AI KHÔNG THÍCH TẾT?
AI KHÔNG THÍCH TẾT?
Khuôn khổ của một đứa trẻ ngoan
Gần đến Tết, tâm trạng của em cứ lên xuống thất thường. Em sắp được về nhà với vòng tay mẹ sau một năm xa nhà miệt mài học tập. Em nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ cả đứa em gái “mít ướt, đụng đâu khóc đó”. Em nhớ những bữa ăn gia đình quây quần bên mâm cơm ấm áp, mẹ gắp vào chén em rất nhiều thức ăn và nói: “Ăn nhiều mới có sức mà học”, còn cha chỉ lẳng lặng ăn cơm, thỉnh thoảng cha sẽ lén nhìn hai đứa con của mình ăn uống ngon miệng và mỉm cười. Nhưng…
Em cũng sợ những bữa cơm họp mặt, nơi mà anh chị cô chú trong họ hàng cùng quây quần bên mâm cơm. Em sợ sự so sánh của người lớn dành cho những đứa trẻ đồng trang lứa. “Chị Tư vừa đi học vừa đi làm, năm cuối rồi mà vẫn được học bổng đều đều, mà ở công ty lại được trả lương cao. Nhìn chị ấy mà học hỏi!” “Anh Sáu tuy là ra trường bằng khá, nhưng lương nghìn đô.” Em sợ những câu hỏi dồn dập, không mang tính quan tâm và thương yêu, như một lời chào đầu câu chuyện sáo rỗng được lặp đi lặp lại giữa các thế hệ trong gia đình: Thành tích học tập ra sao? Lương tháng bao nhiêu? Một tháng gửi cha mẹ được bao nhiêu? Khi nào lấy chồng?… Em sợ những ánh mắt soi mói, những lời cảm thán cay nghiệt về sự khác biệt, dám sống và là chính mình: “Tóc tai gì mà hai ba màu!” “Xăm trổ như mấy đứa đầu đường xó chợ!” “Ăn với chẳng mặc, chả ra làm sao!” Đôi lúc em biết rằng những lời nói đó không thể làm mình đau nếu như mình có niềm tin vào bản thân và có trách nhiệm với cuộc đời mình – những gì mình làm, nhưng em biết cha mẹ em sẽ đau đáu vì những lời nói vô thưởng vô phạt của những người xung quanh. Em muốn về nhà nhưng không phải là ngày Tết, em không thích Tết.
“Xuất giá tòng phu” và bộn bề lo toan
Mỗi ngày chị thầm cầu nguyện rằng năm nay chồng chị sẽ cho cả nhà về quê ngoại ăn Tết. Quê nội ở Quảng Ninh, quê ngoại lại ở tận mũi Cà Mau, đi ô tô thì xa, vé máy bay thì quá sức với kinh tế của gia đình, thế nên năm nào đã chọn đón Tết ở đâu là ở lại đó đến ra năm. Hai năm vừa rồi một năm thì về nhà nội ở đến hết Tết, một năm thì vì dịch bệnh mà cả nhà đóng cửa loanh quanh trong nhà với nhau. Chị nhớ tía má quá! Hai ông bà chỉ có hai đứa con gái, đứa nào lớn cũng đi lấy chồng xa nhà, tía hay ngâm nga trêu chị: “Ai đem chim sáo sang sông, để cho chim sáo sổ lồng, sổ lồng bay xa, sáo bay bỏ lại mình ta” Thỉnh thoảng nghe ai hát vang vọng tiếng lòng con gái lấy chồng ở xa nhà cha mẹ, chị chực trào nước mắt. Có người hỏi sao những ngày bình thường không về chơi với cha mẹ cho thỏa nỗi nhớ, ừ thì những ngày quay cuồng với bao nhiêu thứ lo toan từ cơm áo gạo tiền đến việc học hành của các con, việc bếp núc trong gia đình, chị sợ rằng chỉ cần mình bỏ mặc mọi thứ để về với tía má thì mọi thứ sẽ rối bời.
Nhắc đến việc lo toan, chị vừa mong Tết để “được về”, vừa sợ Tết đến mang theo nhiều lo lắng: Liệu số tiền mà hai vợ chồng cày cuốc chắt chiu cả năm nay có đủ để sắm sửa cho gia đình và nội ngoại hai bên? Rồi tiền quà bánh cho thầy cô của mấy đứa nhỏ, tiền biếu cấp trên, tiền lì xì cho những đứa trẻ háo hức đợi xuân về. Nghĩ đến những ngày Tết ở nhà chồng phải dậy từ lờ mờ sáng để nấu xôi, làm gà, rồi ngồi đợi mọi người trong làng qua ăn uống linh đình đến đêm khuya lại lọ mọ dọn dẹp là hết ngày. Nhìn những đứa con thơ vui vẻ mang bao lì xì ra khoe với nhau, nhìn chồng hớn hở chén chú chén anh với gia đình, bè bạn, nhìn bản thân ngơ ngẩn với những cảm xúc Tết rối bời. Rốt cuộc là chị có thích Tết không?
