NHỮNG LÁ THƯ TAY
NHỮNG LÁ THƯ TAY
Ở nhà tôi có một chiếc tủ gỗ cũ kỹ luôn nằm trong phòng khách, mặc kệ những vật dụng khác đã được sửa sang, tân trang bao lần. Chiếc tủ ấy có một ngăn “chuyên dụng”, đầy ắp những lá thư tay của ba. Có lá thư là do học trò ba gửi vào cái hồi ba chưa phải bỏ nghề giáo vì căn bệnh sốt rét. Có lá thư là từ đồng nghiệp cũ ngoài Phan Thiết hoặc bà con họ hàng. Nhiều nhất vẫn là thư ba viết cho má.
Lá thư tay nào cũng dài trên bốn trang, hẳn là vì người gửi có nhiều điều muốn nhắn nhủ quá. Nào là cảm ơn vì đã hỏi han giúp đỡ nhau, rồi tranh thủ hỏi thăm sức khỏe dạo này và nhắc nhở, dặn dò người nhận mấy câu. Nhiều người viết còn thường hay kể vài chuyện về cuộc sống gần đây và cả những dự định mà họ ấp ủ trong tương lai nữa. Mấy lá thư tình ba viết cho má thì đặc biệt hơn, vì nó ghi dấu những vần thơ khắc khoải mà ba từng tỉ mẩn viết ra và muốn dành tặng cho “nàng thơ” trong lòng mình.
Đọc mấy dòng chữ trong thư mà ta có thể nhìn ra biết bao nỗi niềm quan tâm, săn sóc, thương thương nhớ nhớ dành cho người nhận. Những chân tình, thương thiết ấy được gói gọn và lặng lẽ cất giữ dẫu tạo hóa vẫn vận hành và đi qua bao nhiêu năm tháng. Cho đến tận giờ, dù những trang giấy đã ố vàng, nhiều nét mực đã nhạt phai nhưng khi mở những phong thư của ba, tôi vẫn cảm nhận được tình cảm chứa chan, nồng nàn tựa hồ mới hôm qua.
Tôi thích những lá thư tay. Tôi chưa bao giờ thôi bồi hồi khi đọc những dòng chữ mang nặng tâm tình mà Trịnh Công Sơn gửi cho Dao Ánh, Lưu Quang Vũ gửi cho Xuân Quỳnh, hay gần gũi hơn hết là ba gửi cho má. Những lá thư tay chất chứa sự chân thành, cẩn trọng, da diết miên man mà không ký ức tự công nghệ số nào có thể truyền tải được.
Khi viết một lá thư tay để gửi trao cho ai, con người ta phải cân nhắc từng câu chữ rồi tỉ mẩn viết nên từng dòng. Tin nhắn văn bản còn xóa đi gõ lại, hay lỡ ấn gửi rồi thì cũng gỡ đi được. Thư tay thì đâu được như thế, đòi hỏi người ta phải cẩn trọng và tỉ mỉ từng chút. Thế nên khi có một ai dành thời gian để chăm chút viết một lá thư tay cho bạn, hẳn là người đó trân trọng và yêu thương bạn nhiều lắm.
Thư tay vừa gửi đi tiếng thương tiếng nhớ của người viết, vừa là mong muốn chúng sẽ được người nhận trân trọng giữ gìn. Tình yêu, lòng chân thành chẳng bao giờ nhạt màu trong những bức thư tay. Một lá thư vuông vức, được gói ghém gọn gàng rất dễ cất giữ. Người nhận có thể cất nó vào ngăn tủ hoặc kẹp vào quyển sách mà họ ưa thích, để dẫu cho rất nhiều năm tháng về sau, mắt kèm nhèm không rõ, thì những nỗi niềm ta từng gửi trao cho nhau vẫn mãi luôn nồng nàn và tươi trẻ.
Tôi thường viết thư tay cho gia đình, bạn bè, người yêu, và cũng rất thích được nhận những lá thư tay. Chẳng hạn như vào dịp sinh nhật, cô bạn sẽ gửi cho tôi tấm thiệp chúc mừng được trang trí đủ màu. Mấy lời bình thường mà hai đứa ngại “sến” nên cứng miệng, chả bao giờ thèm nói nhau nghe lại được gửi gắm rất tự nhiên và nhiệt thành. Nào là: “Cảm ơn mày vì đã luôn bên cạnh tao”; “Thiệt tự hào ghê, tụi mình đã trải qua tuổi hai mốt cùng nhau nè”; “Năm nay lại ám nhau tiếp nhé”;… Sao mà dễ thương quá đỗi.
