NHỮNG NGÀY GIÁP TẾT
NHỮNG NGÀY GIÁP TẾT
Đối với tôi, quãng thời gian ý nghĩa nhất trong năm không phải là những ngày mùng Một, mùng Hai Tết với chiếc áo dài thêu gấm rực rỡ hay những buổi du xuân, tụ tập, vui chơi cùng bạn bè mỗi độ xuân về. Mà đó là những ngày giáp Tết – khi ai cũng bận rộn, tất bật chuẩn bị, lo toan cho một năm mới sum vầy sắp sang.
Năm nào cũng vậy, trong những hôm cận kề tân niên này, mỗi người con đất Việt không khỏi “đầu tắt mặt tối” để vun vén, chuẩn bị cho ngày xuân khai niên sắp đến. Nhớ những năm còn chưa đi học xa, tôi thường cùng má đi chợ Tết, hết mua gà, trái cây, đồ cúng thì lại tỉ mẩn lựa chọn bộ váy mới cho bé út hoặc cái áo khoác mới cho ba. Hai má con khệ nệ xách một đống đồ lỉnh kỉnh về nhà. Lũ trẻ trong xóm không khỏi nhao nhao, mặt mũi đứa nào cũng tươi rói, vui như Tết.
Những ngày giáp Tết thuở đó còn là lúc tôi phụ má làm mứt gừng, mứt dừa và phơi đống mứt tắt lẫn củ kiệu ngoài sân nắng ươm vàng. Má tôi thì bận rộn hơn. Chái bếp với đủ đói no, cay đắng, ngọt bùi là “giang sơn” của má. Ở đó, má hết trông chừng nồi thịt kho măng, lại chuẩn bị cho mâm bàn cúng rước ông bà, rồi hì hục nơi chái bếp hiên sau bên nồi bánh chưng thơm phức.
Bình thường, bé út thường ra sân chơi nhảy lò cò, ô ăn quan cùng lũ trẻ trong xóm. Nhưng trong những ngày giáp Tết này, út cũng “bận rộn” không kém gì người lớn chúng tôi. Sau khi bắc ghế quét mạng nhện và lau chùi trên trần, tôi sẽ cùng bé út nhận nhiệm vụ lau cửa kính. Tôi phụ trách mặt ngoài, út giành lau mặt trong. Đôi khi, út lại phải dừng tay khi có tiếng má từ chái bếp vọng ra: “Út ơi chạy sang bà Tư mua cho má hũ muối”, “Út ơi ra coi chừng đống mứt phơi ngoài sân kẻo mấy con mèo, con chó nó phá”.
Ba tôi – người đàn ông duy nhất trong nhà cũng không khỏi tất bật trước ngưỡng cửa năm mới. Ba hết khệ nệ bưng mấy chậu quất, cây mai ra ngoài sân chưng để “cho có không khí Tết” thì lại hì hục “tân trang” cho căn nhà. Trước Tết vài hôm là ba đã ra chợ mua nguyên liệu để sơn cánh cửa mới rồi đánh bóng mấy cái lư đồng. Cả căn nhà lúc ấy tràn ngập mùi Tết – mùi của những món mứt hay nồi bánh chưng thơm lừng tỏa ra từ chái bếp của má, mùi quần áo mới mà bé út để dành mặc trong ngày đầu khai niên, hay mùi sơn mới từ cánh cửa gỗ và mùi hoa thơm từ chậu mai trước sân của ba. Còn có mùi khói đốt đồng ám màu rơm rạ, mùi nhang trầm, nhang Thái, quyện hòa vào nhau như thể một khúc ca, báo hiệu một năm mới lại sắp đến.
Ấy vậy mà kể từ khi lên đại học rồi định cư nơi phố thị, tôi không còn nhiều dịp để cùng gia đình chuẩn bị cho tân niên như trước. Những ngày giáp Tết trong ký ức của tôi là lúc cả nhà ai cũng bận bịu và tất bật. Bây giờ ngẫm lại mới thấy, rõ là khi đó mệt đến thế, nhưng có lẽ ai cũng hân hoan, bởi những ngày cuối năm này mà không có việc gì làm thì đúng là một sự thiếu thốn lớn. Bao phần ý nghĩa, tinh túy của Tết dường như gói gọn trong những giọt mồ hôi, trong những phút giây sum vầy cùng nhau chuẩn bị cho năm mới. Nơi xứ người quạnh quẽ, nhìn gia đình người ta sum họp và vun vén cho Tết, tôi không khỏi chạnh lòng, cảm thấy lặng thinh giữa mênh mông nhớ thương.
