CÂY ĐỔ VỀ NƠI KHÔNG CÓ VẾT RÌU
CÂY ĐỔ VỀ NƠI KHÔNG CÓ VẾT RÌU
“Ta đâu có đề phòng từ phía người yêu
Cây đổ về nơi không có vết rìu”
(Thơ Hữu Thỉnh)
Quả thật sẽ chẳng có sự sụp đổ nào đau đớn bằng sự sụp đổ được tạo bởi chính những người mình yêu thương nhất cuộc đời, những người tưởng rằng sẽ không bao giờ bỏ rơi mình.
“Cầm lấy chỗ trứng gà này rồi đi đi, đừng để ba mày nhìn thấy, má sẽ gọi cho mày”.
Đó là câu nói cuối cùng mà mẹ con nó nói chuyện với nhau. Nó ăn hết chỗ trứng ấy như là sự cứu đói cuối cùng mà mẹ nó có thể làm. Tám năm trôi qua rồi, nó vẫn chưa dám về nhà.
Nó chờ một cuộc gọi từ má suốt ba năm trời nhưng bặt vô âm tín, nó gọi về thì không ai bắt máy. Nó đã chính thức bị bỏ rơi và lạc loài giữa xã hội. Vào một ngày mưa tầm tã, nó lặng lẽ thay số điện thoại, chính thức buông bỏ hy vọng về vòng tay ấm áp của gia đình.
Khi quyết định bước sang trang đời mới, với người khác, cuộc sống có lẽ đã nở hoa. Nhưng với nó, vào thời khắc này của tám năm về trước, cuộc đời đã gần như bế tắc.
Gia đình chìm ngập trong không khí ngột ngạt một lần nữa.
Mẹ sinh bốn người con, ba người đầu là con gái, nó là đứa con trai cầu khẩn mà thành – mẹ nó bảo vậy.
Vậy mà, cuộc đời trớ trêu, tính nữ trong con người nó ngày càng mạnh mẽ khi dần lớn lên. Nó cố gắng giấu đi, không dám bộc lộ khi ở nhà vì sợ bị ba đánh.
Nhưng giấy không gói được lửa, bạn bè cùng lớp chọc ghẹo, cô chủ nhiệm nhân buổi họp phụ huynh đã mời cả ba và mẹ nó lên. Và sự kém tế nhị của cô khi nói với ba mẹ về chuyện của nó trước mặt những phụ huynh khác đã khiến nó bị trận đòn nhừ tử từ ba, trong tiếng khóc bất lực của mẹ.
Mẹ bị ba chì chiết la mắng thậm tệ. Nó khóc, mẹ nó khóc. Chuỗi ngày ngẩn không nổi mặt lên nhìn mọi người của mẹ với họ hàng đặc biệt là bà nội đã bắt đầu như vậy. Chuỗi ngày đến thở cũng phải gồng người cho nam tính của nó cũng bắt đầu như vậy.
Nó thu mình lại, không chơi với ai, tỏ ra hung dữ để tự bảo vệ mình vì sợ kẻ khác ức hiếp. 16 tuổi, nó không hiểu vì sao ba mẹ lại sinh nó ra trên đời này để cứ sống trong nỗi sợ hãi.
Sợ đang lúc soi gương, lén tô son trong phòng bị ba bắt gặp, sợ mỗi lần đi vệ sinh, ba lại rình xem nó đứng hay ngồi. Sợ mỗi lần họp phụ huynh, cô giáo lại mách lại điều gì đó. Sợ mỗi Tết đến, tụ tập gia đình, nó lại bị nói bóng gió, làm sắc mặt ba tái đi và mẹ thì lên cơn mệt tim.
Nó biết, mẹ đã rất mỏi mệt và đau khổ, nhưng mẹ không la rầy nó tiếng nào, vì có lẽ những lời lẽ chửi rủa nặng nề nhất ba nó đã nói hết rồi. Nó biết nó đã từng là niềm kiêu hãnh của ba, đứa con trai học giỏi, ngoan ngoãn, chưa bao giờ làm ba phải nhắc nhở việc học hành. Thế nên “sự thật” này như một cái tát giáng thẳng vào mặt ba nó. Nó gồng vì mẹ, vì sợ ba, vì không biết nên sống như thế nào.
Nó không nghĩ rằng cuộc sống của những người yêu thương nó và nó yêu thương lại ra đến nông nỗi này.
Sự sụp đổ của tình cảm gia đình một lần nữa lặp lại khi nó quyết định sống thật với giới tính nữ của mình.
