BIẾT ĐỦ ĐỂ HẠNH PHÚC
BIẾT ĐỦ ĐỂ HẠNH PHÚC
Nó đã tự hỏi lòng mình rất nhiều lần rằng nó có đang hạnh phúc không? Nó nên làm gì để có thể sống vui và hạnh phúc. Nhưng nó vẫn chưa tìm được câu trả lời ưng ý nhất.
Nó trở lại bến đò cũ trong một chiều rợp nắng. Mười năm đã trôi qua. Trong cả giấc mơ, nó thấy tay mình như vẫn đang chạm vào vạt nắng chiều dần cập trên bến đò, tai nó vẫn nghe văng vẳng tiếng nước vỗ vào thịt đất đôi bờ, mắt nó vẫn đang thấy mấy con còng ngơ ngác trước cái hang bị nước lấp dần.
Và ở kia, thằng bạn thân ngồi bất động, ánh mắt vô định. Nó tựa đầu vào vai bạn mà nhìn đăm chiêu vào sóng nước đang tách đôi dưới thân chiếc ghe chài. Năm đó nó tròn mười bảy.
Nó hỏi thằng bạn rằng:
- Cậu nghĩ giàu có thì có hạnh phúc không?
- Có tiền thì gì cũng có cả.
- Chẳng có gì chắc cả. Người ta bảo rằng biết đủ sẽ hạnh phúc.
- Thế nào là đủ?
Mười năm đi qua vội vàng. Câu hỏi chưa có đáp án ở bến đò quê ngày hôm ấy vẫn đọng lại trong nó nhiều nghĩ suy. Và nó vẫn đang đi tìm hạnh phúc. Nó vẫn đi tìm cái gọi là “đủ”.
Trong đầu nó luôn tồn tại ý nghĩ rằng con người ta sinh ra, nghĩa là tự do đã mất. Sau khi có mặt trên đời, con người bước vào một mớ hỗn độn chằng chịt những quan hệ, từ thân cho đến sơ, rồi vô vàn những ràng buộc có tên và không tên.
Từ đó mọi hạnh phúc hoặc khổ đau trên cõi đời này cũng đều do các mối quan hệ này tạo dựng hoặc gây ra. Vậy con người ta bình yên thể nào trong cái guồng quay càng ngày càng tất bật này?
Nó thấy nhiều người sau những giai đoạn thăng trầm của cuộc sống, họ bế tắc, loay hoay mãi mà không tìm được cho mình một động lực để vượt qua nữa. Có người quẫn trí lựa chọn cái chết để an yên. Người chết có lẽ đã bình an phần mình rồi, thế còn người sống thì sao?
Có người tìm thấy chính mình bình yên trong Kinh kệ, Phật pháp, nhưng nhiều người mỗi ngày đều tụng kinh, lần hạt tràng nhưng vẫn sống sân si lắm. Vậy hạnh phúc rốt cuộc là gì đây? Khó tìm đến vậy sao?
Vào đại học, nó dần nhận ra mọi thứ về cuộc sống này không quyền lực thì là tiền bạc. Không có một trong hai đồng nghĩa với việc không có chỗ dựa. Tiền bạc rất quan trọng, không một ai có thể phủ nhận được giá trị của tiền. Nó càng không vì nhà nó không khá giả.
Mẹ phải nhặt nhạnh từ đống đồ cũ của người ta cho, sửa lại từng chút để nó có quần áo mà mặc đi học, đi chơi. Mẹ thức đêm làm thức ăn, dậy sớm giao hàng để dành từng đồng cho nó đi học. Mẹ tất tả đạp xe đi dạy, mẹ tranh thủ cơ hội làm thư ký mấy cuộc họp để có tiền bồi dưỡng mà lo miếng ăn cho nó…
Tất cả mọi thứ trong nhà đều cần tiền, tất cả đều hét gọi mẹ. Nó đã gần như “quán triệt” lời dạy của mẹ. Phải học để có thể có công việc ổn định, có tiền để tự nuôi lấy thân, không phụ thuộc vào ai khác. Vô hình chung, nó cảm thấy mình đang ngày một thực dụng hơn.
