ĐỨNG NÚI NÀY TRÔNG NÚI NỌ
ĐỨNG NÚI NÀY TRÔNG NÚI NỌ
Người xưa có câu: “Đừng có đứng núi này trông núi nọ” quả thật đáng chiêm nghiệm. Thật ra thì so sánh chính là bản tính của con người, cho nên lời khuyên này cũng phải được xem xét ở những hoàn cảnh nhất định, nhìn chung thì nên hiểu nó theo nghĩa “Biết đủ, vậy là đủ. Đợi đủ, biết khi nào đủ”.
Nhỏ “hàng xóm” ngồi bàn kế bên trong công ty gần đây hay than vãn. Ngày nào cũng nghe nhỏ than “mệt quá”, “chán quá”, “chắc bỏ nghề quá” riết rồi cũng quen tai. Về sự nghiệp, hai đứa bằng tuổi nhau nhưng 1 đứa thì làm 5 năm ở 1 công ty tài chính rồi mới chuyển qua công ty tài chính này được 5 tháng, đứa còn lại trong 6 năm sau khi ra trường làm 7 công việc (chính thức) khác nhau, bao gồm ngân hàng, tài chính, dược, mỹ phẩm, khách sạn, giáo dục, thể thao và vô số việc ngắn hạn linh tinh khác.
Về tình duyên, một đứa chỉ có một mối tình vắt vai qua mai mối rồi hẹn hò vài tháng xong cưới luôn, giờ đang mang bầu 4 tháng, còn một đứa tình duyên lận đận, số lượng người yêu phải đong bằng “rổ” bằng “rá”, trải qua đủ mọi dư vị yêu đương, ngót nghét gần nửa cuộc đời mà vẫn phơi phới như “chưa lớn nổi”.
Ngồi nghe nhỏ than vãn miết cũng buồn cười, một hôm mình quay qua trêu nó một câu thế này: “Theo kinh nghiệm của một người đã kinh qua chục công ty khác nhau như tui thì…làm ở đâu cũng chán vậy thôi”. Nghe có vẻ chua chát, nhưng nếu mình không tự chiêm nghiệm và tự nhận ra vấn đề nằm ở bản thân thì sự thật đúng là như thế.
Tôi luôn cho rằng công việc và tình cảm có nhiều nét tương đồng. Người ta lựa chọn người yêu vì ngoại hình, tính cách, học thức, địa vị, tiền bạc. Người ta lựa chọn công việc vì quy mô công ty, môi trường làm việc, tính chất công việc, chế độ đãi ngộ, thăng tiến, lương bổng. Và khi đang yêu người này, người ta sẽ bị hấp dẫn bởi những người khác có một hoặc nhiều đặc điểm trội hơn, cũng như khi đang làm công ty này, người ta sẽ ngó nghiêng những công ty khác trông ngon hơn, hấp dẫn hơn.
Một phần do tính cách khá phóng khoáng và hay tò mò, cả thèm chóng chán, thuở mới “lăn” vào đời tôi thường muốn thử nhiều thứ. Ví dụ như khi đã trải qua nụ hôn đầu đời với mối tình đầu, thỉnh thoảng tôi vẫn hay tự hỏi liệu hôn người khác có nhiều khác biệt không.
Rồi dòng đời đưa đẩy, mặc dù mỗi lần đều nghiêm túc với chuyện tình cảm và được đối phương yêu sống yêu chết, nhưng những chuyện tình của tôi đều nối đuôi nhau vỡ tan như bong bóng ngày mưa. Có thể một phần do tôi thiếu hiểu biết về tình yêu, về mối quan hệ đôi lứa, về cảm xúc của bản thân, một phần do tôi lúc còn trẻ vẫn rất thích phiêu lưu trong chuyện tình cảm và không biết sợ gì cả.