Nó chính thức bị bỏ rơi.
Người ta bảo dù giông gió cuộc đời có tàn khốc đến đâu, thì gia đình vẫn là nơi ẩn trú an toàn nhất. Nhưng với nó thì ngược lại, giông gió từ lời dèm pha, kì thị từ xã hội không quật ngã được nó, mà chính gia đình mà nó yêu thương lại khiến nó chông chênh giữa cuộc đời.
Nó biết hận ai? Nó biết trách ai? Câu hỏi tại sao mẹ lại sinh nó ra cứ đeo bám lấy nó. Nó đã từng gào lên, thét vào mặt mẹ như vậy, bất chấp lời nói ấy đã cứa vào lòng mẹ nỗi đau khôn cùng.
Vào lúc tuyệt vọng nhất, nó đã đứng trên chiếc cầu vào một ngày mưa. Nó đứng đó và nhìn vào mặt nước bên dưới, những xoáy nước hung ác chực chờ bên dưới mặt nước tưởng chừng hiền hòa, yên ắng ấy.
Nó đã chuẩn bị tinh thần để nhảy xuống, nhưng khi nó thực sự đối diện với nỗi sợ trong tâm trí để tìm đến cái chết, nó bỗng dưng thấy mình yếu đuối và tệ hại hẳn đi. Tự trong lòng nó trào dâng lên nỗi ấm ức, tại sao nó lại phải tự dồn mình đến bước này?
Nó nghĩ đến việc sau khi nó đi, có lẽ cũng chẳng ai biết nó là ai, hoặc giả người ta biết, có lẽ họ lại râm ran những câu nói thương hại cuộc đời nó.
Nhưng, nó không cần sự thương hại. Vì ý nghĩ cay cú ấy mà nó trở lại và khao khát chứng minh bản thân. Nó vứt bỏ xuống dòng xoáy hun hút ấy những tháng năm là một đứa con trai ngoan, những tháng năm được ba mẹ yêu thương và cả những vết thương tuổi mới lớn.
Nó quyết định rằng bản thân nó phải giỏi hơn người ta ở cái lĩnh vực mà nó theo đuổi. Sau những thăng trầm, vì tất nhiên chẳng có con đường nào bằng phẳng, nó đã có những thành công chân chính bằng sức lực của bản thân.
Và nó bước vào những cuộc phẫu thuật nối tiếp nhau trong hành trình tìm lại và khiến cho dáng vóc phụ nữ trong con người mình được thoát ra ngoài. Những cột mốc và nỗi đau đớn lẫn sợ hãi trong chuỗi ngày đó, nhớ lại nó vẫn còn rùng mình.
Mùi thuốc sát trùng, màu trắng toát của những chiếc băng ca và gạc y tế, mùi của cái chết rình rập trên bàn mổ lạnh toát với những dụng cụ phẫu thuật và máy móc y tế. Mùi của nỗi sợ và đơn độc. Mùi của máu tanh nồng và của nước mắt mặn môi.
Thực sự với nó, tám năm là một khoảng thời gian rất ngắn mà nó tìm về được chính mình, may mắn hơn rất nhiều bạn bè đồng cảnh ngộ khác.
Thế nhưng, nó không thành công ở một điểm. Một điểm duy nhất làm trái tim nó không thể nào bình yên được. Nó dũng cảm trong hành trình khó khăn suốt tám năm ấy, dũng cảm đối mặt với cái chết để sống trọn vẹn. Vậy mà nó lại không đủ dũng khí để về gặp ba mẹ dù đôi lần nó đã len lén về nhìn lại căn nhà mà nó đã lớn lên, nhìn ba mẹ và các chị từ xa xa.
“Về nhà đi con“. Nó luôn mơ màng nghe thấy mẹ gọi nó về nhưng khi tỉnh mộng rồi, nó lại đau xót nhận ra mình chỉ là một cái cây đã bị “đổ về nơi không có vết rìu”.
Giá như một lần ba nghe con nói
Giá như một lần mẹ đứng về phía con
Giá như mẹ ba nhìn thấy những héo hon
Thì trái tim con cũng đã vẹn tròn như người khác
Ba mẹ ơi! Con không lầm đường đi lạc
Mà bởi tạo hóa đã sai một hình hài
Con đã phải đi một con đường rất dài
Với bao tủi hổ, đớn đau và đơn độc
Con chỉ thèm một lần được khóc
Và được vỗ về “không sao cả con ơi”
Con chỉ thèm dẫu một lần duy nhất trong đời
Ba mẹ đón con về và rộng lòng dung thứ
Có được không?
