BẠN ĐỜI
BẠN ĐỜI
Chúng ta vẫn thường gọi người đầu ấp tay gối của mình là “bạn đời” – một tiếng gọi nghe chừng bình dị, gần gũi và có chút gì đó rưng rưng. Và nhiều người rất thích cách gọi này nhưng chúng ta có bao giờ tự hỏi lòng mình đã thấu hiểu ý nghĩa thực sự của tiếng gọi ấy chưa? Chúng ta đã đối xử với người ấy đúng nghĩa một người bạn đời hay chưa?
Những định kiến bảo thủ trước đây cho rằng trong một đất nước không thể có hai vua, trong một gia đình không thể có hai người cùng làm chủ. Sự so sánh này rất khập khiễng nhưng thật không may rằng nó đã tồn tại quá lâu.
Khi xã hội tiến bộ, người ta hô hào bình đẳng giới nhưng vẫn đặt phụ nữ ở vai trò phía sau người chồng trong gia đình. Vì vậy, từ trước đến nay, vợ chồng gọi nhau là bạn đời nhưng có lẽ cũng chỉ là gọi theo số đông mà thôi.
Thế nào là bạn đời?
Khi lựa chọn một ai đó làm bạn đời – người sẽ cùng mình bắt đầu từ thời điểm đó chia sẻ tất cả mọi vui buồn, áp lực của cuộc sống này thì mọi sự việc xảy ra trong không gian sống của mối quan hệ được xác lập đó đã không còn là việc riêng tư và mọi quyết định không thể chỉ do ý kiến của một người.
Từ “bạn” trong “bạn đời” có nghĩa là “bằng” trong “bằng hữu”. Thế nên ngay từ đầu nó đã nêu lên một mối quan hệ bình đẳng và ngang hàng với nhau. Không ai hơn kém ai. Không ai được áp đặt lên ai. Mọi điều nên được chia sẻ và thống nhất.
Nếu không, mọi đau khổ hay tổn thương trong gia đình thường sẽ do một bên lấn áp bên còn lại và sự nhường nhịn chỉ luôn từ một phía sẽ tích tụ những oán giận trong lòng – một thứ ám khí gây ra sự tan vỡ, hạnh phúc đôi khi chỉ là vỏ bọc bên ngoài.
Chữ “đời” trong tiếng gọi thân thương ấy mang trong nó một ý nghĩa của sự gắn kết lâu dài. Không là tạm bợ mà là sống đời bên nhau. Không phải là “bạn bè” – vui thì kết, buồn thì tan, vui là bạn, buồn là bè. Chẳng phải khi còn vui thì còn quấn quýt, lúc mất vui thì vội vã rời. Chữ “đời” ngầm hiểu như một lời hứa hẹn đồng hành trăm năm.
“Bạn đời” có trong nó vừa là sự bình đẳng, chia sẻ, vừa là sự nhịn nhường, bao dung qua lại để duy trì một mối quan hệ mang tính gắn kết giữa hai con người, hai bản ngã, hai cá tính khác nhau.
Sự chia sẻ, đồng hành trong khái niệm bạn đời
Ở xã hội văn minh bây giờ, thế hệ chúng ta buộc phải nhìn nhận một vấn đề đa chiều hơn, sâu sắc hơn các thế hệ đi trước. Vì họ đã sai lầm khi đặt ra quá nhiều quan điểm mà sự hy sinh “nghiễm nhiên” nghiêng về một phía, họ mặc định quá nhiều thứ khiến hôn nhân gần như là một gánh nặng cho phụ nữ, đặc biệt là sau khi con cái ra đời.
Sự chia sẻ có một ý nghĩa quan trọng trong đời sống hiện đại, nơi mà áp lực luôn đòi hỏi con người phải gồng mình chạy về phía trước.
Chúng ta cần phải nhìn nhận thực tế rằng những định kiến cũ kĩ như “Đàn ông kiếm tiền, đàn bà bếp núc, con cái. Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” đã vô cùng cổ hủ, trở thành vô nghĩa và chẳng còn phù hợp với cuộc sống hiện đại này nữa.