Trải qua “bể dâu” cả trong chuyện tình cảm và công việc, tôi đã học hỏi được rất nhiều thứ. Trước đây tôi luôn sống theo phương châm “vui là được”, tức là mỗi lúc không vui thì tôi đều đi tìm niềm vui mới, và cho rằng đó là cách mà một người hạnh phúc phải theo đuổi.
Nhưng giờ đây, ở giai đoạn mà có lẽ bạn bè đồng trang lứa đều ổn định cả về công việc lẫn tình cảm, tôi nhận ra người hạnh phúc chính là người có khả năng biến chuyện không vui trong hôm nay thành chuyện vui vào ngày mai, hoặc một ngày nào đó không quá xa.
Trở lại với ngành tài chính mà tôi rất có duyên nhưng lại không thực sự yêu thích, tôi cảm thấy ổn hơn rất nhiều so với 4 năm về trước ở cùng một kiểu công việc. Vì tôi tìm được niềm vui trong những điều vô cùng nhỏ nhặt mà bạn không tưởng tượng được, ví dụ như mỗi ngày có thể đem một hộp sữa vị khác nhau và cho vào tủ lạnh để thưởng thức, như việc có một bàn làm việc khá rộng đủ để trưng bày mấy con cánh cụt bông yêu thích của mình, để mỗi khi khó kiểm soát cảm xúc trong công việc lại nhìn vẻ đáng yêu của tụi nó mà dịu lại, như việc đơn giản là công ty rất thoải mái trong vấn đề trang phục, giày dép…
Còn về chuyện tình cảm thì dù trong mắt gia đình và bạn bè tôi vẫn là “ca” rất đáng lo ngại, nhưng bản thân tôi cảm nhận mình đã “lớn lên” từng ngày. Không còn cảm giác dễ sa ngã bởi một vài điểm nổi trội ở một anh chàng bâng quơ lướt qua nào đó, không còn cảm giác muốn đạp đổ tất cả những lúc quá khó khăn để về với tự do, không còn suy nghĩ vu vơ kiểu anh chàng này vẫn còn nhiều điểm xấu, ắt hẳn mình nên tìm người phù hợp hoàn hảo dành cho bản thân chăng?
Cô đồng nghiệp của tôi chắc không còn nhiều cơ hội để thử qua những trải nghiệm mà tôi vừa chia sẻ, ở giai đoạn đã ổn định gia đình và sắp phải lo cho con nhỏ. Và có lẽ cô ấy sẽ phải chiến đấu với công việc thường ngày vất vả hơn tôi vì luôn lẩn quẩn trong cái suy nghĩ mà tôi đã từng: “Ngoài kia có bao nhiêu việc, liệu mình chuyển nghề có tốt hơn chăng?”.
Tất nhiên tôi không cổ xúy cho việc thụ động không chịu thay đổi trong công việc, nhưng giá trị mà tôi muốn chia sẻ đó chính là hãy tìm niềm vui dù là nhỏ bé trong việc bạn làm, và cố gắng hiểu bản thân mình cần gì để biết thế nào là đủ.
Thật ra thì đi một vòng trái đất lại quay về chỗ cũ, nhưng tôi không hề cảm thấy hối tiếc. Có thể tôi vẫn làm công việc như 4 năm trước, có thể những đồng nghiệp 4 năm trước của tôi giờ đã ở vị trí cao hơn tôi, nhưng tôi biết những trải nghiệm mình có được tạo nên tôi HÔM NAY, khác với tôi HÔM QUA.
Nếu bạn không ngại tiếng đời dị nghị, ví dụ như bị bạn bè đàm tiếu là “thay bồ như thay áo”, bị cha mẹ rầy la là “sự nghiệp lông bông” thì bạn hoàn toàn có thể thử. Nhưng nếu bạn có thể hiểu được phần nào bài viết của tôi, bạn có thể hạnh phúc hơn mà không cần phải thử quá nhiều thứ và rồi lạc lối giữa những bộn bề cuộc sống như cô “hàng xóm” bàn bên trong công ty tôi.