Ra trường, nó lao vào làm việc. Sau giờ làm ở công ty thì đi dạy thêm, cuối tuần lại nhận thêm việc đứng quầy phát sản phẩm mẫu. Những lần về nhà thưa dần, gọi về cho mẹ cũng ít dần vì bận quá, về đến nhà, loáng một cái là hết thời gian.
Lâu lâu nó về, gửi tiền cho mẹ, số tiền ngày càng nhiều hơn. Nó thấy hạnh phúc vì giúp được gia đình, sắm được cho nhà cái nọ, cái kia nhưng nó không biết mẹ rất buồn. Cô con gái đã chẳng còn nhiều thời gian để chăm sóc bản thân mình nữa, cũng chẳng còn về nhà thường xuyên với mẹ nữa.
Nó cơ hồ vẫn chưa cảm nhận được mình đang đi xa dần cái cuộc sống lý tưởng mà nó từng ao ước. Có lẽ vì bây giờ việc gì cũng cần có tiền, mà có được một đồng người ta lại càng muốn có thêm một đồng nữa.
Nó lên vị trí quản lý sau ba năm ra trường với một lịch công tác dày đặc hơn và bận rộn hơn. Vòng quay thế đẩy tuổi xuân qua đi. Nó hai mươi sáu. Hai mươi bảy. Rồi hai mươi tám. Cơ thể dù kiên cường mấy rồi cũng có lúc phải gục ngã.
Nó bệnh. Bệnh một tháng trời, không nặng nhưng cứ dai dẳng mãi. Người ta bảo tuổi càng lớn càng cảm thấy rõ cô đơn. Những ngày bệnh nằm ở nhà, chẳng bận rộn gì nữa, nó bỗng thấy ngoài công việc ra nó chẳng còn gì để an ủi những lúc thế này.
Nó xem phim và lướt trên thế giới ảo facebook. Nếu nó viết lên đó câu “Bị bệnh rồi” thì sẽ có bao nhiêu người thực sự quan tâm đây, hay họ chỉ lướt qua và cho một cái “like” dạo. Thế nhưng trong thâm tâm, nó biết rất rõ, một khi nó gọi điện thoại về nhà than thở thì có thể ngay chiều hôm nay, mẹ đã có mặt ở đây với nó.
Chiều nay nó xem một bộ phim gia đình, nhân vật chính cũng đang như nó vậy, cũng lao vào vật lộn với đời sống nhằm cố kiếm thật nhiều tiền. Trên chuyến xe vội vàng về quê thăm mẹ, anh tình cờ giải một câu đố và chết lặng người.
Câu hỏi thế này “Nếu mẹ bạn có thể sống đến 90 tuổi. Trừ đi khoảng thời gian bạn ngủ, trừ đi thời gian bạn không có ở bên cạnh bà. Bạn có biết mình còn bao nhiêu thời gian nữa để sống bên cạnh mẹ mình không?”.
Và nhân vật chính làm một phép tính nhẩm: “Mẹ tôi năm nay 50 tuổi và nếu bà có thể sống đến 90 tuổi, chúng tôi chỉ còn 40 năm bên nhau. Trong 40 năm đó, nếu tôi về nhà nửa năm một lần, vậy tôi sẽ có 80 lần để gặp bà. Nếu tôi có thể dành 7 ngày ở nhà, sau đó trừ hai ngày để gặp bạn bè, 2 ngày để gặp họ hàng, người thân khác thì còn 240 ngày mà còn phải trừ đi thời gian ăn uống, ngủ nghỉ mỗi ngày mất 12 tiếng, vậy ra chỉ còn 120 ngày để sống với mẹ…Tức là 4 tháng thôi”.
