BÀN TAY TẶNG HOA HỒNG
BÀN TAY TẶNG HOA HỒNG
“Con gái đi đâu mà lâu quá không thấy đi xe bus vậy?”
“Con vẫn đi mỗi ngày chú ơi, tại không may mắn đi trúng tài của chú thôi.”
Chú tài xế già cười ngặt nghẽo rồi bật đĩa nhạc nhẹ nhàng thời của cô Giao Linh, Thanh Tuyền như thường nhật. Nghe đúng gu nhạc của ba, tôi cảm giác nhớ nhà da diết. Tôi lim dim nhắm mắt, gà gật vì tối qua lại làm cú đêm.
Rồi tôi lại giật bắn mình vì tiếng chuông nhấn liên tục như kiểu mấy đứa trẻ phá chuông nhà hàng xóm. Một giọng nói chua lét khiến buổi sớm yên bình trở nên cộc cằn, khó chịu.
“Dừng xe. Anh có nghe chuông không vậy. Sao tới trạm rồi mà không chịu dừng?” – Một cô cũng khá đứng tuổi cáu gắt, hét ầm ở phía cuối xe.
“Chị phải bấm chuống cách trạm năm mươi mét thì tôi mới đánh lái vào mà dừng được chị ơi. Sau này chị nghe thông báo rồi làm cho đúng nhé”.
“Làm sao mà người ta canh được là còn năm mươi mét, bấm chuông rồi thì phải tắp vào cho người ta xuống chứ! Tắp vào nhanh đi”.
Chú im lặng cho qua.
Một thanh niên lên tiếng “Trên chỗ chuông có hướng dẫn đó cô ơi, xe tập thể chứ không phải xe nhà cô ạ”.
Cái nguýt dài thườn thượt là câu trả lời mà cô ấy dành cho anh thanh niên, khiến tôi bất giác phì cười.
Xe lỡ trạm. Chú tài xế dừng ở một trạm kế cách đó khoảng 300-400m để cô ấy xuống xe, tiếng lầm bầm vẫn nheo nhéo mãi đến khi xe đóng cửa hẳn.
“Gặp trúng mấy bà như vầy đôi co mệt óc, thôi im cho rồi con ạ”. Rồi chú lại cười hề hề tiếp tục hành trình.
Có lẽ mọi người sẽ nghĩ rằng chú ấy là một trong những chú tài xế hàng hiếm ở Sài Gòn này. Nhưng thật ra, có rất nhiều bác tài tử tế như chú. Họ hài hước, lễ độ, nhường nhịn dù khách có “ba trợn” đến mức nào. Rất nhiều bác tài vẫn dừng xe rất đàng hoàng để đón, thả người già, trẻ con, bà bầu…
Tuy nhiên, tôi không phủ nhận rằng có một bộ phận không nhỏ bác tài hay có thái độ cáu gắt, thiếu kiên nhẫn, thiếu kiểm soát hành vi và lời nói của mình. Chính bản thân tôi cũng đã gặp rất nhiều cảnh “chướng tai gai mắt” khi có vài lần xui xẻo “lên nhầm” xe vài bác hay chửi mắng khách, đặc biệt là người già.
Nhưng cái sai không bao giờ chỉ xuất phát từ một phía. Chính vì sự đánh đồng từ phía tài xế dành cho hành khách và từ hành khách dành cho tài xế đã khiến cho mâu thuẫn liên tục phát sinh, mất khả năng hòa giải và không còn thái độ chừng mực trong cư xử giữa người và người nữa.
Mỗi người đều có một định kiến cho sự việc mà mình nhìn thấy và mặc định điều đó là một chân lý vì nó xảy ra nhan nhản, được đồn thổi qua những bàn tay chủ quan “viết cho số đông”.
Nếu buổi sáng nào đó, chúng ta tình cờ thấy người tài xế vội vàng, ăn gấp gáp những muỗng cơm đã nguội, đựng trong chiếc cà mền để còn chạy kịp tài kế tiếp, thì có lẽ bạn sẽ nhẹ nhàng hơn khi bác lỡ quên mất tiếng chuông báo xuống xe mà đạp ga làm lỡ trạm dừng của bạn.
Nếu một ngày chúng ta nhìn thấy vào tầm 3-4h sáng, khi mọi người còn bình an trong giấc ngủ, họ phải luân phiên nhau dậy sớm để lấy tài đầu ngày, thì có lẽ chúng ta sẽ thông cảm cho những chuyến xe cuối, sự mỏi mệt và kẹt xe ở thành phố này sẽ làm người ta dễ cáu gắt hơn.
