CUỘC CHIẾN ĐÀN BÀ
CUỘC CHIẾN ĐÀN BÀ
Ngày đó, gia đình tôi sống cạnh một khách sạn lớn của tỉnh. Hằng ngày, khi trời vừa chập tối, những cánh đàn ông – đủ mọi thành phần với nét mặt luôn rạng rỡ khệ nệ bước vào nhà hàng trong khách sạn với bàn ăn và dàn âm thanh đã đặt sẵn.
Tiếng hát cất lên cùng tiếng cười khúc khích của các cô tiếp viên khiến bầu không khí của cả xóm thêm náo nhiệt. Lúc đó, chúng tôi còn rất trẻ, chẳng biết chuyện gì đang xảy ra, chỉ biết mỗi lần khách đến là một lần xóm tôi được rộn ràng, mở hội.
Có lần, dượng tôi ở cùng nhà cũng qua tham gia vì có các sếp ở trên mời. Tôi đứng lặng ở một góc nhà nhìn dì lặng lẽ khóc, dì khóc vì chồng mình cũng giống như người ta, khóc vì không cản ông lại được, khóc cho đứa con còn đỏ hỏn trên tay và khóc cho những phận đời phụ nữ lang bạt, kiếm tiềm trong niềm vui của kẻ khác.
Không biết bao lần tôi chứng kiến những trận cãi vã, đánh ghen với các cô tiếp viên không an phận. Son phấn nhòe nhoẹt, tóc rối và tiếng chửi bới vang vọng cả một xóm lao động nghèo, ai nhìn cũng xót cho những người đàn bà, chẳng ai để ý đến các ông chồng đang vội vã lên xe ra về từ lúc nào không hay. Chỉ có những người đàn bà là bận tâm đổ lỗi cho nhau như một lẽ thường tình. Họ ra sức giành lại gia đình, trơ gan để chống chọi kẻ xấu, và để dằn mặt những người đàn bà khác tránh xa đàn ông có vợ.
Hình ảnh đó khiến tôi liên tưởng đến những thủ môn trong các trận đấu bóng đá – người mất nhiều công sức để bảo vệ khung thành của đội mình. Họ ra sức bảo vệ cầu môn hết lần này đến lần khác, có lần bị thủng lưới trong vô vọng, có khi thì may mắn giữ được khung thành, có khi bị ghi bàn nhưng chung cuộc vẫn làm nên chiến thắng. Chẳng ai biết tỉ số là bao nhiêu cho đến khi hồi banh kết thúc.
Mấy hôm trước, tôi gặp lại một người chị từng học nấu ăn chung. Chị bảo đã nhờ thám tử tìm ra được cô bồ của chồng. Chị nắm trong tay tất cả bằng chứng và sẽ đến chỗ làm của cô ấy để nói cho mọi người biết nếu cô ấy không chấp nhận buông tay. Đây là lần thứ 4 trong vòng 2 năm chị đối phó với những cô bồ nhí của chồng mình. Chị trở thành thủ môn không phải trên sân bóng mà trong chính cuộc hôn nhân không trọn vẹn của mình. Chị bảo chị hạnh phúc vì giữ được chồng nhưng lại luôn sống trong lo sợ, ám ảnh, không có lúc nào chị yên tâm.
Giữa một xã hội hiện đại văn minh, chúng ta vẫn ai nấy không khỏi khiếp sợ, rùng mình trước những trận đòn ghen giống như thời phong kiến. Bởi ngày nay không thiếu những người đàn bà như chị, chấp nhận sống trong khổ sở, tìm kiếm hy vọng là chồng sẽ quay về, dù không còn tình yêu thì cũng còn tình nghĩa, “của bà thì không ai được lấy” nên các chị nhất quyết lập kế đánh ghen, bắt tại trận rồi quay phim chụp ảnh, ép chồng chia tay với bồ hay dằn mặt cả hai để không còn ai dám tái phạm.
Tình yêu từ khi nào lại trở thành trò chơi may rủi, trốn tìm. Anh hờ hững chẳng màng đến vợ con ở nhà đang mòn mỏi đợi cơm. Tự khi nào hai tiếng gia đình hay hôn nhân trở nên mặn đắng. Sao ta không vì chút trân quý để yêu thương, thắm tình đậm nghĩa mà lại dày vò nhau trong biển khổ của cuộc đời?