Đặc biệt ngày nay, khi gánh nặng kinh tế chất chồng, phụ nữ cũng phải bươn chải ngoài xã hội để lo tài chính nhưng lại mặc định họ vẫn phải vun vén, chăm sóc nhà cửa, con cái trong khi thời gian mỗi ngày của mỗi người là như nhau. Đây nào có phải là thành quả của việc kêu gọi bảo vệ và trân trọng phụ nữ ròng rã bao nhiêu thập kỉ vừa qua.
Mỗi năm, chúng ta dành ra đến tận hai ngày (8/3 và 20/10) để mang hoa hồng tôn vinh phụ nữ, nhưng còn tất cả những ngày còn lại thì thế nào? Khi các đức ông chồng ngân nga đọc “hôm nay ngày tám tháng ba, tôi giặt dùm bà chiếc áo của tôi”, liệu các anh có thấy được sự chua chát của người vợ khi nghe câu đó không?
Có thể chúng ta sẽ đặt lên bàn cân mà so sánh văn hóa phương Đông với phương Tây, ca ngợi những giá trị truyền thống, ca ngợi đức hy sinh của phụ nữ phương Đông… Chúng ta ngợi ca để rồi tiếp tục hướng phụ nữ đến đức hy sinh nhưng mà sự tôn trọng đôi khi lại chẳng có. Tất cả những điều đó chỉ để biện minh, bao che một cách thiếu sĩ diện cho một quan điểm thất bại về ý nghĩa của hôn nhân – gia đình.
Bất bình đẳng giới vẫn tồn tại như một u nhọt lâu năm vì người ta chỉ nạo vét vết mưng mủ ở bề nổi nhưng chưa bao giờ nghiêm túc để đưa thuốc vào giải quyết căn cơ. Gia đình là hạt nhân của xã hội, sự thay đổi trong nhận thức của mỗi gia đình mới tạo nên sự thay đổi chung của xã hội.
Chúng ta đừng quá ca ngợi một người đàn ông biết “phụ vợ” chăm sóc con cái. Bởi vì đó không phải là một việc lạ lùng hay đáng ngưỡng mộ mà đó chỉ là một việc nên làm mà lâu nay người chồng, người cha đã theo lối mòn tư duy xưa cũ để thoái thác. Thay vào đó, hãy chia sẻ những tít bài tích cực hơn về bình đẳng giới ví dụ như “Chăm sóc con cái là một công việc cần được chia sẻ trên hai đôi vai vợ chồng”.
Hai tiếng “bạn đời” giữa hai con người trong một gia đình có ý nghĩa rất thiêng liêng. Nó không chỉ xác lập mối quan hệ của hai người đơn lẻ nữa mà còn là một sự nhắc nhở đến vị trí và trách nhiệm của mỗi người trong quan hệ gia đình.
Chúng ta yêu thương nhau mới hướng đến hôn nhân. Vậy thì trên nền tảng của yêu thương ấy, hãy nghĩ đến một cuộc sống đúng nghĩa với cách chúng ta gọi nhau là “bạn đời”. Cam kết và ngầm hiểu với nhau ý nghĩa của một mối quan hệ nơi mà sự bình đẳng và gắn kết là trọng tâm.
Ta gọi nhau hai tiếng “bạn đời”
Cuộc bể dâu lắm gập ghềnh, bất trắc
Hạnh phúc, đớn đau, nụ cười hay nước mắt
Ta nguyện đồng hành trọn vẹn tiếng yêu thương.
Giữa đời thị phi, định kiến nhiễu nhương
Hạnh phúc đôi khi mỏng manh như sợi chỉ
Nếu ta sống dựa vào điều người khác nghĩ
Sẽ vô tình khiến một thể phân hai.
Có yêu thương mới bước được đường dài
Có sẻ chia mới giữ tròn lời hẹn hứa
Có bao dung thì bếp nhà mới ấm lửa
Thấu hiểu bạn đời – hạnh phúc ở trong tay.