Là một người con xa nhà từ khi lên đại học, tôi luôn cảm thấy biết ơn những người đã phát minh ra điện thoại và Internet, bởi nhờ chúng mà tôi có thể liên lạc với gia đình của mình ngay tức khắc. Dù vậy, cứ vài ba tháng, tôi vẫn nhận được những lá thư tay nồng ấm tình thân được gửi từ quê hương. Ba má ít khi hỏi tôi sức khỏe trong thư, bởi tôi đều “báo cáo” qua điện thoại cả rồi. Thay vào đó, ba má dặn tôi hãy luôn cố gắng, mà dù có thế nào chăng nữa thì tôi vẫn luôn là con gái cưng của ba má. Vì là thợ in nên ba còn tranh thủ kẹp mấy tấm ảnh mà ba nhờ em gái tôi chụp rồi tự in ra cho tôi. Dưới mỗi tấm ảnh ba sẽ ghi chú thích: “Ảnh này là nhà mình đi ăn đám cưới bác Ba”, “Con mèo của cô Tư mới đẻ ra một bầy nhóc”, “Một buổi hoàng hôn nhìn từ sân nhà mình”, “Quả kết trên cây ổi má con trồng năm ngoái”. Mỗi khi tôi chán chường và mỏi mệt trước áp lực cuộc sống, những dòng nhắn nhủ tâm tình của ba má đã tiếp sức cho tôi thêm nhiều lắm.
Bạn trai của tôi là một người lãng mạn. Mỗi ngày, anh đều viết cho tôi mấy lời dặn dò nhỏ xíu trên giấy note. Anh biết làm thơ, nhiều khi nổi hứng là lại viết thơ tình rồi lén nhét vào túi xách của tôi. Lá thư tay anh viết dài nhất cho tôi có lẽ là trong một lần hai đứa giận dỗi, chẳng buồn gặp mặt hay nhắn tin cho nhau. Anh bảo lúc anh cặm cụi viết lá thư này, anh trở nên điềm tĩnh và nền tính hơn, anh rũ bỏ những cảm xúc chi phối bên ngoài để có thể cẩn trọng suy xét lại mọi chuyện. Và điều tương tự cũng đã xảy ra với tôi.
Thư tay chính là một cái ôm đầy ấm áp và dịu dàng. Sẽ chẳng có thông báo nào đột nhiên nhảy ra và cắt đứt dòng cảm xúc miên man của người gửi và người nhận. Cả trang giấy đều dành để người này cẩn trọng giãi bày nỗi niềm rồi người kia lại kĩ càng ôm lấy chúng. Một lá thư dẫu chỉ có vài trang giấy mỏng manh nhưng lại chất chứa bao thương nhớ, trân trọng, kiên nhẫn và bao dung.
Ắt hẳn sẽ có không ít người tự hỏi, vào thời đại này, liệu có còn ai trân trọng những lá thư tay hay không. Tôi nghĩ rằng có! Chừng nào con người ta còn biết thương yêu và khao khát tình yêu, thì những lá thư tay vẫn sẽ là nơi chốn gửi gắm chân thành và thương thiết của những người yêu nhau.
CATHERINE
Ở nhà tôi có một chiếc tủ gỗ cũ kỹ luôn nằm trong phòng khách, mặc kệ những vật dụng khác đã được sửa sang, tân trang bao lần. Chiếc tủ ấy có một ngăn “chuyên dụng”, đầy ắp những lá thư tay của ba. Có lá thư là do học trò ba gửi vào cái hồi ba chưa phải bỏ nghề giáo vì căn bệnh sốt rét. Có lá thư là từ đồng nghiệp cũ ngoài Phan Thiết hoặc bà con họ hàng. Nhiều nhất vẫn là thư ba viết cho má.
Lá thư tay nào cũng dài trên bốn trang, hẳn là vì người gửi có nhiều điều muốn nhắn nhủ quá. Nào là cảm ơn vì đã hỏi han giúp đỡ nhau, rồi tranh thủ hỏi thăm sức khỏe dạo này và nhắc nhở, dặn dò người nhận mấy câu. Nhiều người viết còn thường hay kể vài chuyện về cuộc sống gần đây và cả những dự định mà họ ấp ủ trong tương lai nữa. Mấy lá thư tình ba viết cho má thì đặc biệt hơn, vì nó ghi dấu những vần thơ khắc khoải mà ba từng tỉ mẩn viết ra và muốn dành tặng cho “nàng thơ” trong lòng mình.
Đọc mấy dòng chữ trong thư mà ta có thể nhìn ra biết bao nỗi niềm quan tâm, săn sóc, thương thương nhớ nhớ dành cho người nhận. Những chân tình, thương thiết ấy được gói gọn và lặng lẽ cất giữ dẫu tạo hóa vẫn vận hành và đi qua bao nhiêu năm tháng. Cho đến tận giờ, dù những trang giấy đã ố vàng, nhiều nét mực đã nhạt phai nhưng khi mở những phong thư của ba, tôi vẫn cảm nhận được tình cảm chứa chan, nồng nàn tựa hồ mới hôm qua.
Tôi thích những lá thư tay. Tôi chưa bao giờ thôi bồi hồi khi đọc những dòng chữ mang nặng tâm tình mà Trịnh Công Sơn gửi cho Dao Ánh, Lưu Quang Vũ gửi cho Xuân Quỳnh, hay gần gũi hơn hết là ba gửi cho má. Những lá thư tay chất chứa sự chân thành, cẩn trọng, da diết miên man mà không ký ức tự công nghệ số nào có thể truyền tải được.