Nếu chúng ta biết được rằng, đồng lương của các bác tài được tính theo số lượng cuốc chạy được trong tháng, nhưng về bến trễ hay sớm cũng đều bị phạt và trừ lương; nếu chúng ta hiểu được sự căng thẳng của hơn mười tiếng đồng hồ cầm vô lăng mà thời gian nghỉ để thở giữa cái chuyến chưa đến mười phút; thì có lẽ, chúng ta sẽ cảm thông cho những cái im lặng không trả lời của họ khi chúng ta báo dừng trạm mà không một lời đáp.
…
Nếu anh tài xế biết được rằng, cụ già hay đứng đón xe ở trạm không còn nhìn thấy rõ, phải chờ xe đến gần thật gần mới thấy được số xe mà vẫy tay nhờ rước, thì có lẽ anh sẽ không cong cớn mắng cụ rằng “Đón xe mà sao không biết vẫy từ sớm vậy”.
Nếu anh tài xế để ý được rằng em sinh viên ấy bị tật ở chân, mỗi lần lên xuống xe đều rất chậm chạp, thì anh sẽ không buông lời gay gắt “Lẹ lên, lề mề quá rồi đấy”.
Nếu anh tài xế biết được rằng ông bác kia bị lãng tai, đi khám bệnh chẳng có con cháu đi cùng, thì khi bác bấm chuông báo dừng rồi bối rối khi biết mình đã nhầm vị trí, anh sẽ không gắt lên rằng “Mai mốt làm ơn nghe cho rõ tên trạm dùm”.
…
Chúng ta sẽ chẳng mất điều gì nếu chịu khó quan sát nhiều hơn, nhìn nhiều góc độ để tử tế hơn với nhau. Đừng chỉ nhìn bằng mắt, nghe bằng tai, mà hãy dùng trái tim và tình thương của mình để tặng cho nhau những nụ cười thay vì những lời nói thô kệch.
Hoa hồng muôn đời vẫn là loài hoa đại diện cho tình yêu.
Và bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng sẽ phảng phất hương thơm.
Một buổi sáng sẽ an lành, khi chúng ta bước xuống xe bus và không quên câu cảm ơn đầy trìu mến.
LẠC NHIÊN
“Con gái đi đâu mà lâu quá không thấy đi xe bus vậy?”
“Con vẫn đi mỗi ngày chú ơi, tại không may mắn đi trúng tài của chú thôi.”
Chú tài xế già cười ngặt nghẽo rồi bật đĩa nhạc nhẹ nhàng thời của cô Giao Linh, Thanh Tuyền như thường nhật. Nghe đúng gu nhạc của ba, tôi cảm giác nhớ nhà da diết. Tôi lim dim nhắm mắt, gà gật vì tối qua lại làm cú đêm.
Rồi tôi lại giật bắn mình vì tiếng chuông nhấn liên tục như kiểu mấy đứa trẻ phá chuông nhà hàng xóm. Một giọng nói chua lét khiến buổi sớm yên bình trở nên cộc cằn, khó chịu.
“Dừng xe. Anh có nghe chuông không vậy. Sao tới trạm rồi mà không chịu dừng?” – Một cô cũng khá đứng tuổi cáu gắt, hét ầm ở phía cuối xe.
“Chị phải bấm chuống cách trạm năm mươi mét thì tôi mới đánh lái vào mà dừng được chị ơi. Sau này chị nghe thông báo rồi làm cho đúng nhé”.
“Làm sao mà người ta canh được là còn năm mươi mét, bấm chuông rồi thì phải tắp vào cho người ta xuống chứ! Tắp vào nhanh đi”.
Chú im lặng cho qua.
Một thanh niên lên tiếng “Trên chỗ chuông có hướng dẫn đó cô ơi, xe tập thể chứ không phải xe nhà cô ạ”.
Cái nguýt dài thườn thượt là câu trả lời mà cô ấy dành cho anh thanh niên, khiến tôi bất giác phì cười.
Xe lỡ trạm. Chú tài xế dừng ở một trạm kế cách đó khoảng 300-400m để cô ấy xuống xe, tiếng lầm bầm vẫn nheo nhéo mãi đến khi xe đóng cửa hẳn.
“Gặp trúng mấy bà như vầy đôi co mệt óc, thôi im cho rồi con ạ”. Rồi chú lại cười hề hề tiếp tục hành trình.