Nó chợt thấy lạnh người. Tiếng nhạc phim làm lắng đọng mọi cảm xúc, nước mắt nó trào ra. Tiếng còi tàu hú thật dài đem theo nỗi hoang mang và bộ óc đang trống rỗng của nhân vật chính trên con đường trở về quê nhà, và cũng kéo hai hàng nước mắt của nó rơi lã chã xuống gối… Mẹ nó. Năm nay đã qua sáu mươi tuổi mất rồi…
- Mẹ, mai con về mẹ nhé!
- Ừ, muốn ăn gì mẹ nấu.
- Ăn cả thế giới mẹ nhé!
Sau tất cả, chỉ còn mẹ là người luôn chờ đợi và chu đáo đón bước nó về nhà.
Nó đã nhận ra được rằng hạnh phúc thật ra không có định nghĩa chung mà mỗi người lại có riêng cho mình một ý niệm để mà nắm bắt lấy nó. Nó bây giờ đã cảm nhận sâu sắc và biết “đủ” là thế nào.
“Đủ” để có được hạnh phúc không có nghĩa là mình mất đi động lực để tạo ra “thêm” giá trị mà là biết “đủ”để trân trọng, để sắp xếp thêm thời gian cho những mối quan hệ thân thiết mình đang có, để lỡ một ngày nào đó phải vĩnh viễn mất đi thì cũng không ngập tràn trong nuối tiếc.
Biết “đủ” để thêm thời gian quan tâm đến bản thân nhiều hơn, để trân quý sức khỏe mà ba mẹ ngày trước đã hết sức lo lắng và chăm sóc cho mình. Với nó đó là “đủ” tiền để sống và “đủ” thời gian để có được những gì nó quan tâm.
Bây giờ nó muốn lao ngay vào lòng mẹ để kể hết những oan ức trong lòng bao nhiêu lâu nay, khóc một trận thật to để ngày mai thức dậy quên hết những muộn phiền đã cũ và bước tiếp con đường phía trước với một ý thức rõ ràng hơn.
Tiếng còi xe đang giục giã, trái tim nó cũng đang đập từng hồi hân hoan.
LẠC NHIÊN
Nó đã tự hỏi lòng mình rất nhiều lần rằng nó có đang hạnh phúc không? Nó nên làm gì để có thể sống vui và hạnh phúc. Nhưng nó vẫn chưa tìm được câu trả lời ưng ý nhất.
Nó trở lại bến đò cũ trong một chiều rợp nắng. Mười năm đã trôi qua. Trong cả giấc mơ, nó thấy tay mình như vẫn đang chạm vào vạt nắng chiều dần cập trên bến đò, tai nó vẫn nghe văng vẳng tiếng nước vỗ vào thịt đất đôi bờ, mắt nó vẫn đang thấy mấy con còng ngơ ngác trước cái hang bị nước lấp dần.
Và ở kia, thằng bạn thân ngồi bất động, ánh mắt vô định. Nó tựa đầu vào vai bạn mà nhìn đăm chiêu vào sóng nước đang tách đôi dưới thân chiếc ghe chài. Năm đó nó tròn mười bảy.
Nó hỏi thằng bạn rằng:
- Cậu nghĩ giàu có thì có hạnh phúc không?
- Có tiền thì gì cũng có cả.
- Chẳng có gì chắc cả. Người ta bảo rằng biết đủ sẽ hạnh phúc.
- Thế nào là đủ?
Mười năm đi qua vội vàng. Câu hỏi chưa có đáp án ở bến đò quê ngày hôm ấy vẫn đọng lại trong nó nhiều nghĩ suy. Và nó vẫn đang đi tìm hạnh phúc. Nó vẫn đi tìm cái gọi là “đủ”.
Trong đầu nó luôn tồn tại ý nghĩ rằng con người ta sinh ra, nghĩa là tự do đã mất. Sau khi có mặt trên đời, con người bước vào một mớ hỗn độn chằng chịt những quan hệ, từ thân cho đến sơ, rồi vô vàn những ràng buộc có tên và không tên.