Có lẽ vì vậy nên những ngày giáp Tết trong tôi lại mang một tư vị khác. Đây là lúc những đứa con xa quê như tôi cố gắng hoàn thành công việc cuối năm để sớm trở lại quê hương đoàn tụ với gia đình. Khi cuốn lịch của năm cũ được treo trên đầu tủ càng mỏng dần, nỗi niềm nao nức, mong ngóng về nhà của tôi lại như tỷ lệ nghịch mà không ngừng dày thêm, xao xuyến trong lòng mãi không thôi.
Tết cận kề in hằn lên trán những đứa con xa xứ bao nỗi niềm lo toan mà cũng nao nức khó tả. Trong những ngày giáp Tết này, người thì nỗ lực sắp xếp hoặc vun vén để có được cái Tết sum vầy bên những người thân yêu. Người thì xếp hàng ở bến xe từ tờ mờ sáng, không khỏi lo lắng vì sợ chẳng còn vé để về nhà. Người thì tìm cách đem theo nhiều hành lý nhất có thể lên những chuyến xe hồi hương trải dài hai miền Nam – Bắc. Những gói quà, những bọc hành lý mà họ khệ nệ mang theo gói gọn bao tình cảm lẫn hương xuân nơi xứ người – thứ mà họ muốn đem về cho quê cha đất tổ.
“Tụi nhỏ không biết, thật sự của Tết là bữa ba mươi này. Khi tụi nhỏ mặc bộ đồ mới đi khoe dài dài xóm, khi ba và anh tắm táp xong ra hàng ba ngơ ngẩn ngắm hoa sao nhái đốt lửa vàng run rẩy trước sân, khi má nhốt than trong những bếp lửa tàn, khi chị đứng chải tóc trước gương, thì Tết đã chớm hết, Mùng Một, Mùng Hai là Tết phai; Mùng Ba Mùng Bốn Tết tàn.
Tụi nhỏ không biết, mãi về sau, khi lớn lên, trong ký ức Tết ấu thơ, những ngày mùng rất nhạt, đơn điệu, chỉ chơi và chơi. Nhưng bữa ba mươi luôn sống động, lung linh những mồ hôi, những nụ cười, những khoan khoái, những ngọt ngào…” – Nguyễn Ngọc Tư.
Trong ký ức của tôi, có những hôm ba mươi cùng gia đình bận rộn nơi chái bếp sân nhà, cũng có những ngày giáp Tết khắc khoải mong ngóng, sớm được về lại nơi chôn rau cắt rốn để đoàn tụ cùng những người thân yêu.
CATHERINE
Đối với tôi, quãng thời gian ý nghĩa nhất trong năm không phải là những ngày mùng Một, mùng Hai Tết với chiếc áo dài thêu gấm rực rỡ hay những buổi du xuân, tụ tập, vui chơi cùng bạn bè mỗi độ xuân về. Mà đó là những ngày giáp Tết – khi ai cũng bận rộn, tất bật chuẩn bị, lo toan cho một năm mới sum vầy sắp sang.
Năm nào cũng vậy, trong những hôm cận kề tân niên này, mỗi người con đất Việt không khỏi “đầu tắt mặt tối” để vun vén, chuẩn bị cho ngày xuân khai niên sắp đến. Nhớ những năm còn chưa đi học xa, tôi thường cùng má đi chợ Tết, hết mua gà, trái cây, đồ cúng thì lại tỉ mẩn lựa chọn bộ váy mới cho bé út hoặc cái áo khoác mới cho ba. Hai má con khệ nệ xách một đống đồ lỉnh kỉnh về nhà. Lũ trẻ trong xóm không khỏi nhao nhao, mặt mũi đứa nào cũng tươi rói, vui như Tết.
Những ngày giáp Tết thuở đó còn là lúc tôi phụ má làm mứt gừng, mứt dừa và phơi đống mứt tắt lẫn củ kiệu ngoài sân nắng ươm vàng. Má tôi thì bận rộn hơn. Chái bếp với đủ đói no, cay đắng, ngọt bùi là “giang sơn” của má. Ở đó, má hết trông chừng nồi thịt kho măng, lại chuẩn bị cho mâm bàn cúng rước ông bà, rồi hì hục nơi chái bếp hiên sau bên nồi bánh chưng thơm phức.
Bình thường, bé út thường ra sân chơi nhảy lò cò, ô ăn quan cùng lũ trẻ trong xóm. Nhưng trong những ngày giáp Tết này, út cũng “bận rộn” không kém gì người lớn chúng tôi. Sau khi bắc ghế quét mạng nhện và lau chùi trên trần, tôi sẽ cùng bé út nhận nhiệm vụ lau cửa kính. Tôi phụ trách mặt ngoài, út giành lau mặt trong. Đôi khi, út lại phải dừng tay khi có tiếng má từ chái bếp vọng ra: “Út ơi chạy sang bà Tư mua cho má hũ muối”, “Út ơi ra coi chừng đống mứt phơi ngoài sân kẻo mấy con mèo, con chó nó phá”.