Đàn bà lấy cớ đánh ghen để giữ chồng, giữ cha cho con. Còn đàn ông thì lẽ thường tình ít người chịu buông bỏ gia đình, dù anh đi ngược về xuôi thì gia đình cũng là lựa chọn an toàn. Trăm ngã đi ta biết chọn ngã nào cho vẹn tròn hạnh phúc? Một khi lòng người đổi thay thì chỉ một lối đi về cũng không dễ dàng. Một khi đàn bà chịu thỏa hiệp thì chẳng anh đàn ông nào muốn ly hôn, vì được nhiều hơn mất. Có điều chúng ta không chỉ cần hôn nhân mà còn cần một cuộc hôn nhân hạnh phúc, nhưng dường như điều đó quá phù phiếm một khi người kia còn chưa chịu tu tâm dưỡng tính.
Có chị gửi thư cho tôi và tâm sự, đã nhiều lần chị cố tha thứ cho anh nhưng hết lần này đến lần khác anh lừa dối chị. Chị bị “thủng lưới” quá nhiều lần nên chẳng còn sức để làm thủ môn cho cuộc hôn nhân mình chọn, đành buông xuôi tới đâu thì tới. Chị cũng chẳng muốn ly hôn vì nghĩ đàn ông trên đời này làm gì có người chung thủy, rằng chồng chị cũng không ngoại lệ.
Tôi hiểu vì sao phần lớn phụ nữ bị chồng phản bội lại không làm gì chồng mình, giống như dì tôi chỉ biết khóc, chỉ biết tự trách mình, còn có người không thể kiềm chế thì đánh ghen giống như những gì xã hội nhìn thấy. Bởi vì làm vậy họ mới có thể tha thứ cho chồng, cũng chỉ khi đánh đồng tất cả đàn ông với nhau thì phụ nữ mới tìm được cảm giác cân bằng hay đúng hơn là không còn quá mặc cảm đau khổ vì được đồng cảm cũng bởi “đàn ông nào chẳng vậy ”!!!
Thật ra ngoại tình không phải là bản tính đặc quyền của đàn ông bởi nếu đúng vậy thì tại sao chúng ta phải cấm, phải giữ mà không để các anh cứ thoải mái với tình ngoài? Xin đừng đổ lỗi, hay định tội cho đàn ông như kiểu đã rồi, vì làm vậy chẳng khác nào bạn cho rằng tất cả đàn ông đều có quyền làm tổn thương bạn.
Đừng tìm bất kỳ lý do gì để ngụy biện cho hành động của người đang làm mình tổn thương vì lâu ngày cảm xúc sẽ bị chai sạn, bạn sẽ không còn tin vào giá trị của bản thân, nó âm ỉ, dai dẳng như bóng ma bao trùm lên cuộc đời bạn.
Dì tôi không chịu được cảnh đi về sớm tối của dượng nên đã ly hôn khi vừa bước qua tuổi 37, rồi dì ở vậy đến khi chọn gửi gắm đời mình ở chốn thiền môn. Những bạn bè của tôi có đứa vẫn còn đang vật vã trước khung thành hôn nhân, cũng có đứa đã bỏ cuộc, nhưng nỗi đau thì chẳng thể nào phai nhạt.
Phụ nữ sẽ không bao giờ có thể quản thức được một người đàn ông và ngược lại. Một khi anh ta muốn, anh ta sẽ luôn tìm cơ hội. Một khi ai đó không còn quý trọng hôn nhân thì bạn có cố sức bảo vệ cũng chỉ được “tày gang”. Vậy có đáng chăng khi bạn cứ giữ chặt cái khung thành hôn nhân trong khi bản thân mình lại đớn đau trong bất hạnh?
Đừng hô biến bản thân thành “cô thủ môn tội nghiệp” chỉ lo giữ khung thành, có chăng bạn nên giữ lấy lòng tự trọng của chính mình để khi hôn nhân vấp ngã bạn còn biết cách đứng lên, đối mặt và bước tiếp.