Người mẹ có đứa con xa nhà
Đi dọc phố thấy mọi người trang trí nhà cửa đèn hoa sáng rực rỡ và ấm cúng, mẹ thấy chạnh lòng. Mẹ thương đứa con xa xứ của mẹ, chắc giờ này con đang miệt mài làm việc để quên đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Mẹ mơ thấy con ngày bé xúng xính trong bộ áo dài đi chúc Tết họ hàng cùng ba mẹ, con bập bẹ lời chúc đã được luyện tập hằng ngày để được nhận chiếc bao đỏ từ người lớn. Những năm sau con đi học, con biết múa hát thay cho những lời chúc “Chúc cụ già được sống lâu sống thọ, cùng con cháu sang năm lại đón tết sang. Và kính chúc người người sẽ gặp lành, Tết sau được nhiều lộc hơn tết nay. Tết đến đoàn tụ cùng ở bên bếp hồng và nồi bánh chưng xanh chờ xuân đang sang”. Nhờ con, Tết của gia đình rộn ràng và ấm cúng.
Con nói với ba mẹ rằng con muốn đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, con muốn dành dụm thật nhiều tiền để xây cho ba mẹ một ngôi nhà khang trang hơn. Nhìn thấy ý chí của con, ba mẹ tự hào và hãnh diện, nhưng mẹ hiểu một mình con ở đất khách quê người sẽ cô đơn thế nào. Nghĩ đến cảnh con cuộn mình trong chăn nhìn những tấm hình đón Tết đoàn viên của bạn bè ở Việt Nam, con cố gồng mình để không bật khóc, mẹ thấy lòng mình quặn đau. Mỗi lần gọi điện thoại cho con, mẹ cố gắng không kể cho con nghe về sự nhộn nhịp mùa xuân đến ở quê nhà, rồi một ngày con hỏi mẹ “Ba mẹ chuẩn bị cho Tết chưa, con ở xa không sắm sửa được cho nhà mình…” Tim mẹ nhói đau, con ơi mẹ không cần đủ đầy vật chất mà gia đình mình phải thiếu vắng một ai. Ba mẹ chỉ cần có tiếng nói con trong nhà, tiếng con cười, con hát, với ba mẹ đó là hạnh phúc lớn nhất đời. Mẹ ước gì không có Tết để con mẹ nơi đất khách quê người bớt đi những trăn trở nhớ nhung…
HUYỀN TRANG
Khuôn khổ của một đứa trẻ ngoan
Gần đến Tết, tâm trạng của em cứ lên xuống thất thường. Em sắp được về nhà với vòng tay mẹ sau một năm xa nhà miệt mài học tập. Em nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ cả đứa em gái “mít ướt, đụng đâu khóc đó”. Em nhớ những bữa ăn gia đình quây quần bên mâm cơm ấm áp, mẹ gắp vào chén em rất nhiều thức ăn và nói: “Ăn nhiều mới có sức mà học”, còn cha chỉ lẳng lặng ăn cơm, thỉnh thoảng cha sẽ lén nhìn hai đứa con của mình ăn uống ngon miệng và mỉm cười. Nhưng…
Em cũng sợ những bữa cơm họp mặt, nơi mà anh chị cô chú trong họ hàng cùng quây quần bên mâm cơm. Em sợ sự so sánh của người lớn dành cho những đứa trẻ đồng trang lứa. “Chị Tư vừa đi học vừa đi làm, năm cuối rồi mà vẫn được học bổng đều đều, mà ở công ty lại được trả lương cao. Nhìn chị ấy mà học hỏi!” “Anh Sáu tuy là ra trường bằng khá, nhưng lương nghìn đô.” Em sợ những câu hỏi dồn dập, không mang tính quan tâm và thương yêu, như một lời chào đầu câu chuyện sáo rỗng được lặp đi lặp lại giữa các thế hệ trong gia đình: Thành tích học tập ra sao? Lương tháng bao nhiêu? Một tháng gửi cha mẹ được bao nhiêu? Khi nào lấy chồng?… Em sợ những ánh mắt soi mói, những lời cảm thán cay nghiệt về sự khác biệt, dám sống và là chính mình: “Tóc tai gì mà hai ba màu!” “Xăm trổ như mấy đứa đầu đường xó chợ!” “Ăn với chẳng mặc, chả ra làm sao!” Đôi lúc em biết rằng những lời nói đó không thể làm mình đau nếu như mình có niềm tin vào bản thân và có trách nhiệm với cuộc đời mình – những gì mình làm, nhưng em biết cha mẹ em sẽ đau đáu vì những lời nói vô thưởng vô phạt của những người xung quanh. Em muốn về nhà nhưng không phải là ngày Tết, em không thích Tết.