LẠC NHIÊN
Chúng ta vẫn thường gọi người đầu ấp tay gối của mình là “bạn đời” – một tiếng gọi nghe chừng bình dị, gần gũi và có chút gì đó rưng rưng. Và nhiều người rất thích cách gọi này nhưng chúng ta có bao giờ tự hỏi lòng mình đã thấu hiểu ý nghĩa thực sự của tiếng gọi ấy chưa? Chúng ta đã đối xử với người ấy đúng nghĩa một người bạn đời hay chưa?
Những định kiến bảo thủ trước đây cho rằng trong một đất nước không thể có hai vua, trong một gia đình không thể có hai người cùng làm chủ. Sự so sánh này rất khập khiễng nhưng thật không may rằng nó đã tồn tại quá lâu.
Khi xã hội tiến bộ, người ta hô hào bình đẳng giới nhưng vẫn đặt phụ nữ ở vai trò phía sau người chồng trong gia đình. Vì vậy, từ trước đến nay, vợ chồng gọi nhau là bạn đời nhưng có lẽ cũng chỉ là gọi theo số đông mà thôi.
Thế nào là bạn đời?
Khi lựa chọn một ai đó làm bạn đời – người sẽ cùng mình bắt đầu từ thời điểm đó chia sẻ tất cả mọi vui buồn, áp lực của cuộc sống này thì mọi sự việc xảy ra trong không gian sống của mối quan hệ được xác lập đó đã không còn là việc riêng tư và mọi quyết định không thể chỉ do ý kiến của một người.
Từ “bạn” trong “bạn đời” có nghĩa là “bằng” trong “bằng hữu”. Thế nên ngay từ đầu nó đã nêu lên một mối quan hệ bình đẳng và ngang hàng với nhau. Không ai hơn kém ai. Không ai được áp đặt lên ai. Mọi điều nên được chia sẻ và thống nhất.
Nếu không, mọi đau khổ hay tổn thương trong gia đình thường sẽ do một bên lấn áp bên còn lại và sự nhường nhịn chỉ luôn từ một phía sẽ tích tụ những oán giận trong lòng – một thứ ám khí gây ra sự tan vỡ, hạnh phúc đôi khi chỉ là vỏ bọc bên ngoài.
Chữ “đời” trong tiếng gọi thân thương ấy mang trong nó một ý nghĩa của sự gắn kết lâu dài. Không là tạm bợ mà là sống đời bên nhau. Không phải là “bạn bè” – vui thì kết, buồn thì tan, vui là bạn, buồn là bè. Chẳng phải khi còn vui thì còn quấn quýt, lúc mất vui thì vội vã rời. Chữ “đời” ngầm hiểu như một lời hứa hẹn đồng hành trăm năm.
“Bạn đời” có trong nó vừa là sự bình đẳng, chia sẻ, vừa là sự nhịn nhường, bao dung qua lại để duy trì một mối quan hệ mang tính gắn kết giữa hai con người, hai bản ngã, hai cá tính khác nhau.
Sự chia sẻ, đồng hành trong khái niệm bạn đời
Ở xã hội văn minh bây giờ, thế hệ chúng ta buộc phải nhìn nhận một vấn đề đa chiều hơn, sâu sắc hơn các thế hệ đi trước. Vì họ đã sai lầm khi đặt ra quá nhiều quan điểm mà sự hy sinh “nghiễm nhiên” nghiêng về một phía, họ mặc định quá nhiều thứ khiến hôn nhân gần như là một gánh nặng cho phụ nữ, đặc biệt là sau khi con cái ra đời.
Sự chia sẻ có một ý nghĩa quan trọng trong đời sống hiện đại, nơi mà áp lực luôn đòi hỏi con người phải gồng mình chạy về phía trước.
Chúng ta cần phải nhìn nhận thực tế rằng những định kiến cũ kĩ như “Đàn ông kiếm tiền, đàn bà bếp núc, con cái. Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” đã vô cùng cổ hủ, trở thành vô nghĩa và chẳng còn phù hợp với cuộc sống hiện đại này nữa.