MIA
Ngày đó, gia đình tôi sống cạnh một khách sạn lớn của tỉnh. Hằng ngày, khi trời vừa chập tối, những cánh đàn ông – đủ mọi thành phần với nét mặt luôn rạng rỡ khệ nệ bước vào nhà hàng trong khách sạn với bàn ăn và dàn âm thanh đã đặt sẵn.
Tiếng hát cất lên cùng tiếng cười khúc khích của các cô tiếp viên khiến bầu không khí của cả xóm thêm náo nhiệt. Lúc đó, chúng tôi còn rất trẻ, chẳng biết chuyện gì đang xảy ra, chỉ biết mỗi lần khách đến là một lần xóm tôi được rộn ràng, mở hội.
Có lần, dượng tôi ở cùng nhà cũng qua tham gia vì có các sếp ở trên mời. Tôi đứng lặng ở một góc nhà nhìn dì lặng lẽ khóc, dì khóc vì chồng mình cũng giống như người ta, khóc vì không cản ông lại được, khóc cho đứa con còn đỏ hỏn trên tay và khóc cho những phận đời phụ nữ lang bạt, kiếm tiềm trong niềm vui của kẻ khác.
Không biết bao lần tôi chứng kiến những trận cãi vã, đánh ghen với các cô tiếp viên không an phận. Son phấn nhòe nhoẹt, tóc rối và tiếng chửi bới vang vọng cả một xóm lao động nghèo, ai nhìn cũng xót cho những người đàn bà, chẳng ai để ý đến các ông chồng đang vội vã lên xe ra về từ lúc nào không hay. Chỉ có những người đàn bà là bận tâm đổ lỗi cho nhau như một lẽ thường tình. Họ ra sức giành lại gia đình, trơ gan để chống chọi kẻ xấu, và để dằn mặt những người đàn bà khác tránh xa đàn ông có vợ.
Hình ảnh đó khiến tôi liên tưởng đến những thủ môn trong các trận đấu bóng đá – người mất nhiều công sức để bảo vệ khung thành của đội mình. Họ ra sức bảo vệ cầu môn hết lần này đến lần khác, có lần bị thủng lưới trong vô vọng, có khi thì may mắn giữ được khung thành, có khi bị ghi bàn nhưng chung cuộc vẫn làm nên chiến thắng. Chẳng ai biết tỉ số là bao nhiêu cho đến khi hồi banh kết thúc.
Mấy hôm trước, tôi gặp lại một người chị từng học nấu ăn chung. Chị bảo đã nhờ thám tử tìm ra được cô bồ của chồng. Chị nắm trong tay tất cả bằng chứng và sẽ đến chỗ làm của cô ấy để nói cho mọi người biết nếu cô ấy không chấp nhận buông tay. Đây là lần thứ 4 trong vòng 2 năm chị đối phó với những cô bồ nhí của chồng mình. Chị trở thành thủ môn không phải trên sân bóng mà trong chính cuộc hôn nhân không trọn vẹn của mình. Chị bảo chị hạnh phúc vì giữ được chồng nhưng lại luôn sống trong lo sợ, ám ảnh, không có lúc nào chị yên tâm.
Giữa một xã hội hiện đại văn minh, chúng ta vẫn ai nấy không khỏi khiếp sợ, rùng mình trước những trận đòn ghen giống như thời phong kiến. Bởi ngày nay không thiếu những người đàn bà như chị, chấp nhận sống trong khổ sở, tìm kiếm hy vọng là chồng sẽ quay về, dù không còn tình yêu thì cũng còn tình nghĩa, “của bà thì không ai được lấy” nên các chị nhất quyết lập kế đánh ghen, bắt tại trận rồi quay phim chụp ảnh, ép chồng chia tay với bồ hay dằn mặt cả hai để không còn ai dám tái phạm.
Tình yêu từ khi nào lại trở thành trò chơi may rủi, trốn tìm. Anh hờ hững chẳng màng đến vợ con ở nhà đang mòn mỏi đợi cơm. Tự khi nào hai tiếng gia đình hay hôn nhân trở nên mặn đắng. Sao ta không vì chút trân quý để yêu thương, thắm tình đậm nghĩa mà lại dày vò nhau trong biển khổ của cuộc đời?