“Xuất giá tòng phu” và bộn bề lo toan
Mỗi ngày chị thầm cầu nguyện rằng năm nay chồng chị sẽ cho cả nhà về quê ngoại ăn Tết. Quê nội ở Quảng Ninh, quê ngoại lại ở tận mũi Cà Mau, đi ô tô thì xa, vé máy bay thì quá sức với kinh tế của gia đình, thế nên năm nào đã chọn đón Tết ở đâu là ở lại đó đến ra năm. Hai năm vừa rồi một năm thì về nhà nội ở đến hết Tết, một năm thì vì dịch bệnh mà cả nhà đóng cửa loanh quanh trong nhà với nhau. Chị nhớ tía má quá! Hai ông bà chỉ có hai đứa con gái, đứa nào lớn cũng đi lấy chồng xa nhà, tía hay ngâm nga trêu chị: “Ai đem chim sáo sang sông, để cho chim sáo sổ lồng, sổ lồng bay xa, sáo bay bỏ lại mình ta” Thỉnh thoảng nghe ai hát vang vọng tiếng lòng con gái lấy chồng ở xa nhà cha mẹ, chị chực trào nước mắt. Có người hỏi sao những ngày bình thường không về chơi với cha mẹ cho thỏa nỗi nhớ, ừ thì những ngày quay cuồng với bao nhiêu thứ lo toan từ cơm áo gạo tiền đến việc học hành của các con, việc bếp núc trong gia đình, chị sợ rằng chỉ cần mình bỏ mặc mọi thứ để về với tía má thì mọi thứ sẽ rối bời.
Nhắc đến việc lo toan, chị vừa mong Tết để “được về”, vừa sợ Tết đến mang theo nhiều lo lắng: Liệu số tiền mà hai vợ chồng cày cuốc chắt chiu cả năm nay có đủ để sắm sửa cho gia đình và nội ngoại hai bên? Rồi tiền quà bánh cho thầy cô của mấy đứa nhỏ, tiền biếu cấp trên, tiền lì xì cho những đứa trẻ háo hức đợi xuân về. Nghĩ đến những ngày Tết ở nhà chồng phải dậy từ lờ mờ sáng để nấu xôi, làm gà, rồi ngồi đợi mọi người trong làng qua ăn uống linh đình đến đêm khuya lại lọ mọ dọn dẹp là hết ngày. Nhìn những đứa con thơ vui vẻ mang bao lì xì ra khoe với nhau, nhìn chồng hớn hở chén chú chén anh với gia đình, bè bạn, nhìn bản thân ngơ ngẩn với những cảm xúc Tết rối bời. Rốt cuộc là chị có thích Tết không?
Người mẹ có đứa con xa nhà
Đi dọc phố thấy mọi người trang trí nhà cửa đèn hoa sáng rực rỡ và ấm cúng, mẹ thấy chạnh lòng. Mẹ thương đứa con xa xứ của mẹ, chắc giờ này con đang miệt mài làm việc để quên đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Mẹ mơ thấy con ngày bé xúng xính trong bộ áo dài đi chúc Tết họ hàng cùng ba mẹ, con bập bẹ lời chúc đã được luyện tập hằng ngày để được nhận chiếc bao đỏ từ người lớn. Những năm sau con đi học, con biết múa hát thay cho những lời chúc “Chúc cụ già được sống lâu sống thọ, cùng con cháu sang năm lại đón tết sang. Và kính chúc người người sẽ gặp lành, Tết sau được nhiều lộc hơn tết nay. Tết đến đoàn tụ cùng ở bên bếp hồng và nồi bánh chưng xanh chờ xuân đang sang”. Nhờ con, Tết của gia đình rộn ràng và ấm cúng.
Con nói với ba mẹ rằng con muốn đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, con muốn dành dụm thật nhiều tiền để xây cho ba mẹ một ngôi nhà khang trang hơn. Nhìn thấy ý chí của con, ba mẹ tự hào và hãnh diện, nhưng mẹ hiểu một mình con ở đất khách quê người sẽ cô đơn thế nào. Nghĩ đến cảnh con cuộn mình trong chăn nhìn những tấm hình đón Tết đoàn viên của bạn bè ở Việt Nam, con cố gồng mình để không bật khóc, mẹ thấy lòng mình quặn đau. Mỗi lần gọi điện thoại cho con, mẹ cố gắng không kể cho con nghe về sự nhộn nhịp mùa xuân đến ở quê nhà, rồi một ngày con hỏi mẹ “Ba mẹ chuẩn bị cho Tết chưa, con ở xa không sắm sửa được cho nhà mình…” Tim mẹ nhói đau, con ơi mẹ không cần đủ đầy vật chất mà gia đình mình phải thiếu vắng một ai. Ba mẹ chỉ cần có tiếng nói con trong nhà, tiếng con cười, con hát, với ba mẹ đó là hạnh phúc lớn nhất đời. Mẹ ước gì không có Tết để con mẹ nơi đất khách quê người bớt đi những trăn trở nhớ nhung…
HUYỀN TRANG