LẠC NHIÊN
“Ta đâu có đề phòng từ phía người yêu
Cây đổ về nơi không có vết rìu”
(Thơ Hữu Thỉnh)
Quả thật sẽ chẳng có sự sụp đổ nào đau đớn bằng sự sụp đổ được tạo bởi chính những người mình yêu thương nhất cuộc đời, những người tưởng rằng sẽ không bao giờ bỏ rơi mình.
“Cầm lấy chỗ trứng gà này rồi đi đi, đừng để ba mày nhìn thấy, má sẽ gọi cho mày”.
Đó là câu nói cuối cùng mà mẹ con nó nói chuyện với nhau. Nó ăn hết chỗ trứng ấy như là sự cứu đói cuối cùng mà mẹ nó có thể làm. Tám năm trôi qua rồi, nó vẫn chưa dám về nhà.
Nó chờ một cuộc gọi từ má suốt ba năm trời nhưng bặt vô âm tín, nó gọi về thì không ai bắt máy. Nó đã chính thức bị bỏ rơi và lạc loài giữa xã hội. Vào một ngày mưa tầm tã, nó lặng lẽ thay số điện thoại, chính thức buông bỏ hy vọng về vòng tay ấm áp của gia đình.
Khi quyết định bước sang trang đời mới, với người khác, cuộc sống có lẽ đã nở hoa. Nhưng với nó, vào thời khắc này của tám năm về trước, cuộc đời đã gần như bế tắc.
Gia đình chìm ngập trong không khí ngột ngạt một lần nữa.
Mẹ sinh bốn người con, ba người đầu là con gái, nó là đứa con trai cầu khẩn mà thành – mẹ nó bảo vậy.
Vậy mà, cuộc đời trớ trêu, tính nữ trong con người nó ngày càng mạnh mẽ khi dần lớn lên. Nó cố gắng giấu đi, không dám bộc lộ khi ở nhà vì sợ bị ba đánh.
Nhưng giấy không gói được lửa, bạn bè cùng lớp chọc ghẹo, cô chủ nhiệm nhân buổi họp phụ huynh đã mời cả ba và mẹ nó lên. Và sự kém tế nhị của cô khi nói với ba mẹ về chuyện của nó trước mặt những phụ huynh khác đã khiến nó bị trận đòn nhừ tử từ ba, trong tiếng khóc bất lực của mẹ.
Mẹ bị ba chì chiết la mắng thậm tệ. Nó khóc, mẹ nó khóc. Chuỗi ngày ngẩn không nổi mặt lên nhìn mọi người của mẹ với họ hàng đặc biệt là bà nội đã bắt đầu như vậy. Chuỗi ngày đến thở cũng phải gồng người cho nam tính của nó cũng bắt đầu như vậy.
Nó thu mình lại, không chơi với ai, tỏ ra hung dữ để tự bảo vệ mình vì sợ kẻ khác ức hiếp. 16 tuổi, nó không hiểu vì sao ba mẹ lại sinh nó ra trên đời này để cứ sống trong nỗi sợ hãi.
Sợ đang lúc soi gương, lén tô son trong phòng bị ba bắt gặp, sợ mỗi lần đi vệ sinh, ba lại rình xem nó đứng hay ngồi. Sợ mỗi lần họp phụ huynh, cô giáo lại mách lại điều gì đó. Sợ mỗi Tết đến, tụ tập gia đình, nó lại bị nói bóng gió, làm sắc mặt ba tái đi và mẹ thì lên cơn mệt tim.
Nó biết, mẹ đã rất mỏi mệt và đau khổ, nhưng mẹ không la rầy nó tiếng nào, vì có lẽ những lời lẽ chửi rủa nặng nề nhất ba nó đã nói hết rồi. Nó biết nó đã từng là niềm kiêu hãnh của ba, đứa con trai học giỏi, ngoan ngoãn, chưa bao giờ làm ba phải nhắc nhở việc học hành. Thế nên “sự thật” này như một cái tát giáng thẳng vào mặt ba nó. Nó gồng vì mẹ, vì sợ ba, vì không biết nên sống như thế nào.
Nó không nghĩ rằng cuộc sống của những người yêu thương nó và nó yêu thương lại ra đến nông nỗi này.
Sự sụp đổ của tình cảm gia đình một lần nữa lặp lại khi nó quyết định sống thật với giới tính nữ của mình.
Nó chính thức bị bỏ rơi.