Từ đó mọi hạnh phúc hoặc khổ đau trên cõi đời này cũng đều do các mối quan hệ này tạo dựng hoặc gây ra. Vậy con người ta bình yên thể nào trong cái guồng quay càng ngày càng tất bật này?
Nó thấy nhiều người sau những giai đoạn thăng trầm của cuộc sống, họ bế tắc, loay hoay mãi mà không tìm được cho mình một động lực để vượt qua nữa. Có người quẫn trí lựa chọn cái chết để an yên. Người chết có lẽ đã bình an phần mình rồi, thế còn người sống thì sao?
Có người tìm thấy chính mình bình yên trong Kinh kệ, Phật pháp, nhưng nhiều người mỗi ngày đều tụng kinh, lần hạt tràng nhưng vẫn sống sân si lắm. Vậy hạnh phúc rốt cuộc là gì đây? Khó tìm đến vậy sao?
Vào đại học, nó dần nhận ra mọi thứ về cuộc sống này không quyền lực thì là tiền bạc. Không có một trong hai đồng nghĩa với việc không có chỗ dựa. Tiền bạc rất quan trọng, không một ai có thể phủ nhận được giá trị của tiền. Nó càng không vì nhà nó không khá giả.
Mẹ phải nhặt nhạnh từ đống đồ cũ của người ta cho, sửa lại từng chút để nó có quần áo mà mặc đi học, đi chơi. Mẹ thức đêm làm thức ăn, dậy sớm giao hàng để dành từng đồng cho nó đi học. Mẹ tất tả đạp xe đi dạy, mẹ tranh thủ cơ hội làm thư ký mấy cuộc họp để có tiền bồi dưỡng mà lo miếng ăn cho nó…
Tất cả mọi thứ trong nhà đều cần tiền, tất cả đều hét gọi mẹ. Nó đã gần như “quán triệt” lời dạy của mẹ. Phải học để có thể có công việc ổn định, có tiền để tự nuôi lấy thân, không phụ thuộc vào ai khác. Vô hình chung, nó cảm thấy mình đang ngày một thực dụng hơn.
Ra trường, nó lao vào làm việc. Sau giờ làm ở công ty thì đi dạy thêm, cuối tuần lại nhận thêm việc đứng quầy phát sản phẩm mẫu. Những lần về nhà thưa dần, gọi về cho mẹ cũng ít dần vì bận quá, về đến nhà, loáng một cái là hết thời gian.
Lâu lâu nó về, gửi tiền cho mẹ, số tiền ngày càng nhiều hơn. Nó thấy hạnh phúc vì giúp được gia đình, sắm được cho nhà cái nọ, cái kia nhưng nó không biết mẹ rất buồn. Cô con gái đã chẳng còn nhiều thời gian để chăm sóc bản thân mình nữa, cũng chẳng còn về nhà thường xuyên với mẹ nữa.
Nó cơ hồ vẫn chưa cảm nhận được mình đang đi xa dần cái cuộc sống lý tưởng mà nó từng ao ước. Có lẽ vì bây giờ việc gì cũng cần có tiền, mà có được một đồng người ta lại càng muốn có thêm một đồng nữa.
Nó lên vị trí quản lý sau ba năm ra trường với một lịch công tác dày đặc hơn và bận rộn hơn. Vòng quay thế đẩy tuổi xuân qua đi. Nó hai mươi sáu. Hai mươi bảy. Rồi hai mươi tám. Cơ thể dù kiên cường mấy rồi cũng có lúc phải gục ngã.
Nó bệnh. Bệnh một tháng trời, không nặng nhưng cứ dai dẳng mãi. Người ta bảo tuổi càng lớn càng cảm thấy rõ cô đơn. Những ngày bệnh nằm ở nhà, chẳng bận rộn gì nữa, nó bỗng thấy ngoài công việc ra nó chẳng còn gì để an ủi những lúc thế này.