Ba tôi – người đàn ông duy nhất trong nhà cũng không khỏi tất bật trước ngưỡng cửa năm mới. Ba hết khệ nệ bưng mấy chậu quất, cây mai ra ngoài sân chưng để “cho có không khí Tết” thì lại hì hục “tân trang” cho căn nhà. Trước Tết vài hôm là ba đã ra chợ mua nguyên liệu để sơn cánh cửa mới rồi đánh bóng mấy cái lư đồng. Cả căn nhà lúc ấy tràn ngập mùi Tết – mùi của những món mứt hay nồi bánh chưng thơm lừng tỏa ra từ chái bếp của má, mùi quần áo mới mà bé út để dành mặc trong ngày đầu khai niên, hay mùi sơn mới từ cánh cửa gỗ và mùi hoa thơm từ chậu mai trước sân của ba. Còn có mùi khói đốt đồng ám màu rơm rạ, mùi nhang trầm, nhang Thái, quyện hòa vào nhau như thể một khúc ca, báo hiệu một năm mới lại sắp đến.
Ấy vậy mà kể từ khi lên đại học rồi định cư nơi phố thị, tôi không còn nhiều dịp để cùng gia đình chuẩn bị cho tân niên như trước. Những ngày giáp Tết trong ký ức của tôi là lúc cả nhà ai cũng bận bịu và tất bật. Bây giờ ngẫm lại mới thấy, rõ là khi đó mệt đến thế, nhưng có lẽ ai cũng hân hoan, bởi những ngày cuối năm này mà không có việc gì làm thì đúng là một sự thiếu thốn lớn. Bao phần ý nghĩa, tinh túy của Tết dường như gói gọn trong những giọt mồ hôi, trong những phút giây sum vầy cùng nhau chuẩn bị cho năm mới. Nơi xứ người quạnh quẽ, nhìn gia đình người ta sum họp và vun vén cho Tết, tôi không khỏi chạnh lòng, cảm thấy lặng thinh giữa mênh mông nhớ thương.
Có lẽ vì vậy nên những ngày giáp Tết trong tôi lại mang một tư vị khác. Đây là lúc những đứa con xa quê như tôi cố gắng hoàn thành công việc cuối năm để sớm trở lại quê hương đoàn tụ với gia đình. Khi cuốn lịch của năm cũ được treo trên đầu tủ càng mỏng dần, nỗi niềm nao nức, mong ngóng về nhà của tôi lại như tỷ lệ nghịch mà không ngừng dày thêm, xao xuyến trong lòng mãi không thôi.
Tết cận kề in hằn lên trán những đứa con xa xứ bao nỗi niềm lo toan mà cũng nao nức khó tả. Trong những ngày giáp Tết này, người thì nỗ lực sắp xếp hoặc vun vén để có được cái Tết sum vầy bên những người thân yêu. Người thì xếp hàng ở bến xe từ tờ mờ sáng, không khỏi lo lắng vì sợ chẳng còn vé để về nhà. Người thì tìm cách đem theo nhiều hành lý nhất có thể lên những chuyến xe hồi hương trải dài hai miền Nam – Bắc. Những gói quà, những bọc hành lý mà họ khệ nệ mang theo gói gọn bao tình cảm lẫn hương xuân nơi xứ người – thứ mà họ muốn đem về cho quê cha đất tổ.
“Tụi nhỏ không biết, thật sự của Tết là bữa ba mươi này. Khi tụi nhỏ mặc bộ đồ mới đi khoe dài dài xóm, khi ba và anh tắm táp xong ra hàng ba ngơ ngẩn ngắm hoa sao nhái đốt lửa vàng run rẩy trước sân, khi má nhốt than trong những bếp lửa tàn, khi chị đứng chải tóc trước gương, thì Tết đã chớm hết, Mùng Một, Mùng Hai là Tết phai; Mùng Ba Mùng Bốn Tết tàn.
Tụi nhỏ không biết, mãi về sau, khi lớn lên, trong ký ức Tết ấu thơ, những ngày mùng rất nhạt, đơn điệu, chỉ chơi và chơi. Nhưng bữa ba mươi luôn sống động, lung linh những mồ hôi, những nụ cười, những khoan khoái, những ngọt ngào…” – Nguyễn Ngọc Tư.
Trong ký ức của tôi, có những hôm ba mươi cùng gia đình bận rộn nơi chái bếp sân nhà, cũng có những ngày giáp Tết khắc khoải mong ngóng, sớm được về lại nơi chôn rau cắt rốn để đoàn tụ cùng những người thân yêu.
CATHERINE
![](http://ladiesofvietnam.net/wp-content/uploads/2018/09/Logo-Final-Round-500-500.jpg)