Có lẽ mọi người sẽ nghĩ rằng chú ấy là một trong những chú tài xế hàng hiếm ở Sài Gòn này. Nhưng thật ra, có rất nhiều bác tài tử tế như chú. Họ hài hước, lễ độ, nhường nhịn dù khách có “ba trợn” đến mức nào. Rất nhiều bác tài vẫn dừng xe rất đàng hoàng để đón, thả người già, trẻ con, bà bầu…
Tuy nhiên, tôi không phủ nhận rằng có một bộ phận không nhỏ bác tài hay có thái độ cáu gắt, thiếu kiên nhẫn, thiếu kiểm soát hành vi và lời nói của mình. Chính bản thân tôi cũng đã gặp rất nhiều cảnh “chướng tai gai mắt” khi có vài lần xui xẻo “lên nhầm” xe vài bác hay chửi mắng khách, đặc biệt là người già.
Nhưng cái sai không bao giờ chỉ xuất phát từ một phía. Chính vì sự đánh đồng từ phía tài xế dành cho hành khách và từ hành khách dành cho tài xế đã khiến cho mâu thuẫn liên tục phát sinh, mất khả năng hòa giải và không còn thái độ chừng mực trong cư xử giữa người và người nữa.
Mỗi người đều có một định kiến cho sự việc mà mình nhìn thấy và mặc định điều đó là một chân lý vì nó xảy ra nhan nhản, được đồn thổi qua những bàn tay chủ quan “viết cho số đông”.
Nếu buổi sáng nào đó, chúng ta tình cờ thấy người tài xế vội vàng, ăn gấp gáp những muỗng cơm đã nguội, đựng trong chiếc cà mền để còn chạy kịp tài kế tiếp, thì có lẽ bạn sẽ nhẹ nhàng hơn khi bác lỡ quên mất tiếng chuông báo xuống xe mà đạp ga làm lỡ trạm dừng của bạn.
Nếu một ngày chúng ta nhìn thấy vào tầm 3-4h sáng, khi mọi người còn bình an trong giấc ngủ, họ phải luân phiên nhau dậy sớm để lấy tài đầu ngày, thì có lẽ chúng ta sẽ thông cảm cho những chuyến xe cuối, sự mỏi mệt và kẹt xe ở thành phố này sẽ làm người ta dễ cáu gắt hơn.
Nếu chúng ta biết được rằng, đồng lương của các bác tài được tính theo số lượng cuốc chạy được trong tháng, nhưng về bến trễ hay sớm cũng đều bị phạt và trừ lương; nếu chúng ta hiểu được sự căng thẳng của hơn mười tiếng đồng hồ cầm vô lăng mà thời gian nghỉ để thở giữa cái chuyến chưa đến mười phút; thì có lẽ, chúng ta sẽ cảm thông cho những cái im lặng không trả lời của họ khi chúng ta báo dừng trạm mà không một lời đáp.
…
Nếu anh tài xế biết được rằng, cụ già hay đứng đón xe ở trạm không còn nhìn thấy rõ, phải chờ xe đến gần thật gần mới thấy được số xe mà vẫy tay nhờ rước, thì có lẽ anh sẽ không cong cớn mắng cụ rằng “Đón xe mà sao không biết vẫy từ sớm vậy”.
Nếu anh tài xế để ý được rằng em sinh viên ấy bị tật ở chân, mỗi lần lên xuống xe đều rất chậm chạp, thì anh sẽ không buông lời gay gắt “Lẹ lên, lề mề quá rồi đấy”.
Nếu anh tài xế biết được rằng ông bác kia bị lãng tai, đi khám bệnh chẳng có con cháu đi cùng, thì khi bác bấm chuông báo dừng rồi bối rối khi biết mình đã nhầm vị trí, anh sẽ không gắt lên rằng “Mai mốt làm ơn nghe cho rõ tên trạm dùm”.
…
Chúng ta sẽ chẳng mất điều gì nếu chịu khó quan sát nhiều hơn, nhìn nhiều góc độ để tử tế hơn với nhau. Đừng chỉ nhìn bằng mắt, nghe bằng tai, mà hãy dùng trái tim và tình thương của mình để tặng cho nhau những nụ cười thay vì những lời nói thô kệch.
Hoa hồng muôn đời vẫn là loài hoa đại diện cho tình yêu.
Và bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng sẽ phảng phất hương thơm.
Một buổi sáng sẽ an lành, khi chúng ta bước xuống xe bus và không quên câu cảm ơn đầy trìu mến.
LẠC NHIÊN