Nó xem phim và lướt trên thế giới ảo facebook. Nếu nó viết lên đó câu “Bị bệnh rồi” thì sẽ có bao nhiêu người thực sự quan tâm đây, hay họ chỉ lướt qua và cho một cái “like” dạo. Thế nhưng trong thâm tâm, nó biết rất rõ, một khi nó gọi điện thoại về nhà than thở thì có thể ngay chiều hôm nay, mẹ đã có mặt ở đây với nó.
Chiều nay nó xem một bộ phim gia đình, nhân vật chính cũng đang như nó vậy, cũng lao vào vật lộn với đời sống nhằm cố kiếm thật nhiều tiền. Trên chuyến xe vội vàng về quê thăm mẹ, anh tình cờ giải một câu đố và chết lặng người.
Câu hỏi thế này “Nếu mẹ bạn có thể sống đến 90 tuổi. Trừ đi khoảng thời gian bạn ngủ, trừ đi thời gian bạn không có ở bên cạnh bà. Bạn có biết mình còn bao nhiêu thời gian nữa để sống bên cạnh mẹ mình không?”.
Và nhân vật chính làm một phép tính nhẩm: “Mẹ tôi năm nay 50 tuổi và nếu bà có thể sống đến 90 tuổi, chúng tôi chỉ còn 40 năm bên nhau. Trong 40 năm đó, nếu tôi về nhà nửa năm một lần, vậy tôi sẽ có 80 lần để gặp bà. Nếu tôi có thể dành 7 ngày ở nhà, sau đó trừ hai ngày để gặp bạn bè, 2 ngày để gặp họ hàng, người thân khác thì còn 240 ngày mà còn phải trừ đi thời gian ăn uống, ngủ nghỉ mỗi ngày mất 12 tiếng, vậy ra chỉ còn 120 ngày để sống với mẹ…Tức là 4 tháng thôi”.
Nó chợt thấy lạnh người. Tiếng nhạc phim làm lắng đọng mọi cảm xúc, nước mắt nó trào ra. Tiếng còi tàu hú thật dài đem theo nỗi hoang mang và bộ óc đang trống rỗng của nhân vật chính trên con đường trở về quê nhà, và cũng kéo hai hàng nước mắt của nó rơi lã chã xuống gối… Mẹ nó. Năm nay đã qua sáu mươi tuổi mất rồi…
- Mẹ, mai con về mẹ nhé!
- Ừ, muốn ăn gì mẹ nấu.
- Ăn cả thế giới mẹ nhé!
Sau tất cả, chỉ còn mẹ là người luôn chờ đợi và chu đáo đón bước nó về nhà.
Nó đã nhận ra được rằng hạnh phúc thật ra không có định nghĩa chung mà mỗi người lại có riêng cho mình một ý niệm để mà nắm bắt lấy nó. Nó bây giờ đã cảm nhận sâu sắc và biết “đủ” là thế nào.
“Đủ” để có được hạnh phúc không có nghĩa là mình mất đi động lực để tạo ra “thêm” giá trị mà là biết “đủ”để trân trọng, để sắp xếp thêm thời gian cho những mối quan hệ thân thiết mình đang có, để lỡ một ngày nào đó phải vĩnh viễn mất đi thì cũng không ngập tràn trong nuối tiếc.
Biết “đủ” để thêm thời gian quan tâm đến bản thân nhiều hơn, để trân quý sức khỏe mà ba mẹ ngày trước đã hết sức lo lắng và chăm sóc cho mình. Với nó đó là “đủ” tiền để sống và “đủ” thời gian để có được những gì nó quan tâm.
Bây giờ nó muốn lao ngay vào lòng mẹ để kể hết những oan ức trong lòng bao nhiêu lâu nay, khóc một trận thật to để ngày mai thức dậy quên hết những muộn phiền đã cũ và bước tiếp con đường phía trước với một ý thức rõ ràng hơn.
Tiếng còi xe đang giục giã, trái tim nó cũng đang đập từng hồi hân hoan.
LẠC NHIÊN