BAO NHIÊU MỚI LÀ ĐỦ?
BAO NHIÊU MỚI LÀ ĐỦ?
“Liệu tôi có đang làm tốt không? Tôi đang làm theo đúng hướng chứ? Tôi sẽ thành công mà nhỉ” Những câu hỏi luôn xuất hiện mỗi khi cô ấy muốn làm một điều gì, hay được giao nhiệm vụ nào đó. Dù có khả năng để làm nhưng trước khi bắt đầu thực hiện thì những câu nói này vẫn luôn xuất hiện trong đầu. Tại sao lại như vậy, bản thân cô cũng không hiểu được vì sao mình lại luôn có những tiếng nói trong đầu để phải băn khoăn lo lắng. Có lẽ bản thân cô sợ sự thất bại, sợ mọi người sẽ cười chê và hơn hết sẽ không ai ghi nhận năng lực của cô.
Cô là một người luôn cố gắng làm mọi thứ hết sức mình, luôn đạt được những thành tích mà mình mong đợi. Đôi lúc chính bản thân cô cũng không hiểu tại sao lại phải cố gắng đến vậy. Những trách nhiệm, những gánh nặng với việc phải thành công luôn là con dao hai lưỡi đối với cô. Một mặt nó là mục tiêu để phát triển nhưng cũng chính là áp lực khiến bản thân mệt mỏi. Một khi đạt được thành công này thì có nghĩa phải nỗ lực để đạt một kết quả khác cao hơn thế nữa. Nhưng tại sao cô lại không cảm thấy được thăng hoa, được hạnh phúc với những điều này mà thay vào đó là sự mệt mỏi. Mệt mỏi bởi những nỗ lực, những cố gắng chỉ để thỏa mãn người khác mà không phải dành cho chính mình.
Dù được nhận xét bản thân có khả năng làm được, được mọi người tin tưởng giao cho trọng trách trong công việc. Và chính cô cũng biết rằng mình hoàn toàn có thể làm được nhưng một lần nữa những câu hỏi nghi hoặc lại xuất hiện. Những sự nghi ngờ khiến bản thân chùn bước, không có tự tin khi làm việc. Vì thế, mỗi khi bắt tay vào việc, không biết bao lần phải tự nhẩm trong đầu là “Không sao, mày làm được mà, mày đã làm trước đó rồi mà”. Cô cũng không biết tại sao lại sợ bị người khác nhận xét hay chỉ trích đến vậy? Và tại sao dù có đạt được mục tiêu rồi nhưng ngay lập tức mục tiêu cho những kỳ vọng cao hơn khác xuất hiện. Mãi đến sau này, cô mới nhận ra được sự kỳ vọng ấy không đến từ bản thân mình mà là của ba mẹ. Cô tự nghĩ rằng nếu mình có được thành công đó, hay nếu đạt được chức vụ, bằng khen thì ba mẹ sẽ tự hào về cô lắm. Và phóng chiếu hình ảnh đó lên những người thầy, người bạn, đồng nghiệp xem họ là ba mẹ đang đánh giá mình.
Có lẽ vì khi nhỏ, cô luôn bị so sánh với người em họ cùng tuổi. Khi em họ được điểm cao thì ba cô ngay lập tức sẽ thưởng mà không cần biết con gái của mình điểm như thế nào. Dù có bằng điểm hay cao hơn thì chưa bao giờ nghe được lời khen của ba mình. “Có lẽ chưa đủ cao, chắc nhiêu đây chưa đủ để chứng minh là mình giỏi” suy nghĩ vẫn đeo bám cô cho đến tận bây giờ. Dù là, khi trưởng thành hơn và ba mẹ cũng có cơ hội hiểu về những cách ghi nhận và khen ngợi khi cô đạt được thành tích tốt. Nhưng hình ảnh trong quá khứ về đứa trẻ bị ngó lơ khi đang cố gắng chứng minh bản thân đã làm được gì, đạt được những thành tích nào vẫn còn in sâu trong trí nhớ của cô. Cảm giác bị ngó lơ, không công nhận vẫn như thế theo cô trong suốt thời gian trưởng thành đến hiện tại. Khi được người khác ngưỡng mộ với những gì mình làm được thì vẫn một câu nói “chưa đủ” trong đầu ngay lập tức kéo cô quay về với thực tại và phải nỗ lực để tốt hơn nữa. Vậy bao nhiêu mới là đủ? Đến bản thân cô cũng không biết là bao nhiêu để cảm thấy thỏa mãn và hài lòng. Dù bây giờ đã được công nhận, ba mẹ cũng dành sự quan tâm nhưng có lẽ đứa trẻ năm ấy không còn cảm thấy vui vẻ nữa.