Khi viết một lá thư tay để gửi trao cho ai, con người ta phải cân nhắc từng câu chữ rồi tỉ mẩn viết nên từng dòng. Tin nhắn văn bản còn xóa đi gõ lại, hay lỡ ấn gửi rồi thì cũng gỡ đi được. Thư tay thì đâu được như thế, đòi hỏi người ta phải cẩn trọng và tỉ mỉ từng chút. Thế nên khi có một ai dành thời gian để chăm chút viết một lá thư tay cho bạn, hẳn là người đó trân trọng và yêu thương bạn nhiều lắm.
Thư tay vừa gửi đi tiếng thương tiếng nhớ của người viết, vừa là mong muốn chúng sẽ được người nhận trân trọng giữ gìn. Tình yêu, lòng chân thành chẳng bao giờ nhạt màu trong những bức thư tay. Một lá thư vuông vức, được gói ghém gọn gàng rất dễ cất giữ. Người nhận có thể cất nó vào ngăn tủ hoặc kẹp vào quyển sách mà họ ưa thích, để dẫu cho rất nhiều năm tháng về sau, mắt kèm nhèm không rõ, thì những nỗi niềm ta từng gửi trao cho nhau vẫn mãi luôn nồng nàn và tươi trẻ.
Tôi thường viết thư tay cho gia đình, bạn bè, người yêu, và cũng rất thích được nhận những lá thư tay. Chẳng hạn như vào dịp sinh nhật, cô bạn sẽ gửi cho tôi tấm thiệp chúc mừng được trang trí đủ màu. Mấy lời bình thường mà hai đứa ngại “sến” nên cứng miệng, chả bao giờ thèm nói nhau nghe lại được gửi gắm rất tự nhiên và nhiệt thành. Nào là: “Cảm ơn mày vì đã luôn bên cạnh tao”; “Thiệt tự hào ghê, tụi mình đã trải qua tuổi hai mốt cùng nhau nè”; “Năm nay lại ám nhau tiếp nhé”;… Sao mà dễ thương quá đỗi.
Là một người con xa nhà từ khi lên đại học, tôi luôn cảm thấy biết ơn những người đã phát minh ra điện thoại và Internet, bởi nhờ chúng mà tôi có thể liên lạc với gia đình của mình ngay tức khắc. Dù vậy, cứ vài ba tháng, tôi vẫn nhận được những lá thư tay nồng ấm tình thân được gửi từ quê hương. Ba má ít khi hỏi tôi sức khỏe trong thư, bởi tôi đều “báo cáo” qua điện thoại cả rồi. Thay vào đó, ba má dặn tôi hãy luôn cố gắng, mà dù có thế nào chăng nữa thì tôi vẫn luôn là con gái cưng của ba má. Vì là thợ in nên ba còn tranh thủ kẹp mấy tấm ảnh mà ba nhờ em gái tôi chụp rồi tự in ra cho tôi. Dưới mỗi tấm ảnh ba sẽ ghi chú thích: “Ảnh này là nhà mình đi ăn đám cưới bác Ba”, “Con mèo của cô Tư mới đẻ ra một bầy nhóc”, “Một buổi hoàng hôn nhìn từ sân nhà mình”, “Quả kết trên cây ổi má con trồng năm ngoái”. Mỗi khi tôi chán chường và mỏi mệt trước áp lực cuộc sống, những dòng nhắn nhủ tâm tình của ba má đã tiếp sức cho tôi thêm nhiều lắm.
Bạn trai của tôi là một người lãng mạn. Mỗi ngày, anh đều viết cho tôi mấy lời dặn dò nhỏ xíu trên giấy note. Anh biết làm thơ, nhiều khi nổi hứng là lại viết thơ tình rồi lén nhét vào túi xách của tôi. Lá thư tay anh viết dài nhất cho tôi có lẽ là trong một lần hai đứa giận dỗi, chẳng buồn gặp mặt hay nhắn tin cho nhau. Anh bảo lúc anh cặm cụi viết lá thư này, anh trở nên điềm tĩnh và nền tính hơn, anh rũ bỏ những cảm xúc chi phối bên ngoài để có thể cẩn trọng suy xét lại mọi chuyện. Và điều tương tự cũng đã xảy ra với tôi.
Thư tay chính là một cái ôm đầy ấm áp và dịu dàng. Sẽ chẳng có thông báo nào đột nhiên nhảy ra và cắt đứt dòng cảm xúc miên man của người gửi và người nhận. Cả trang giấy đều dành để người này cẩn trọng giãi bày nỗi niềm rồi người kia lại kĩ càng ôm lấy chúng. Một lá thư dẫu chỉ có vài trang giấy mỏng manh nhưng lại chất chứa bao thương nhớ, trân trọng, kiên nhẫn và bao dung.
Ắt hẳn sẽ có không ít người tự hỏi, vào thời đại này, liệu có còn ai trân trọng những lá thư tay hay không. Tôi nghĩ rằng có! Chừng nào con người ta còn biết thương yêu và khao khát tình yêu, thì những lá thư tay vẫn sẽ là nơi chốn gửi gắm chân thành và thương thiết của những người yêu nhau.
CATHERINE