Vì có lẽ một lúc trong đời, ai cũng từng “đứng núi này trông núi nọ”…
LILA
Người xưa có câu: “Đừng có đứng núi này trông núi nọ” quả thật đáng chiêm nghiệm. Thật ra thì so sánh chính là bản tính của con người, cho nên lời khuyên này cũng phải được xem xét ở những hoàn cảnh nhất định, nhìn chung thì nên hiểu nó theo nghĩa “Biết đủ, vậy là đủ. Đợi đủ, biết khi nào đủ”.
Nhỏ “hàng xóm” ngồi bàn kế bên trong công ty gần đây hay than vãn. Ngày nào cũng nghe nhỏ than “mệt quá”, “chán quá”, “chắc bỏ nghề quá” riết rồi cũng quen tai. Về sự nghiệp, hai đứa bằng tuổi nhau nhưng 1 đứa thì làm 5 năm ở 1 công ty tài chính rồi mới chuyển qua công ty tài chính này được 5 tháng, đứa còn lại trong 6 năm sau khi ra trường làm 7 công việc (chính thức) khác nhau, bao gồm ngân hàng, tài chính, dược, mỹ phẩm, khách sạn, giáo dục, thể thao và vô số việc ngắn hạn linh tinh khác.
Về tình duyên, một đứa chỉ có một mối tình vắt vai qua mai mối rồi hẹn hò vài tháng xong cưới luôn, giờ đang mang bầu 4 tháng, còn một đứa tình duyên lận đận, số lượng người yêu phải đong bằng “rổ” bằng “rá”, trải qua đủ mọi dư vị yêu đương, ngót nghét gần nửa cuộc đời mà vẫn phơi phới như “chưa lớn nổi”.
Ngồi nghe nhỏ than vãn miết cũng buồn cười, một hôm mình quay qua trêu nó một câu thế này: “Theo kinh nghiệm của một người đã kinh qua chục công ty khác nhau như tui thì…làm ở đâu cũng chán vậy thôi”. Nghe có vẻ chua chát, nhưng nếu mình không tự chiêm nghiệm và tự nhận ra vấn đề nằm ở bản thân thì sự thật đúng là như thế.
Tôi luôn cho rằng công việc và tình cảm có nhiều nét tương đồng. Người ta lựa chọn người yêu vì ngoại hình, tính cách, học thức, địa vị, tiền bạc. Người ta lựa chọn công việc vì quy mô công ty, môi trường làm việc, tính chất công việc, chế độ đãi ngộ, thăng tiến, lương bổng. Và khi đang yêu người này, người ta sẽ bị hấp dẫn bởi những người khác có một hoặc nhiều đặc điểm trội hơn, cũng như khi đang làm công ty này, người ta sẽ ngó nghiêng những công ty khác trông ngon hơn, hấp dẫn hơn.
Một phần do tính cách khá phóng khoáng và hay tò mò, cả thèm chóng chán, thuở mới “lăn” vào đời tôi thường muốn thử nhiều thứ. Ví dụ như khi đã trải qua nụ hôn đầu đời với mối tình đầu, thỉnh thoảng tôi vẫn hay tự hỏi liệu hôn người khác có nhiều khác biệt không.
Rồi dòng đời đưa đẩy, mặc dù mỗi lần đều nghiêm túc với chuyện tình cảm và được đối phương yêu sống yêu chết, nhưng những chuyện tình của tôi đều nối đuôi nhau vỡ tan như bong bóng ngày mưa. Có thể một phần do tôi thiếu hiểu biết về tình yêu, về mối quan hệ đôi lứa, về cảm xúc của bản thân, một phần do tôi lúc còn trẻ vẫn rất thích phiêu lưu trong chuyện tình cảm và không biết sợ gì cả.
Trải qua “bể dâu” cả trong chuyện tình cảm và công việc, tôi đã học hỏi được rất nhiều thứ. Trước đây tôi luôn sống theo phương châm “vui là được”, tức là mỗi lúc không vui thì tôi đều đi tìm niềm vui mới, và cho rằng đó là cách mà một người hạnh phúc phải theo đuổi.