Người ta bảo dù giông gió cuộc đời có tàn khốc đến đâu, thì gia đình vẫn là nơi ẩn trú an toàn nhất. Nhưng với nó thì ngược lại, giông gió từ lời dèm pha, kì thị từ xã hội không quật ngã được nó, mà chính gia đình mà nó yêu thương lại khiến nó chông chênh giữa cuộc đời.
Nó biết hận ai? Nó biết trách ai? Câu hỏi tại sao mẹ lại sinh nó ra cứ đeo bám lấy nó. Nó đã từng gào lên, thét vào mặt mẹ như vậy, bất chấp lời nói ấy đã cứa vào lòng mẹ nỗi đau khôn cùng.
Vào lúc tuyệt vọng nhất, nó đã đứng trên chiếc cầu vào một ngày mưa. Nó đứng đó và nhìn vào mặt nước bên dưới, những xoáy nước hung ác chực chờ bên dưới mặt nước tưởng chừng hiền hòa, yên ắng ấy.
Nó đã chuẩn bị tinh thần để nhảy xuống, nhưng khi nó thực sự đối diện với nỗi sợ trong tâm trí để tìm đến cái chết, nó bỗng dưng thấy mình yếu đuối và tệ hại hẳn đi. Tự trong lòng nó trào dâng lên nỗi ấm ức, tại sao nó lại phải tự dồn mình đến bước này?
Nó nghĩ đến việc sau khi nó đi, có lẽ cũng chẳng ai biết nó là ai, hoặc giả người ta biết, có lẽ họ lại râm ran những câu nói thương hại cuộc đời nó.
Nhưng, nó không cần sự thương hại. Vì ý nghĩ cay cú ấy mà nó trở lại và khao khát chứng minh bản thân. Nó vứt bỏ xuống dòng xoáy hun hút ấy những tháng năm là một đứa con trai ngoan, những tháng năm được ba mẹ yêu thương và cả những vết thương tuổi mới lớn.
Nó quyết định rằng bản thân nó phải giỏi hơn người ta ở cái lĩnh vực mà nó theo đuổi. Sau những thăng trầm, vì tất nhiên chẳng có con đường nào bằng phẳng, nó đã có những thành công chân chính bằng sức lực của bản thân.
Và nó bước vào những cuộc phẫu thuật nối tiếp nhau trong hành trình tìm lại và khiến cho dáng vóc phụ nữ trong con người mình được thoát ra ngoài. Những cột mốc và nỗi đau đớn lẫn sợ hãi trong chuỗi ngày đó, nhớ lại nó vẫn còn rùng mình.
Mùi thuốc sát trùng, màu trắng toát của những chiếc băng ca và gạc y tế, mùi của cái chết rình rập trên bàn mổ lạnh toát với những dụng cụ phẫu thuật và máy móc y tế. Mùi của nỗi sợ và đơn độc. Mùi của máu tanh nồng và của nước mắt mặn môi.
Thực sự với nó, tám năm là một khoảng thời gian rất ngắn mà nó tìm về được chính mình, may mắn hơn rất nhiều bạn bè đồng cảnh ngộ khác.
Thế nhưng, nó không thành công ở một điểm. Một điểm duy nhất làm trái tim nó không thể nào bình yên được. Nó dũng cảm trong hành trình khó khăn suốt tám năm ấy, dũng cảm đối mặt với cái chết để sống trọn vẹn. Vậy mà nó lại không đủ dũng khí để về gặp ba mẹ dù đôi lần nó đã len lén về nhìn lại căn nhà mà nó đã lớn lên, nhìn ba mẹ và các chị từ xa xa.
“Về nhà đi con“. Nó luôn mơ màng nghe thấy mẹ gọi nó về nhưng khi tỉnh mộng rồi, nó lại đau xót nhận ra mình chỉ là một cái cây đã bị “đổ về nơi không có vết rìu”.
Giá như một lần ba nghe con nói
Giá như một lần mẹ đứng về phía con
Giá như mẹ ba nhìn thấy những héo hon
Thì trái tim con cũng đã vẹn tròn như người khác
Ba mẹ ơi! Con không lầm đường đi lạc
Mà bởi tạo hóa đã sai một hình hài
Con đã phải đi một con đường rất dài
Với bao tủi hổ, đớn đau và đơn độc
Con chỉ thèm một lần được khóc
Và được vỗ về “không sao cả con ơi”
Con chỉ thèm dẫu một lần duy nhất trong đời
Ba mẹ đón con về và rộng lòng dung thứ
Có được không?
LẠC NHIÊN