Đàn bà lấy cớ đánh ghen để giữ chồng, giữ cha cho con. Còn đàn ông thì lẽ thường tình ít người chịu buông bỏ gia đình, dù anh đi ngược về xuôi thì gia đình cũng là lựa chọn an toàn. Trăm ngã đi ta biết chọn ngã nào cho vẹn tròn hạnh phúc? Một khi lòng người đổi thay thì chỉ một lối đi về cũng không dễ dàng. Một khi đàn bà chịu thỏa hiệp thì chẳng anh đàn ông nào muốn ly hôn, vì được nhiều hơn mất. Có điều chúng ta không chỉ cần hôn nhân mà còn cần một cuộc hôn nhân hạnh phúc, nhưng dường như điều đó quá phù phiếm một khi người kia còn chưa chịu tu tâm dưỡng tính.
Có chị gửi thư cho tôi và tâm sự, đã nhiều lần chị cố tha thứ cho anh nhưng hết lần này đến lần khác anh lừa dối chị. Chị bị “thủng lưới” quá nhiều lần nên chẳng còn sức để làm thủ môn cho cuộc hôn nhân mình chọn, đành buông xuôi tới đâu thì tới. Chị cũng chẳng muốn ly hôn vì nghĩ đàn ông trên đời này làm gì có người chung thủy, rằng chồng chị cũng không ngoại lệ.
Tôi hiểu vì sao phần lớn phụ nữ bị chồng phản bội lại không làm gì chồng mình, giống như dì tôi chỉ biết khóc, chỉ biết tự trách mình, còn có người không thể kiềm chế thì đánh ghen giống như những gì xã hội nhìn thấy. Bởi vì làm vậy họ mới có thể tha thứ cho chồng, cũng chỉ khi đánh đồng tất cả đàn ông với nhau thì phụ nữ mới tìm được cảm giác cân bằng hay đúng hơn là không còn quá mặc cảm đau khổ vì được đồng cảm cũng bởi “đàn ông nào chẳng vậy ”!!!
Thật ra ngoại tình không phải là bản tính đặc quyền của đàn ông bởi nếu đúng vậy thì tại sao chúng ta phải cấm, phải giữ mà không để các anh cứ thoải mái với tình ngoài? Xin đừng đổ lỗi, hay định tội cho đàn ông như kiểu đã rồi, vì làm vậy chẳng khác nào bạn cho rằng tất cả đàn ông đều có quyền làm tổn thương bạn.
Đừng tìm bất kỳ lý do gì để ngụy biện cho hành động của người đang làm mình tổn thương vì lâu ngày cảm xúc sẽ bị chai sạn, bạn sẽ không còn tin vào giá trị của bản thân, nó âm ỉ, dai dẳng như bóng ma bao trùm lên cuộc đời bạn.
Dì tôi không chịu được cảnh đi về sớm tối của dượng nên đã ly hôn khi vừa bước qua tuổi 37, rồi dì ở vậy đến khi chọn gửi gắm đời mình ở chốn thiền môn. Những bạn bè của tôi có đứa vẫn còn đang vật vã trước khung thành hôn nhân, cũng có đứa đã bỏ cuộc, nhưng nỗi đau thì chẳng thể nào phai nhạt.
Phụ nữ sẽ không bao giờ có thể quản thức được một người đàn ông và ngược lại. Một khi anh ta muốn, anh ta sẽ luôn tìm cơ hội. Một khi ai đó không còn quý trọng hôn nhân thì bạn có cố sức bảo vệ cũng chỉ được “tày gang”. Vậy có đáng chăng khi bạn cứ giữ chặt cái khung thành hôn nhân trong khi bản thân mình lại đớn đau trong bất hạnh?
Đừng hô biến bản thân thành “cô thủ môn tội nghiệp” chỉ lo giữ khung thành, có chăng bạn nên giữ lấy lòng tự trọng của chính mình để khi hôn nhân vấp ngã bạn còn biết cách đứng lên, đối mặt và bước tiếp.
MIA