Đặc biệt ngày nay, khi gánh nặng kinh tế chất chồng, phụ nữ cũng phải bươn chải ngoài xã hội để lo tài chính nhưng lại mặc định họ vẫn phải vun vén, chăm sóc nhà cửa, con cái trong khi thời gian mỗi ngày của mỗi người là như nhau. Đây nào có phải là thành quả của việc kêu gọi bảo vệ và trân trọng phụ nữ ròng rã bao nhiêu thập kỉ vừa qua.
Mỗi năm, chúng ta dành ra đến tận hai ngày (8/3 và 20/10) để mang hoa hồng tôn vinh phụ nữ, nhưng còn tất cả những ngày còn lại thì thế nào? Khi các đức ông chồng ngân nga đọc “hôm nay ngày tám tháng ba, tôi giặt dùm bà chiếc áo của tôi”, liệu các anh có thấy được sự chua chát của người vợ khi nghe câu đó không?
Có thể chúng ta sẽ đặt lên bàn cân mà so sánh văn hóa phương Đông với phương Tây, ca ngợi những giá trị truyền thống, ca ngợi đức hy sinh của phụ nữ phương Đông… Chúng ta ngợi ca để rồi tiếp tục hướng phụ nữ đến đức hy sinh nhưng mà sự tôn trọng đôi khi lại chẳng có. Tất cả những điều đó chỉ để biện minh, bao che một cách thiếu sĩ diện cho một quan điểm thất bại về ý nghĩa của hôn nhân – gia đình.
Bất bình đẳng giới vẫn tồn tại như một u nhọt lâu năm vì người ta chỉ nạo vét vết mưng mủ ở bề nổi nhưng chưa bao giờ nghiêm túc để đưa thuốc vào giải quyết căn cơ. Gia đình là hạt nhân của xã hội, sự thay đổi trong nhận thức của mỗi gia đình mới tạo nên sự thay đổi chung của xã hội.
Chúng ta đừng quá ca ngợi một người đàn ông biết “phụ vợ” chăm sóc con cái. Bởi vì đó không phải là một việc lạ lùng hay đáng ngưỡng mộ mà đó chỉ là một việc nên làm mà lâu nay người chồng, người cha đã theo lối mòn tư duy xưa cũ để thoái thác. Thay vào đó, hãy chia sẻ những tít bài tích cực hơn về bình đẳng giới ví dụ như “Chăm sóc con cái là một công việc cần được chia sẻ trên hai đôi vai vợ chồng”.
Hai tiếng “bạn đời” giữa hai con người trong một gia đình có ý nghĩa rất thiêng liêng. Nó không chỉ xác lập mối quan hệ của hai người đơn lẻ nữa mà còn là một sự nhắc nhở đến vị trí và trách nhiệm của mỗi người trong quan hệ gia đình.
Chúng ta yêu thương nhau mới hướng đến hôn nhân. Vậy thì trên nền tảng của yêu thương ấy, hãy nghĩ đến một cuộc sống đúng nghĩa với cách chúng ta gọi nhau là “bạn đời”. Cam kết và ngầm hiểu với nhau ý nghĩa của một mối quan hệ nơi mà sự bình đẳng và gắn kết là trọng tâm.
Ta gọi nhau hai tiếng “bạn đời”
Cuộc bể dâu lắm gập ghềnh, bất trắc
Hạnh phúc, đớn đau, nụ cười hay nước mắt
Ta nguyện đồng hành trọn vẹn tiếng yêu thương.
Giữa đời thị phi, định kiến nhiễu nhương
Hạnh phúc đôi khi mỏng manh như sợi chỉ
Nếu ta sống dựa vào điều người khác nghĩ
Sẽ vô tình khiến một thể phân hai.
Có yêu thương mới bước được đường dài
Có sẻ chia mới giữ tròn lời hẹn hứa
Có bao dung thì bếp nhà mới ấm lửa
Thấu hiểu bạn đời – hạnh phúc ở trong tay.
LẠC NHIÊN