NGƯỜI VỢ TÀO KHANG
NGƯỜI VỢ TÀO KHANG
Chị tắm vội vàng sau một ngày dài lang thang dưới cái nắng rợn người, mời mọc bao người xa lạ mua dùm vé số. Đã ba năm rồi chị không còn biết đến chốn gột rửa bụi bặm hằng ngày một cách tươm tất.
Từ ca nước được làm dã chiến bằng một thùng sơn đã cũ, dòng nước đổ rào rào lên tấm thân gầy gò, bộ đồ cả ngày đi làm vẫn còn nguyên trên người chị vì “nhà tắm” lộ thiên. Chị xối thật nhanh vài gáo nước rồi nhanh chóng bước vào căn lều tạm trú vừa mới dựng xong của anh em phu hồ, thay đồ và loay hoay với bữa cơm chiều. Khói bếp bốc lên nghi ngút từ chiếc lò than tổ ong chồng chị vừa mới nhóm xong.
Cuộc đời lam lũ, bôn ba của chị bắt đầu từ khi lấy chồng. Chồng chị là thợ công trình. Vì kinh tế thấp, học vấn ít, chị buộc lòng phải theo anh đi khắp các công trình anh làm việc. Anh làm thợ xây còn chị thì lang thang bán vé số, nhặt ve chai. Vì không muốn chứng kiến những ngày gian khổ của vợ, đến cả tắm rửa, vệ sinh cũng bất tiện, bao nhiêu lần anh bảo chị tìm một chỗ trọ đàng hoàng mà thuê cho ổn định nhưng chị đều gạt đi. Chị bảo nếu chị đi theo anh, hai vợ chồng sẽ không phải tốn khoản tiền thuê phòng mà mỗi ngày chỉ dành cho việc ngủ. Hai vợ chồng nấu ăn cùng sẽ tiết kiệm rất nhiều so với việc chia tách mỗi người một nơi. Họ cần phải dành dụm nhiều hơn để có thể ổn định sau này.
Những hình ảnh phụ nữ như chị không phải hiếm ở các túp lều công trình trên mảnh đất Sài thành này. Chỉ vì yêu thương một người mà chấp nhận cuộc sống chẳng mấy dễ dàng.
Một ngày của người khác sẽ bắt đầu bằng ly cà phê thơm tho hay một bữa sáng đàng hoàng nhưng đôi khi họ còn cảm thấy uể oải, chán chường. Còn với chị, một ổ bánh mì có thịt đã là điều khiến chị có thêm động lực để bươn chải và cố gắng cho tương lai phía trước.
Những buổi trưa nắng gắt, chị cố gắng bước thật nhanh đến chỗ có mái che để nghỉ trưa. Rồi chợt nhớ đến cảnh anh phải trân mình giữa cái nắng oi nồng trên giàn giáo cao. Nghĩ đến công việc nhọc nhằn, nguy hiểm rình rập ấy mà chị lại rảo bước đi tiếp. Chị muốn cố gắng nhiều hơn để có thể sớm ngày an cư ở quê nhà.
Những buổi hoàng hôn trở về căn lều, tắm vội vàng, chưa kịp liếc mắt qua tấm gương nhỏ để chải lại mái tóc xơ rối, cháy nắng, chị lại tất bật với bữa cơm chiều. Rồi nhanh chóng đặt lưng nghỉ ngơi, chuẩn bị sức lực cho ngày làm việc hôm sau.
Thành phố xa hoa này trong mắt chị mấy năm nay chỉ có gạch đá, vôi vữa, giàn giáo, xi măng, cọc gỗ, thùng sơn… Có đôi khi chủ thầu nhận công trình kề bên căn nhà mà trước đây họ đã hoàn tất. Anh chị hay nói vui với nhau là được quay về chốn cũ. Nhưng cũng không khỏi nhìn nhau ngậm ngùi.
