi yêu mới có thể xảy ra.
Thế nhưng, vì hai người đã từng gắn bó với nhau, từng xem nhau là nhất nên việc giữ khoảng cách sau chia tay là vô cùng cần thiết, đặc biệt là khi một trong hai bắt đầu mối quan hệ mới. Khi yêu, con người thường trở nên lo lắng và bất an. Tình bạn với người cũ rất dễ khiến người mới cảm thấy ghen tuông, suy nghĩ lung tung và không ngừng đặt câu hỏi về mối quan hệ hiện có giữa hai cá thể đã từng là của nhau.
Tóm lại, một khi chia tay, dứt khoát với người yêu cũ là dành tặng chính mình và đối phương cơ hội để tìm kiếm hạnh phúc mới. Dứt khoát ở đây không phải là cạch mặt, chặn liên lạc, xem nhau như kẻ thù hay người dưng nước lã. Dứt khoát ở đây là xác định rạch ròi ranh giới tình cảm. Nếu vẫn còn yêu và muốn nối lại chuyện cũ thì đừng làm bạn, vì như thế bạn sẽ trở thành một kẻ cưỡng cầu tình yêu. Dứt khoát còn là xác định khoảng cách rõ ràng với người cũ. Nghĩa là đôi bên vẫn tôn trọng, cảm thông cho nhau như cách những người bình thường đối xử với nhau mà không làm ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hay những mối quan hệ sau này của cả hai.
Có làm bạn với người yêu cũ hay không là quyền và sự lựa chọn riêng của mỗi người. Hãy suy xét và đưa ra lựa chọn tốt nhất cho đôi bên. Đừng gượng ép để làm bạn với nhau khi một trong hai không sẵn sàng, cũng đừng xem nhau như kẻ thù khi đôi bên vẫn còn xứng đáng với sự tôn trọng dành cho nhau.
CATHERINE
“Có nên làm bạn với người yêu cũ không?” là nỗi băn khoăn của không ít người hậu chia tay, cũng là vấn đề luôn vấp phải rất nhiều sự tranh cãi. Nhiều người cho là, từ tình bạn phát triển thành tình yêu thì dễ, còn từ tình yêu quay lại thành tình bạn thì khó hơn lên trời. Nhưng cũng có nhiều người nghĩ rằng, chia tay rồi không có nghĩa là phải cắt đứt mọi thứ hay gieo thù hận vào lòng nhau.
Nói cách khác, lời giải đáp cho nỗi băn khoăn này hoàn toàn phụ thuộc vào cách nghĩ và sự lựa chọn của riêng mỗi người. Câu hỏi đặt ra là, nếu thật sự những người đã từng yêu trở thành bạn với nhau, thì họ có thể làm bạn trong những trường hợp nào, và cần lưu ý điều gì khi quyết định bắt đầu lại mối quan hệ mang tên bạn bè với người yêu cũ?
Đầu tiên, bạn hãy xem xét quá trình yêu nhau và lí do chia tay. Nếu chuyện tình kết thúc vì một trong hai lừa dối, phản bội hay bạo hành người kia thì lựa chọn tốt nhất là chấm dứt tuyệt đối thay vì tiếp tục làm bạn. Không phải mối quan hệ nào cũng xứng đáng được cứu vãn. Dù là tình nhân hay bạn bè bình thường, hai bên cũng phải dành cho nhau sự tôn trọng nhất định. Đừng trao tặng người kia cơ hội để làm tổn thương bạn lần nữa hay lặp lại nỗi đau cũ dưới một danh xưng mới.
Có nhiều cặp đôi sau thời gian dài yêu nhau, tình cảm và sự quyến luyến dành cho đối phương đã còn không nồng đượm như phút ban đầu. Họ nhận ra từ bỏ mới là điều đúng đắn, tốt nhất cho cả hai và chia tay một cách bình lặng, tôn trọng lẫn nhau. Khi ấy, sau nỗi đau, đôi bên vẫn có thể trở thành bạn bè. Đó cũng là lựa chọn của không ít cặp đôi từng trải qua đổ vỡ. Tuy nhiên, lúc này, mối quan hệ dưới danh nghĩa bạn bè của hai người còn cần được xem xét trên nhiều yếu tố khác.