Chính vì luôn muốn được công nhận nên cô rất sợ thất bại, chỉ cần một lỗi sai nhỏ thôi cũng khiến cô khó chịu và suy nghĩ rất nhiều. Mọi người thì nói rằng cô quá cầu toàn, nhưng thực ra cô sợ một lần nữa bản thân sẽ bị vô hình bởi lỗi sai ấy. Sợ rằng đứa trẻ năm xưa lại xuất hiện, lại một lần nữa bị ngó lơ vì sai phạm. Và khi thất bại thì sự tự ti hoài nghi về giá trị của bản thân lại càng được củng cố. Và đối với cô bé ấy, để có được sự yêu thương của ba mẹ, của người nhà thì cô phải thật giỏi, thật thành công. Nhưng nếu thất bại thì đồng nghĩa là cô không xứng đáng với những niềm tin mà mọi người dành cho mình, không xứng đáng có được tình yêu thương.
Sau này, khi hiểu được những trải nghiệm thuở nhỏ thì cô cũng dần học cách chấp nhận bản thân dù trong hoàn cảnh nào. Cô biết cách làm việc với chính mình mỗi khi những hoài nghi ập đến và không còn chối bỏ sự cố gắng, khả năng của bản thân. Tuy không thể xóa đi sự tổn thương của đứa trẻ trong cô nhưng cô có thể an ủi và vỗ về đứa trẻ cũng như chính mình. Nó giống như một vết sẹo sẽ còn mãi trên cơ thể mình, nhưng không còn quá đau đớn. Vậy bạn có dám một lần nữa đối diện với nỗi đau quá khứ, để được ôm ấp, vỗ về đứa trẻ đã chịu tổn thương đó.
Việc giáo dục một đứa trẻ cũng rất quan trọng, không phải cứ phủ nhận những kết quả sẽ khiến đứa trẻ cố gắng đạt thành tích cao hơn trong lần tới. Sẽ có nhiều đứa trẻ chọn cách giống như cô, chạy theo những thành tích một cách vô thức. Và sẽ chẳng biết được bao nhiêu thành công mới đủ để có thể đáp lại kỳ vọng mà bản thân vô tình tạo nên. Nhưng cũng có những bạn sẽ trở nên tức giận, và thay vì đáp ứng nhu cầu của ba mẹ thì họ sẽ làm ngược lại. Họ sẽ phá hủy mọi thứ, biến những thành công, những tài năng thành tệ hại để lần này người thất vọng không ai khác là ba mẹ.
THỦY TIÊN
“Liệu tôi có đang làm tốt không? Tôi đang làm theo đúng hướng chứ? Tôi sẽ thành công mà nhỉ” Những câu hỏi luôn xuất hiện mỗi khi cô ấy muốn làm một điều gì, hay được giao nhiệm vụ nào đó. Dù có khả năng để làm nhưng trước khi bắt đầu thực hiện thì những câu nói này vẫn luôn xuất hiện trong đầu. Tại sao lại như vậy, bản thân cô cũng không hiểu được vì sao mình lại luôn có những tiếng nói trong đầu để phải băn khoăn lo lắng. Có lẽ bản thân cô sợ sự thất bại, sợ mọi người sẽ cười chê và hơn hết sẽ không ai ghi nhận năng lực của cô.
Cô là một người luôn cố gắng làm mọi thứ hết sức mình, luôn đạt được những thành tích mà mình mong đợi. Đôi lúc chính bản thân cô cũng không hiểu tại sao lại phải cố gắng đến vậy. Những trách nhiệm, những gánh nặng với việc phải thành công luôn là con dao hai lưỡi đối với cô. Một mặt nó là mục tiêu để phát triển nhưng cũng chính là áp lực khiến bản thân mệt mỏi. Một khi đạt được thành công này thì có nghĩa phải nỗ lực để đạt một kết quả khác cao hơn thế nữa. Nhưng tại sao cô lại không cảm thấy được thăng hoa, được hạnh phúc với những điều này mà thay vào đó là sự mệt mỏi. Mệt mỏi bởi những nỗ lực, những cố gắng chỉ để thỏa mãn người khác mà không phải dành cho chính mình.
Dù được nhận xét bản thân có khả năng làm được, được mọi người tin tưởng giao cho trọng trách trong công việc. Và chính cô cũng biết rằng mình hoàn toàn có thể làm được nhưng một lần nữa những câu hỏi nghi hoặc lại xuất hiện. Những sự nghi ngờ khiến bản thân chùn bước, không có tự tin khi làm việc. Vì thế, mỗi khi bắt tay vào việc, không biết bao lần phải tự nhẩm trong đầu là “Không sao, mày làm được mà, mày đã làm trước đó rồi mà”. Cô cũng không biết tại sao lại sợ bị người khác nhận xét hay chỉ trích đến vậy? Và tại sao dù có đạt được mục tiêu rồi nhưng ngay lập tức mục tiêu cho những kỳ vọng cao hơn khác xuất hiện. Mãi đến sau này, cô mới nhận ra được sự kỳ vọng ấy không đến từ bản thân mình mà là của ba mẹ. Cô tự nghĩ rằng nếu mình có được thành công đó, hay nếu đạt được chức vụ, bằng khen thì ba mẹ sẽ tự hào về cô lắm. Và phóng chiếu hình ảnh đó lên những người thầy, người bạn, đồng nghiệp xem họ là ba mẹ đang đánh giá mình.