Biết bao nhiêu căn nhà đã mọc lên từ tay chồng chị và những người thợ xây, chị cũng mơ ước một ngôi nhà bé nhỏ sẽ hiện hình sau những hi sinh và gian khó của chị và anh.
Niềm vui nhỏ bé bây giờ của chị có lẽ nằm ở những bông hoa hồng đã khô mà chị thường treo ở cạnh chỗ nằm. Đêm đêm, chị lại nhìn chúng nhớ nét mặt của anh khi tặng cho chị vào những ngày lễ, sinh nhật “cho có với người ta”. Chị không câu nệ câu nói ấy của anh vì chị biết rõ anh không giỏi thể hiện tình cảm. Những đóa hoa này có ý nghĩa rất nhiều với chị. Đôi lần anh bảo khô rồi thì vứt đi, chị chỉ mỉm cười. Chị luôn mang theo chúng đi cùng với anh qua những công trình.
Phụ nữ, khi họ đặt lòng tin vào người đàn ông họ cho là đáng để họ yêu thương, thì bất kì sự cố gắng thậm chí là hi sinh nào cũng là xứng đáng.
Khi công trình gần xong cũng là lúc chị dọn dẹp chuẩn bị cho hành trình mới. Chị bảo đến năm nay anh chị đã dành dụm được gần tám mươi triệu. Chị cố thêm hai năm nữa rồi về quê mở một tiệm cà phê cho ổn định và sinh con.
Ánh mắt lấp lánh đầy suy tính tích cực của chị cho một tương lai tươi mới soi rõ con đường hai vợ chồng đã, đang và cùng đi.
Trong cuộc sống, chỉ khi tìm được một người bạn đồng hành thực sự hiểu, thấu cảm để dẫn dắt và ảnh hưởng tích cực thì chúng ta mới có thể đi xa. Đó sẽ là người mà ngoài tình yêu, chúng ta còn khắc ghi trong lòng một tấc dạ hàm ơn. Bởi có những tao đoạn trong đời, việc có một người bên cạnh để thấy biết ơn cũng là một khao khát mà không phải ai cũng may mắn có được.
LẠC NHIÊN
Chị tắm vội vàng sau một ngày dài lang thang dưới cái nắng rợn người, mời mọc bao người xa lạ mua dùm vé số. Đã ba năm rồi chị không còn biết đến chốn gột rửa bụi bặm hằng ngày một cách tươm tất.
Từ ca nước được làm dã chiến bằng một thùng sơn đã cũ, dòng nước đổ rào rào lên tấm thân gầy gò, bộ đồ cả ngày đi làm vẫn còn nguyên trên người chị vì “nhà tắm” lộ thiên. Chị xối thật nhanh vài gáo nước rồi nhanh chóng bước vào căn lều tạm trú vừa mới dựng xong của anh em phu hồ, thay đồ và loay hoay với bữa cơm chiều. Khói bếp bốc lên nghi ngút từ chiếc lò than tổ ong chồng chị vừa mới nhóm xong.
Cuộc đời lam lũ, bôn ba của chị bắt đầu từ khi lấy chồng. Chồng chị là thợ công trình. Vì kinh tế thấp, học vấn ít, chị buộc lòng phải theo anh đi khắp các công trình anh làm việc. Anh làm thợ xây còn chị thì lang thang bán vé số, nhặt ve chai. Vì không muốn chứng kiến những ngày gian khổ của vợ, đến cả tắm rửa, vệ sinh cũng bất tiện, bao nhiêu lần anh bảo chị tìm một chỗ trọ đàng hoàng mà thuê cho ổn định nhưng chị đều gạt đi. Chị bảo nếu chị đi theo anh, hai vợ chồng sẽ không phải tốn khoản tiền thuê phòng mà mỗi ngày chỉ dành cho việc ngủ. Hai vợ chồng nấu ăn cùng sẽ tiết kiệm rất nhiều so với việc chia tách mỗi người một nơi. Họ cần phải dành dụm nhiều hơn để có thể ổn định sau này.