Có không ít người chấp nhận làm bạn vì họ vẫn còn yêu và muốn níu kéo người cũ. Khi ấy, một bên cho rằng nói ra lời đề nghị “mình làm bạn nhé” vô thưởng vô phạt là đã hoàn thành xong trách nhiệm với đối phương. Kẻ còn lại thì nghĩ là như thế cũng tốt, ít ra mình vẫn còn được chuyện trò, quan tâm và chăm sóc người mình yêu như trước đây, dù với một tư cách khác.
Có không ít người, vì tình cảm nhũng nhiễu vấn vương còn sót lại nên mới đồng ý làm bạn và hi vọng một ngày nào đó, người kia sẽ nhận ra tâm ý của mình để cùng nhau nối lại tình xưa. Cứ như thế, một người cứ mải mê cưỡng cầu, van xin tình cảm một cách ngốc nghếch, một người lại xem đối phương như “cái đuôi” lẽo đẽo và phiền hà.
Nói cách khác, những người đã từng yêu hoàn toàn có quyền chuyện trò, quan tâm lẫn nhau sau khi chia tay, nhưng hãy làm điều đó khi trái tim của cả hai đã sẵn sàng. Làm sao có thể xây dựng mối quan hệ bạn bè khi một trong hai vẫn mãi cố chấp ôm lấy sự ràng buộc tâm lí và nuôi hi vọng bấu víu, cầu cạnh tình cảm của đối phương?
Sau khi đổ vỡ, người ta thường trải qua những giai đoạn cơ bản là buồn bã, chối bỏ, tuyệt vọng rồi bình tâm lại, chấp nhận và buông bỏ. Một khi đã đi đến kết cục chia tay thì chắc chắn cả hai đã phải trải qua nhiều tổn thương và khổ đau. Việc đối mặt với nhau ngay rất dễ khơi dậy những cảm xúc tiêu cực. Vì vậy, đôi bên cần dành cho nhau khoảng lặng riêng để những hồi ức cũ lắng xuống và nguôi ngoai. Khi nỗi đau được xoa dịu, tình cảm không còn là chấp niệm vấn vương, khả năng bắt đầu mối quan hệ bạn bè thuần túy như lúc trước khi yêu mới có thể xảy ra.
Thế nhưng, vì hai người đã từng gắn bó với nhau, từng xem nhau là nhất nên việc giữ khoảng cách sau chia tay là vô cùng cần thiết, đặc biệt là khi một trong hai bắt đầu mối quan hệ mới. Khi yêu, con người thường trở nên lo lắng và bất an. Tình bạn với người cũ rất dễ khiến người mới cảm thấy ghen tuông, suy nghĩ lung tung và không ngừng đặt câu hỏi về mối quan hệ hiện có giữa hai cá thể đã từng là của nhau.
Tóm lại, một khi chia tay, dứt khoát với người yêu cũ là dành tặng chính mình và đối phương cơ hội để tìm kiếm hạnh phúc mới. Dứt khoát ở đây không phải là cạch mặt, chặn liên lạc, xem nhau như kẻ thù hay người dưng nước lã. Dứt khoát ở đây là xác định rạch ròi ranh giới tình cảm. Nếu vẫn còn yêu và muốn nối lại chuyện cũ thì đừng làm bạn, vì như thế bạn sẽ trở thành một kẻ cưỡng cầu tình yêu. Dứt khoát còn là xác định khoảng cách rõ ràng với người cũ. Nghĩa là đôi bên vẫn tôn trọng, cảm thông cho nhau như cách những người bình thường đối xử với nhau mà không làm ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hay những mối quan hệ sau này của cả hai.
Có làm bạn với người yêu cũ hay không là quyền và sự lựa chọn riêng của mỗi người. Hãy suy xét và đưa ra lựa chọn tốt nhất cho đôi bên. Đừng gượng ép để làm bạn với nhau khi một trong hai không sẵn sàng, cũng đừng xem nhau như kẻ thù khi đôi bên vẫn còn xứng đáng với sự tôn trọng dành cho nhau.
CATHERINE