Có lẽ vì khi nhỏ, cô luôn bị so sánh với người em họ cùng tuổi. Khi em họ được điểm cao thì ba cô ngay lập tức sẽ thưởng mà không cần biết con gái của mình điểm như thế nào. Dù có bằng điểm hay cao hơn thì chưa bao giờ nghe được lời khen của ba mình. “Có lẽ chưa đủ cao, chắc nhiêu đây chưa đủ để chứng minh là mình giỏi” suy nghĩ vẫn đeo bám cô cho đến tận bây giờ. Dù là, khi trưởng thành hơn và ba mẹ cũng có cơ hội hiểu về những cách ghi nhận và khen ngợi khi cô đạt được thành tích tốt. Nhưng hình ảnh trong quá khứ về đứa trẻ bị ngó lơ khi đang cố gắng chứng minh bản thân đã làm được gì, đạt được những thành tích nào vẫn còn in sâu trong trí nhớ của cô. Cảm giác bị ngó lơ, không công nhận vẫn như thế theo cô trong suốt thời gian trưởng thành đến hiện tại. Khi được người khác ngưỡng mộ với những gì mình làm được thì vẫn một câu nói “chưa đủ” trong đầu ngay lập tức kéo cô quay về với thực tại và phải nỗ lực để tốt hơn nữa. Vậy bao nhiêu mới là đủ? Đến bản thân cô cũng không biết là bao nhiêu để cảm thấy thỏa mãn và hài lòng. Dù bây giờ đã được công nhận, ba mẹ cũng dành sự quan tâm nhưng có lẽ đứa trẻ năm ấy không còn cảm thấy vui vẻ nữa.
Chính vì luôn muốn được công nhận nên cô rất sợ thất bại, chỉ cần một lỗi sai nhỏ thôi cũng khiến cô khó chịu và suy nghĩ rất nhiều. Mọi người thì nói rằng cô quá cầu toàn, nhưng thực ra cô sợ một lần nữa bản thân sẽ bị vô hình bởi lỗi sai ấy. Sợ rằng đứa trẻ năm xưa lại xuất hiện, lại một lần nữa bị ngó lơ vì sai phạm. Và khi thất bại thì sự tự ti hoài nghi về giá trị của bản thân lại càng được củng cố. Và đối với cô bé ấy, để có được sự yêu thương của ba mẹ, của người nhà thì cô phải thật giỏi, thật thành công. Nhưng nếu thất bại thì đồng nghĩa là cô không xứng đáng với những niềm tin mà mọi người dành cho mình, không xứng đáng có được tình yêu thương.
Sau này, khi hiểu được những trải nghiệm thuở nhỏ thì cô cũng dần học cách chấp nhận bản thân dù trong hoàn cảnh nào. Cô biết cách làm việc với chính mình mỗi khi những hoài nghi ập đến và không còn chối bỏ sự cố gắng, khả năng của bản thân. Tuy không thể xóa đi sự tổn thương của đứa trẻ trong cô nhưng cô có thể an ủi và vỗ về đứa trẻ cũng như chính mình. Nó giống như một vết sẹo sẽ còn mãi trên cơ thể mình, nhưng không còn quá đau đớn. Vậy bạn có dám một lần nữa đối diện với nỗi đau quá khứ, để được ôm ấp, vỗ về đứa trẻ đã chịu tổn thương đó.
Việc giáo dục một đứa trẻ cũng rất quan trọng, không phải cứ phủ nhận những kết quả sẽ khiến đứa trẻ cố gắng đạt thành tích cao hơn trong lần tới. Sẽ có nhiều đứa trẻ chọn cách giống như cô, chạy theo những thành tích một cách vô thức. Và sẽ chẳng biết được bao nhiêu thành công mới đủ để có thể đáp lại kỳ vọng mà bản thân vô tình tạo nên. Nhưng cũng có những bạn sẽ trở nên tức giận, và thay vì đáp ứng nhu cầu của ba mẹ thì họ sẽ làm ngược lại. Họ sẽ phá hủy mọi thứ, biến những thành công, những tài năng thành tệ hại để lần này người thất vọng không ai khác là ba mẹ.
THỦY TIÊN