Những hình ảnh phụ nữ như chị không phải hiếm ở các túp lều công trình trên mảnh đất Sài thành này. Chỉ vì yêu thương một người mà chấp nhận cuộc sống chẳng mấy dễ dàng.
Một ngày của người khác sẽ bắt đầu bằng ly cà phê thơm tho hay một bữa sáng đàng hoàng nhưng đôi khi họ còn cảm thấy uể oải, chán chường. Còn với chị, một ổ bánh mì có thịt đã là điều khiến chị có thêm động lực để bươn chải và cố gắng cho tương lai phía trước.
Những buổi trưa nắng gắt, chị cố gắng bước thật nhanh đến chỗ có mái che để nghỉ trưa. Rồi chợt nhớ đến cảnh anh phải trân mình giữa cái nắng oi nồng trên giàn giáo cao. Nghĩ đến công việc nhọc nhằn, nguy hiểm rình rập ấy mà chị lại rảo bước đi tiếp. Chị muốn cố gắng nhiều hơn để có thể sớm ngày an cư ở quê nhà.
Những buổi hoàng hôn trở về căn lều, tắm vội vàng, chưa kịp liếc mắt qua tấm gương nhỏ để chải lại mái tóc xơ rối, cháy nắng, chị lại tất bật với bữa cơm chiều. Rồi nhanh chóng đặt lưng nghỉ ngơi, chuẩn bị sức lực cho ngày làm việc hôm sau.
Thành phố xa hoa này trong mắt chị mấy năm nay chỉ có gạch đá, vôi vữa, giàn giáo, xi măng, cọc gỗ, thùng sơn… Có đôi khi chủ thầu nhận công trình kề bên căn nhà mà trước đây họ đã hoàn tất. Anh chị hay nói vui với nhau là được quay về chốn cũ. Nhưng cũng không khỏi nhìn nhau ngậm ngùi.
Biết bao nhiêu căn nhà đã mọc lên từ tay chồng chị và những người thợ xây, chị cũng mơ ước một ngôi nhà bé nhỏ sẽ hiện hình sau những hi sinh và gian khó của chị và anh.
Niềm vui nhỏ bé bây giờ của chị có lẽ nằm ở những bông hoa hồng đã khô mà chị thường treo ở cạnh chỗ nằm. Đêm đêm, chị lại nhìn chúng nhớ nét mặt của anh khi tặng cho chị vào những ngày lễ, sinh nhật “cho có với người ta”. Chị không câu nệ câu nói ấy của anh vì chị biết rõ anh không giỏi thể hiện tình cảm. Những đóa hoa này có ý nghĩa rất nhiều với chị. Đôi lần anh bảo khô rồi thì vứt đi, chị chỉ mỉm cười. Chị luôn mang theo chúng đi cùng với anh qua những công trình.
Phụ nữ, khi họ đặt lòng tin vào người đàn ông họ cho là đáng để họ yêu thương, thì bất kì sự cố gắng thậm chí là hi sinh nào cũng là xứng đáng.
Khi công trình gần xong cũng là lúc chị dọn dẹp chuẩn bị cho hành trình mới. Chị bảo đến năm nay anh chị đã dành dụm được gần tám mươi triệu. Chị cố thêm hai năm nữa rồi về quê mở một tiệm cà phê cho ổn định và sinh con.
Ánh mắt lấp lánh đầy suy tính tích cực của chị cho một tương lai tươi mới soi rõ con đường hai vợ chồng đã, đang và cùng đi.
Trong cuộc sống, chỉ khi tìm được một người bạn đồng hành thực sự hiểu, thấu cảm để dẫn dắt và ảnh hưởng tích cực thì chúng ta mới có thể đi xa. Đó sẽ là người mà ngoài tình yêu, chúng ta còn khắc ghi trong lòng một tấc dạ hàm ơn. Bởi có những tao đoạn trong đời, việc có một người bên cạnh để thấy biết ơn cũng là một khao khát mà không phải ai cũng may mắn có được.
LẠC NHIÊN