Nhưng giờ đây, ở giai đoạn mà có lẽ bạn bè đồng trang lứa đều ổn định cả về công việc lẫn tình cảm, tôi nhận ra người hạnh phúc chính là người có khả năng biến chuyện không vui trong hôm nay thành chuyện vui vào ngày mai, hoặc một ngày nào đó không quá xa.
Trở lại với ngành tài chính mà tôi rất có duyên nhưng lại không thực sự yêu thích, tôi cảm thấy ổn hơn rất nhiều so với 4 năm về trước ở cùng một kiểu công việc. Vì tôi tìm được niềm vui trong những điều vô cùng nhỏ nhặt mà bạn không tưởng tượng được, ví dụ như mỗi ngày có thể đem một hộp sữa vị khác nhau và cho vào tủ lạnh để thưởng thức, như việc có một bàn làm việc khá rộng đủ để trưng bày mấy con cánh cụt bông yêu thích của mình, để mỗi khi khó kiểm soát cảm xúc trong công việc lại nhìn vẻ đáng yêu của tụi nó mà dịu lại, như việc đơn giản là công ty rất thoải mái trong vấn đề trang phục, giày dép…
Còn về chuyện tình cảm thì dù trong mắt gia đình và bạn bè tôi vẫn là “ca” rất đáng lo ngại, nhưng bản thân tôi cảm nhận mình đã “lớn lên” từng ngày. Không còn cảm giác dễ sa ngã bởi một vài điểm nổi trội ở một anh chàng bâng quơ lướt qua nào đó, không còn cảm giác muốn đạp đổ tất cả những lúc quá khó khăn để về với tự do, không còn suy nghĩ vu vơ kiểu anh chàng này vẫn còn nhiều điểm xấu, ắt hẳn mình nên tìm người phù hợp hoàn hảo dành cho bản thân chăng?
Cô đồng nghiệp của tôi chắc không còn nhiều cơ hội để thử qua những trải nghiệm mà tôi vừa chia sẻ, ở giai đoạn đã ổn định gia đình và sắp phải lo cho con nhỏ. Và có lẽ cô ấy sẽ phải chiến đấu với công việc thường ngày vất vả hơn tôi vì luôn lẩn quẩn trong cái suy nghĩ mà tôi đã từng: “Ngoài kia có bao nhiêu việc, liệu mình chuyển nghề có tốt hơn chăng?”.
Tất nhiên tôi không cổ xúy cho việc thụ động không chịu thay đổi trong công việc, nhưng giá trị mà tôi muốn chia sẻ đó chính là hãy tìm niềm vui dù là nhỏ bé trong việc bạn làm, và cố gắng hiểu bản thân mình cần gì để biết thế nào là đủ.
Thật ra thì đi một vòng trái đất lại quay về chỗ cũ, nhưng tôi không hề cảm thấy hối tiếc. Có thể tôi vẫn làm công việc như 4 năm trước, có thể những đồng nghiệp 4 năm trước của tôi giờ đã ở vị trí cao hơn tôi, nhưng tôi biết những trải nghiệm mình có được tạo nên tôi HÔM NAY, khác với tôi HÔM QUA.
Nếu bạn không ngại tiếng đời dị nghị, ví dụ như bị bạn bè đàm tiếu là “thay bồ như thay áo”, bị cha mẹ rầy la là “sự nghiệp lông bông” thì bạn hoàn toàn có thể thử. Nhưng nếu bạn có thể hiểu được phần nào bài viết của tôi, bạn có thể hạnh phúc hơn mà không cần phải thử quá nhiều thứ và rồi lạc lối giữa những bộn bề cuộc sống như cô “hàng xóm” bàn bên trong công ty tôi.
Vì có lẽ một lúc trong đời, ai cũng từng “đứng núi này trông núi nọ”…
LILA